Không sợ Trung Quốc mới có thể hiệu chỉnh hành vi của Bắc Kinh

25/06/2018 07:57
Hồng Thủy
(GDVN) - Phản ứng rất thẳng thắn, trí tuệ, hợp lý hợp tình của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad là bài học cho các quốc gia mục tiêu Vành đai và Con đường.

Financial Times ngày 24/6 có bài phân tích, phản ứng của (Thủ tướng) Malaysia kiểm tra tham vọng sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, đòi hỏi trách nhiệm giải trình và minh bạch sẽ buộc Bắc Kinh phải thỏa hiệp.

Tờ báo nhận định, tỷ phủ thương mại điện tử Trung Quốc Jack Ma đã bay sang Malaysia tuần trước để kết thân với Thủ tướng Mahathir Mohamad, như ông đã từng làm với cựu Thủ tướng Najib Razak cho đến khi bị thay thế vào tháng trước.

Jack Ma không chỉ quảng bá cho tập đoàn Alibaba của mình, mà còn gánh sứ mệnh làm dịu mối quan hệ giữa Trung Quốc và Malaysia.

Sứ mệnh này được thực hiện sau khi ông Mahathir Mohamad tuyên bố sẽ xem lại các dự án bất bình đẳng mà Najib Razak đã ký với một loạt doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong khuôn khổ Vành đai và Con đường.

Minh bạch và trách nhiệm giải trình mới mang lại uy tín, không phải những lời cam kết chót lưỡi đầu môi

Giống như những gì từng làm với Najib Razak, Jack Ma tìm cách lấy lòng Mahathir Mohamad bằng cách nói với ông ấy rằng, Jack Ma đã có cảm hứng khởi nghiệp Alibaba từ "thiên tài" của vị Thủ tướng 92 tuổi khi ông đắc cử Thủ tướng Malaysia những năm 1990.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, ảnh: SCMP.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, ảnh: SCMP.

Bắc Kinh sẽ phải thi đua với tính linh hoạt và khả năng quyến rũ của Jack Ma nếu muốn đảm bảo Malaysia không trở thành quốc gia hàng đầu từ chối Vành đai và Con đường, gây nguy hiểm cho các hoạt động đầu tư không bền vững của Trung Quốc.

Giới phê bình tin rằng, Vành đai và Con đường là một cái bẫy nợ của chủ nghĩa đế quốc, thực dân kiểu mới.

Năm ngoái, một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát một cảng khẩu chiến lược của Sri Lanka vì chính phủ nước này vay tiền Trung Quốc mà không có khả năng thanh toán.

Người Malaysia đã cảnh báo trước về tiền lệ của Sri Lanka, cáo buộc ông Najib Razak đã bán nước theo cách tương tự.

Chính phủ mới của Thủ tướng Mahathir Mohamad đã tuyên bố sẽ đàm phán lại một số dự án cơ sở hạ tầng lớn của Trung Quốc mà họ tin là có giá trị thấp về tiền bạc cũng như hiệu quả quản trị, bao gồm tuyến đường sắt kết nối bờ biển phía Đông trị giá 14 tỉ USD và 2 đường ống dẫn khí đốt.

Các quan chức Trung Quốc luôn phản ứng với những thái độ như vậy bằng khẳng định, hoạt động của doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài luôn dựa trên cơ sở "tôn trọng lẫn nhau" và "cùng có lợi".

Nhưng với người Malaysia đòi hỏi trách nhiệm giải trình và sự minh bạch từ chính phủ mới của họ, Trung Quốc muốn giữ được các dự án đầy tham vọng của mình thì phải có những thỏa hiệp thực sự, chứ không phải nói suông.

Việc gây dựng nền móng hợp tác sẽ không thoải mái với chính phủ và công dân Trung Quốc, bởi họ đã quá quen với việc kết hợp cây gậy và củ cà rốt, đe dọa quân sự với áp đặt kinh tế trong quan hệ với các nước Đông Nam Á.

Tham vọng và cách thức sử dụng "cây gậy" của ông Tập Cận Bình trên Biển Đông khiến các nước đặc biệt lo ngại. Ảnh minh họa: Youtube.
Tham vọng và cách thức sử dụng "cây gậy" của ông Tập Cận Bình trên Biển Đông khiến các nước đặc biệt lo ngại. Ảnh minh họa: Youtube.

Trong vài năm qua, lập trường cứng rắn của Tập Cận Bình đã "trung hòa" phản kháng từ Malaysia, Philippines và Việt Nam về yêu sách lãnh thổ bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Đô đốc Philip Davidson, tân Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương, Hoa Kỳ đã cảnh báo trong tháng Tư vừa qua rằng, Bắc Kinh giờ đây có khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống chiến tranh chớp nhoáng với Hoa Kỳ.

Nhưng các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá hàng trăm tỉ USD của Trung Quốc ở nước ngoài qua khuôn khổ cam kết của Vành đai và Con đường, sẽ đòi hỏi sự ủng hộ của chính phủ và dân chúng nước sở tại, chứ không phải sự phản đối.

Không may cho Bắc Kinh, sự phản kháng nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc gần đây đã xuất hiện trên khắp Đông Nam Á.

Ở Indonesia, dự án đường sắt Jakarta - Bandung trị giá 5,5 tỷ USD được coi là thương vụ đầu tiên Trung Quốc xuất khẩu thành công công nghệ đường sắt của mình, đã bị đình trệ vì thu hồi giải phóng mặt bằng lẫn lo ngại khả năng trả nợ của Indonesia.

Luhut Pandjaitan, một bộ trưởng lãnh đạo các cuộc đàm phán của Indonesia với Bắc Kinh về các dự án đầu tư lớn, cho biết vẫn còn một số vấn đề, nhưng ông hy vọng hai chính phủ có thể đạt được thỏa thuận cách "giảm chi phí" xây dựng tuyến đường sắt này.

Không sợ Trung Quốc mới có thể hiệu chỉnh hành vi của Bắc Kinh  ảnh 3

"Tại sao phải sợ Trung Quốc? Mọi giao dịch thua lỗ với Trung Quốc phải kết thúc"

Giống như chính phủ Indonesia, Tiến sĩ Mahathir Mohamad nói ông hoan nghênh đầu tư và công nghệ của Trung Quốc, nhưng với điều kiện các dự án phải sử dụng hiệu quả kinh phí, minh bạch và mang lại lợi ích thực sự cho các doanh nghiệp và lao động địa phương.

Điều này sẽ là khó khăn cho nhiều doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đang hoạt động ở các nước đang phát triển và mang theo hàng ngàn lao động Trung Quốc;

Họ hoạt động không có sự giám sát của công chúng bản địa do ỷ vào các khoản vay chính phủ Trung Quốc cung cấp cho các dự án, ngay cả khi nó có thể không mang lại lợi nhuận.

Cuộc bầu cử bất ngờ của Malaysia đã cung cấp cho Bắc Kinh cơ hội hoàn hảo để chứng minh cam kết của họ là nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước và xây dựng các dự án "cùng thắng" dọc theo Vành đai và Con đường. [1]

Không sợ Trung Quốc mới hiệu chỉnh được hành vi của Bắc Kinh

Trước đó trong bài trả lời phỏng vấn độc quyền tờ South China Morning Post đăng ngày 21/6, Tiến sĩ Mahathir Mohamad khẳng định rõ: "Chẳng có gì phải sợ Trung Quốc."

Trả lời câu hỏi của South China Morning Post rằng, một số người nói ngài chống Trung Quốc, có đúng vậy không? Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nói:

"Dĩ nhiên có những việc nhất định đã được thực hiện mà Malaysia không được lợi ích gì, thậm chí nó không tốt cho Malaysia.

Chúng tôi hoan nghênh đầu tư trực tiếp nước ngoài từ bất kỳ quốc gia nào, chắc chắn bao gồm cả Trung Quốc.

Nếu tỉ phú Jack Ma thiếu kế hoạch hành động thuyết phục cho những gì ông nói với Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, thì ông cũng chỉ là một thuyết khách gia của Trung Nam Hải không hơn, không kém. Ảnh minh họa: FT.com.
Nếu tỉ phú Jack Ma thiếu kế hoạch hành động thuyết phục cho những gì ông nói với Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, thì ông cũng chỉ là một thuyết khách gia của Trung Nam Hải không hơn, không kém. Ảnh minh họa: FT.com.

Nhưng khi nói đến việc ký hợp đồng với Trung Quốc, vay các khoản tiền khổng lồ từ Trung Quốc, các nhà thầu Trung Quốc thích sử dụng công nhân của họ từ Trung Quốc, dùng mọi thứ được nhập từ Trung Quốc, thậm chí việc thanh toán không được thực hiện ở đây mà ở Trung Quốc;

Những loại hợp đồng đó không phải là thứ mà tôi hoan nghênh.

Một điều nữa là họ phát triển trọn gói nhiều đô thị, những đô thị rất phức tạp, rất đắt tiền mà người Malaysia không thể mua được. Vì vậy, họ sẽ đưa người nước ngoài đến sống ở những thành phố này.

Hiện nay, không một quốc gia nào trên thế giới chấp nhận hàng loạt người nhập cư đến quốc gia của mình. Bạn thấy điều này ở Mỹ, châu Âu hay bất cứ đâu.

Chúng tôi không muốn có một thành phố được xây dựng ở Malaysia để (nhà đầu tư đưa) người nước ngoài đến ở đó.

Đó là những gì tôi chống lại, ngay cả khi (nhà đầu tư) là người Ấn Độ, các nước Ả Rập hay châu Âu.

Những người nhập cư nước ngoài với số lượng lớn sẽ không ai được chào đón, chắc chắn là không đối với Malaysia.

Nhưng ngược lại, khi đầu tư nước ngoài gắn với những ý tưởng như ông Jack Ma đề cập, ông muốn đào tạo người Malaysia, ông muốn người Malaysia kinh doanh, ông muốn thúc đẩy người Malaysia đến thị trường Trung Quốc, những việc như thế rất tốt.

Trung Quốc đã có 300 triệu người trung lưu, đó là một thị trường lớn. Ông ấy nói, nếu tất cả mọi thứ đều được sản xuất tại Trung Quốc, nước này sẽ bị ô nhiễm.

Vì vậy, cách nói chuyện và trình bày vấn đề của Jack Ma khác hoàn toàn các nhà thầu lớn khác của Trung Quốc, những người chỉ muốn kiếm được hợp đồng ở đây mà không thuê công nhân của chúng tôi, sử dụng lao động từ Trung Quốc đưa sang." [2]

Không sợ Trung Quốc mới có thể hiệu chỉnh hành vi của Bắc Kinh  ảnh 5

Trung Quốc đừng đùa với ngài Donald Trump, Biển Đông không dễ bị độc chiếm

Chúng tôi cho rằng, chiến lược thực sự đằng sau Vành đai và Con đường không chỉ nhằm gài các nước mục tiêu vào "bẫy nợ ngoại giao", mà đây là công cụ chính ông Tập Cận Bình sử dụng để tái cơ cấu kinh tế Trung Quốc.

Lợi dụng nguồn tiền dồi dào hàng chục tỷ USD kiếm được từ mấy chục năm làm công xưởng hàng giá rẻ cho cả thế giới, ông Tập Cận Bình muốn chuyển hết thặng dư công nghiệp, lao động tay chân và công nghệ lạc hậu của Trung Quốc sang các nước mục tiêu Vành đai và Con đường, để kinh tế Trung Quốc có thể lột xác.

Tuy nhiên, sự khôn lỏi lẫn ý đồ sử dụng đòn bẩy tài chính, thương mại để khiến các quốc gia mục tiêu lệ thuộc vào Trung Quốc đã bộc lộ quá rõ, Tiến sĩ Mahathir Mohamad đã không ngần ngại bóc trần các thủ đoạn này.

Cho nên, nếu Trung Quốc không thay đổi, thì Vành đai và Con đường sẽ chẳng đi đến đâu, nó chỉ khiến hình ảnh Trung Quốc xấu thêm trong mắt cộng đồng quốc tế.

Ngay cả Jack Ma, nếu không có các kế hoạch hợp tác cụ thể, minh bạch, hiệu quả và tôn trọng trách nhiệm giải trình, mà chỉ đóng vai trò làm thuyết khách cho chính phủ Trung Quốc, sẽ phản tác dụng với những chính khách như ngài Mahathir Mohamad.

Trỗi dậy hòa bình, phát triển phồn vinh phải bằng nội lực chứ không phải bằng cách "hút máu" các nền kinh tế mục tiêu của Vành đai và Con đường;

Xin lưu ý "hút máu" là từ truyền thông Trung Quốc đang dùng để nói chính sách của Tổng thống Donald Trump hiệu chỉnh hành vi lệch chuẩn của Trung Quốc.

Trỗi dậy hòa bình và hợp tác cùng thắng đòi hỏi sự minh bạch và trách nhiệm giải trình, chứ không thể tồn tại trên những tuyên bố sáo rỗng, những lời hứa chót lưỡi đầu môi.

Phản ứng rất thẳng thắn, trí tuệ, hợp lý hợp tình của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad là bài học cho các quốc gia mục tiêu Vành đai và Con đường mà Trung Quốc đang nhắm tới.

Không nhất thiết phải đóng cửa với sáng kiến này, nhưng hãy đặt nó lên bàn với đầy đủ đỏi hỏi về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, hiệu quả và hai bên cùng thắng.

Nếu Trung Quốc không đáp ứng được điều này, thì đơn giản các dự án và nguồn vốn của Trung Quốc không được hoan nghênh, vì nó làm kiệt quệ kinh tế và ngân sách quốc gia;

Không những thế, nó đồng thời còn kéo theo hàng tá hệ lụy về an ninh, xã hội khi hàng ngàn, chục ngàn công nhân Trung Quốc kéo vào lãnh thổ sinh sống theo các dự án.

Nguồn:

[1]https://www.ft.com/content/056ae1ec-7634-11e8-b326-75a27d27ea5f

[2]http://www.scmp.com/week-asia/politics/article/2151394/mahathir-mohamad-qa-malaysian-pm-beijing-jack-ma-and-why

Hồng Thủy