Làm sao để học sinh yêu môn văn hơn và phát huy thế mạnh môn văn trong dạy người là vấn đề trăn trở của các nhà giáo dục hiện nay.
Hàng ngày, các cô thầy giáo vẫn luôn phải suy nghĩ, tìm cách thay đổi phương pháp dạy học để học sinh yêu và nhận thức được vai trò của môn văn hơn.
Chia sẻ về kinh nghiệm lôi kéo học sinh đến với môn văn với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lê Thị Phương, giáo viên dạy Văn ở trường Trung học Phổ thông Phan Huy Chú (Hà Nội) đã có nhiều cách làm thiết thực.
Theo cô Phương, sân khấu hóa sẽ tạo nên sinh khí cho học sinh trong giờ học văn nhưng không nên lạm dụng (ảnh Trinh Phúc). |
Theo cô Phương, đối với môn văn, hiện có một bộ phận nhỏ học sinh đam mê. Còn lại, đa phần chưa nhìn thấy môn văn có giá trị như thế nào trong đời sống.
Các em cảm thấy học văn còn xa vời với đời sống thực tế. Vì môn học chưa đem lại cơ hội nghề nghiệp vững vàng. Trong khi, bản chất của môn văn là rèn các kỹ năng, thái độ sống đúng đắn.
“Đây là một trở ngại trong dạy văn ở phổ thông. Nhưng khi các con hiểu được vấn đề thì ý thức được việc học văn là rất cần thiết”, Phương cho biết.
Sân khấu hóa văn học rất cần thiết, kỷ luật sẽ làm thầy trò sợ hãi |
Để nhóm lửa văn chương, cô Lê Thị Phương chia sẻ rằng, cách dạy truyền thống là thuyết giảng nhưng bây giờ học sinh cần không gian học tập để khai triển tất cả năng lực của mình.
Việc kết hợp các hoạt động nhằm tăng cường sinh khí trong giờ học văn ví dụ như để học sinh thuyết trình, đàm thoại, nói lên tiếng nói của mình thông qua các sản phẩm sáng tạo.
Hay để học sinh đặt mình trong vai trò, vị trí của người viết hay các nhân vật trong tác phẩm để các con cảm nhận tốt hơn.
Một trong những cách thức làm tăng sinh khí cho môn văn, hiện nhiều nơi thường tổ chức sân khấu hóa văn học.
Chia sẻ về việc có nên sân khấu hóa các trích đoạn văn học như hiện nay, cô giáo Phương cho rằng, hoạt động sân khấu hóa trường học đã mang lại nhiều lợi ích cho các con.
Vì các con được nhập vai, hóa thân vào nhân vật nên hiểu hơn nhân vật. Rèn cho các con góc nhìn sân khấu, kỹ năng cảm thụ.
Tuy nhiên, không nên lạm dụng, bởi việc sân khấu hóa không phải tác phẩm nào cũng làm được. Sân khấu hóa tác phẩm văn học nếu không khéo trở thành khiên cưỡng. Việc lạm dụng thì tốn kém, mất thời gian.
Trong khi dù sao học văn đòi hỏi việc đào sâu văn bản, định hướng thẩm mỹ. Qua phân tích chứ không phải thông qua hoạt động sân khấu.