Kiến nghị đưa sữa ra khỏi danh mục bình ổn giá

25/05/2012 17:00
Hà Nhi
(GDVN) - Ngày 22/5 vừa qua, Hiệp hội sữa Việt Nam đã có công văn kiến nghị với Quốc hội, đề nghị đưa sữa ra khỏi danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.
Vừa qua, dự thảo Luật Giá quy định “sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi là một mặt hàng thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá (Điểm g Khoản 2 Điều 15), dựa trên cơ sở sữa được coi là hàng hóa thiết yếu tức là “tối cần thiết cho đời sống” và thuộc tiêu chú “đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người” (Khoản 3 Điều 4 và Khoản 1 Điều 15). Tuy nhiên, theo quan điểm của Hiệp hội sữa Việt Nam: trên thực tế, sữa không phải là một mặt hàng tối cần thiết, hay nói cách khác là nếu thiếu sữa, sức khỏe sẽ không bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trừ trường hợp sữa cho trẻ em 0 – 6 tháng tuổi có bệnh lý. Nhất quán theo quan điểm này, ngày 22/5 vừa qua, Hiệp hội sữa Việt Nam đã chính thức có công văn gửi tới Quốc hội đề nghị đưa sữa ra khỏi danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.
Công văn của Hiệp hội sữa Việt Nam kiến nghị tới Quốc hội đề nghị đưa sữa ra khỏi danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.
Công văn của Hiệp hội sữa Việt Nam kiến nghị tới Quốc hội đề nghị đưa sữa ra khỏi danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.
Trong công văn, Hiệp hội sữa Việt Nam giải thích: Theo hướng dẫn của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng như của Chính phủ trong Nghị định 21/2006/NĐ-CP, sữa công thức chỉ là “thực phẩm bổ sung” cho sữa mẹ. Sữa mẹ là thức ăn thiết yếu cho trẻ nhỏ từ 0 – 6 tháng tuổi và vẫn là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ từ sau 6 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi. Đối với một số trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, sữa công thức chỉ được coi là thức ăn của trẻ. “Đối với trẻ nhỏ trên 6 tháng tuổi, sữa chỉ là một thực phẩm bổ sung để tăng cường dưỡng chất đưa vào cơ thể, bên cạnh các loại thức ăn khác” – Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám Đốc Vinamilk cho biết. Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam không khuyến khích sử dụng sữa công thức, điều này thể hiện ở việc Nghị định 21/2006/NĐ-CP hạn chế quảng cáo sữa công thức cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi. Thêm vào đó, Quyết định số 1380/QĐ-BCT của Bộ Công thương cũng đưa sữa vào danh mục hàng không khuyến khích nhập khẩu. Một lý do nữa cũng được đưa ra chứng minh cho việc sữa không phải là mặt hàng thiết yếu đó là: Tại Việt Nam, nhu cầu về sữa tuy đã tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây nhưng nhìn chung sữa chưa phải là thực phẩm phổ biến trong chế độ dinh dưỡng của người Việt.
Theo Hiệp hội sữa Việt Nam, sữa không phải là mặt hàng thiết yếu đối với người tiêu dùng.
Theo Hiệp hội sữa Việt Nam, sữa không phải là mặt hàng thiết yếu đối với người tiêu dùng.
Tuy mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người tại Việt Nam đã tăng gấp 41 lần trong vòng 20 năm (1990 – 2010) nhưng lượng sữa tiêu thụ vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng 15 kg/người/năm vào năm 2010 so với số liệu trung bình thế giới là 104.7 kg/người/năm (theo báo cáo tình hình Ngành sữa Thế giới 2011).

“Số liệu này chứng tỏ rằng cho đến nay sữa vẫn chưa đóng một vai trò quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của người Việt Nam” – Công văn của Hiệp hội sữa Việt Nam nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Hiệp hội sữa Việt Nam, hiện nay, thị trường sữa cạnh tranh khá hoàn hảo với sự hiện diện của 72 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh và 230 nhà nhập khẩu. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn các loại sữa đa dạng, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả từ giá thấp tới giá cao. Khoảng cách giữa cung – cầu trên thị trường này là không có.
Do đó theo Hiệp hội Sữa, doanh nghiệp không có quyền áp đặt giá cao một cách tùy tiện trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt. Vì vậy, Hiệp hội sữa cho rằng: Nhà nước không nhất thiết phải tốn kém nguồn lực để bình ổn giá mặt hàng này. Thay vào đó, Nhà nước nên dùng công cụ thị trường để điều tiết.
Theo một nguồn tin mà báo Giáo Dục Việt Nam nhận được, một vài ngày tới, Quốc hội sẽ bàn luận và trao đổi về vấn đề này. Báo Giáo Dục Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tới độc giả!


Hà Nhi