Lộ nhiều sai phạm tại Khu đô thị Hadiresco
Qua đơn phản ánh của anh H.D (tòa 3A – Khu đô thị Handiresco) về việc ngày 24/3, hộ gia đình anh bất ngờ bị Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư cắt điện sinh hoạt, qua tìm hiểu, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phát hiện nhiều bất thường từ chủ đầu tư cũng như đơn vị quản lý điều hành tòa nhà là Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư.
Cụ thể, theo phản ánh của hộ dân thì từ giữa năm 2013 các hộ dẫn đã chuyển về sinh sống tại các tòa nhà OCT3 A,B,C,D. Khi về sinh sống, người dân được Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư hướng dẫn đóng 400.000 đồng tiền mua công tơ sử dụng điện và đóng tiền sử dụng điện hàng tháng cho Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư.
Khi thanh toán tiền điện cho Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư, mỗi hộ dân được đưa một phiếu thu trong đó ghi rõ số điện sử dụng tính ra tiền và thuế VAT. Tại thời điểm năm 2013, gia đình anh D và nhiều hộ dân sống tại tòa 3A đã nhiều lần yêu cầu Xí nghiệp phải cho người dân mua điện trực tiếp với điện lực Hà Nội. Thời điểm đó giữ Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư và các hộ dân tòa 3A đã ký thỏa thuận: Nếu Xí nghiệp không cho người dân được mua điện trực tiếp với Công ty Điện lực Từ Liêm các hộ dân sẽ không đóng tiền sử dụng điện.
Khu đô thị Handiresco - Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội |
Nhưng từ năm 2013 đến nay, người dân tại tòa 3A Khu đô thị Hadiresco vẫn chưa được mua điện trực tiếp với Công ty Điện lực Từ Liêm. Trong khi đó, Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư vẫn tiếp tục bán điện cho các hộ dân theo một mức giá do Xí nghiệp đưa ra.
Trước phản ánh của anh D, trao đổi với phóng viên ông Lê Trương Hồng – Phó giám đốc Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư cho biết, do nhu cầu sử dụng điện của các hộ dân nên Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư đã ký hợp đồng mua điện với Công ty Điện lực Từ Liêm với đơn giá mức 3 hơn 1.900 đồng/kWh. Ông Hồng cho rằng, người dân sống tại Khu đô thị Handiresco được tiêu thụ điện với 1 mức giá, thay vì 7 mức giá.
Theo biểu giá điện được quy định theo Thông tư số 19/2013/TT-BCT do Bộ Công Thương đã ban hành có hiệu lực từ 1/8/2013 (cùng với thời điểm các hộ dân bắt đầu chuyển về sinh sống tại Khu đô thị Handiresco) thì giá định sử dụng được quy định với 7 mức. Cụ thể: Mức 1 tiêu thụ dưới 50kWh/tháng giá điện 993 đồng/kWh; Mức 2 tiêu thụ từ 0 - 100 kWh/tháng giá bán điện 1.418 đồng/kWh; Mức 3 từ 101 – 150 kWh/tháng giá bán điện là 1.622 đồng/ kWh; Mức 4 từ 151 – 200kWh/tháng giá bán là 2.044 đồng/ kWh… Như vậy với việc bán điện cho các hộ dân theo 1 giá của Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư theo mức hơn 1.900 đồng/kWh tương đương với mức tiêu thụ 4.
Thu tiền điện của các hộ dân nhưng Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư không xuất hóa đơn thay vào đó là một tờ phiếu thu ghi: "Thu tiền dịch vụ" và có tính thuế VAT. |
Với cách thu tiền nhe vậy, các hộ dân chỉ sử dụng dưới 150kWh/ tháng sẽ bị thiệt, đặc biệt việc tiêu thụ điện của hộ dân phụ thuộc vào thời tiết và từng thời điểm trong năm. Bên cạnh đó, nếu theo phiếu thu tiền điện của các hộ dân thì mỗi hộ dân đều bị tính thuế VAT trong khi theo lý giải của Xí nghiệp, đơn vị này ký hợp đồng mua điện với Công ty Điện lực Từ Liêm. Như vậy khi thanh toán tiền điện với Công ty Điện lực Từ Liêm, Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư không thể cộng gộp tất cả số thuế VAT của các hộ dân và coi đó là tiền thuế VAT cho tất cả giá trị sử dụng điện của khu đô thị.
Trong khi đó về nguyên tắc, việc mua bán phải xuất hóa đơn theo mẫu của Bộ Tài chính tuy nhiên Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư chỉ đưa cho các hộ dân phiếu thu. Lý giải về việc thu tiền sử dụng điện nhưng không xuất hóa đơn, ông Hồn cho rằng: Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư chỉ thu tiền điện hộ Công ty Điện lực Từ Liêm chứ không phải đơn vị kinh doanh điện. Đồng thời từ năm 2015 các hộ dân đã được mua điện trực tiếp từ Công ty Điện lực Từ Liêm.
Lỗ hổng quản lý
Trước câu trả lời này của đại diện Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư, TS.LS Vũ Thái Hà - Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật TNHH YouMe cho rằng, không thể có chuyện Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư thuộc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội thu tiền sử dụng điện của các hộ dân và nộp cho Điện lực Từ Liêm nên không có hóa đơn.
“Điện lực Từ Liêm không ký Hợp đồng cung cấp điện với các hộ dân thì không có lý gì Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư lại đi thu hộ. Việc Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư cấp điện, cắt điện, thu tiền và phát hành phiếu thu cho các hộ dân đã chứng tỏ họ đang kinh doanh bán lẻ điện”, TS.LS Vũ Thái Hà cho biết.
Kể cả trong trường hợp Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư là đơn vị được phép kinh doanh bán lẻ điện thì đơn vị này phải đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh điện và phải được cấp giấy phép bán lẻ điện.
“Nếu không được cấp giấy phép bán lẻ điện, mà Xí nghiệp này vẫn kinh doanh điện và không xuất hóa đơn VAT cho người dân là vi phạm các quy định của pháp luật ngành điện, thuế và kinh doanh. Hành vi này tùy từng mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự”, TS.LS Hà cho biết.
Cũng theo TS.LS Vũ Thái Hà, các hộ dân tại Khu đô thị hoàn toàn có thể khởi kiện để đòi lại quyền lợi của mình nếu có căn cứ cho rằng Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư kinh doanh điện trái pháp luật.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chiều ngày 27/3, ông Nguyễn Văn Tiến – Giám đốc Công ty Điện lực Từ Liêm cho biết, việc Công ty Điện lực Từ Liêm không thể thực hiện mua bán cung cấp điện cho các hộ dân trong Khu đô thị Handiresco do chủ đầu tư dự án Công ty TNHH Nhà nước một thành viên kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội chưa bàn giao hạ tầng điện để ngành điện quản lý. Theo đúng quy trình, khi chủ đầu tư là công ty xây dựng trong công trình trạm biến áp phải bàn giao lại cho điện lực. Điện lực tiếp nhận cơ sở hạ tầng đó và ký hợp đồng bán điện trực tiếp với các hộ dân.
“Tôi khẳng định chủ đầu tư chưa bàn giao hạ tầng cho ngành điện quản lý, nếu bàn giao chúng tôi sẵn sàng bán ký hợp đồng mua bán điện với các hộ dân”, ông Tiến cho biết.
Cũng theo ông Tiến, chủ đầu tư phải có trách nhiệm trả lời với các hộ dân về việc vì sao không bàn giao cho hạ tầng cho ngành điện. “Thực tế có chủ đầu tư rất tốt làm rất đúng nhưng không hiểu chủ đầu tư này (Công ty TNHH Nhà nước một thành viên kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội – PV) vướng cái gì cái đó mình không biết, Công ty Điện lực Từ Liêm có văn bản gửi chủ đầu tư về việc này”, ông Tiến cho biết thêm.
Như vậy từ thông tin bên Công ty Điện lực Từ Liêm có thể thấy suốt từ năm 2013 khi hộ dân chuyển về sinh sống tại khu đô thị Handiresco, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội với tư cách là chủ đầu tư đã không tiến hành bàn giao hạ tầng cho ngành điện đây chính là mấu chốt dẫn đến người dân phải chịu thiệt. Trong khi đó, Xí nghiệp quản lý nhà sau đầu tư dù chỉ là đơn vị quản lý tòa nhà nhưng hoạt động như doanh nghiệp được kinh doanh bán lẻ điện sinh hoạt khi lặp đặt công tơ, thu tiền điện của các hộ dân, tính thuế VAT với phiếu thu tiền điện.