Kinh hoàng buôn lậu bằng "chiến mã"

10/01/2012 07:37

Cứ áp Tết là hàng lậu ở biên giới Tây Nam như thuốc lá, rượu, đường cát... ồ ạt chảy vào nội địa. 

“Nài” đi “bão”

Có mặt tại “đường đua” trong khuôn viên khu công nghiệp Đức Hòa 1 vào một ngày cuối năm 2011, chúng tôi bắt gặp rất nhiều “xe đua” là những chiếc xe cà tàng. Tuy nhiên, tốc độ của những xe này có thể lên tới 150km/giờ.

Xe gắn máy “độ” chở hàng lậu ở Đức Hòa (Long An).
Xe gắn máy “độ” chở hàng lậu ở Đức Hòa (Long An).

Thấy chúng tôi chăm chú nhìn cái bình xăng “bông mai” (van chỉnh xăng màu vàng, có cánh như hoa mai – PV) gắn trên chiếc Dream Tàu cũ nát, “chủ nhân” hớt đầu đinh khoe liền: “Đừng thấy xe cũ mà chê nghen anh. Cái bình xăng này là của xe Honda NSR 150cc đó, tụi em gắn vô chiếc xe Tàu, xác xe nhẹ nên chạy kinh hồn lắm, lát nữa em kéo 130 – 140km/giờ cho anh coi”…

Sau một hồi lân la làm quen, anh chàng đầu đinh tên Tuấn cho biết, trong nhóm đi “bão” tối nay có gần một nửa là xe “bè”, chuyên chở hàng lậu và… không có giấy tờ. “Mỗi chiếc xe giá chưa tới 2 triệu đồng, anh “độ” ngon lành thêm chừng ấy tiền thì ra đường đua vẫn có thể cho “su xì po” hít khói” – Tuấn quả quyết.

Theo tiết lộ của Tuấn, anh chàng là “trưởng nhóm” đai thuốc lá lậu gồm gần chục “nài” nhà ở xã Hòa Khánh (Đức Hòa). Ban ngày, Tuấn và các “đồng nghiệp” đưa thuốc vào địa bàn Long An, tầm nửa đêm về sáng, đường vắng thì tiếp tục đưa về các chợ đầu mối ở Sài Gòn.

Tuấn tiết lộ cả nhóm đang chở thuê cho ông K – một trùm thuốc lá lậu ở Đức Hòa. Mỗi “nài” thường chạy không quá 20km trên một tuyến đường, đến một địa điểm đã quy định trước thì chuyển hàng qua xe khác để tránh sự theo dõi của công an. Mỗi chuyến họ được khoảng 50.000 - 70.000 đồng (tùy hàng). Bình quân, mỗi ngày một người chạy được từ 4 đến 5 chuyến. Thời gian hoạt động lý tưởng nhất là tầm khoảng 3 - 5 giờ sáng vì lúc này có ít người qua lại, chạy tốc độ cao và dễ "chuồn".

Muốn có “chiến mã”, phải vô “lò độ”

Chiều hôm sau, chúng tôi ghé một tiệm sửa xe ở Lộc Giang (huyện Đức Huệ) để thay bộ nhông xích đã tơi tả. Hỏi độ xe giá cả ra sao, ông chủ tiệm tuổi chừng 30 báo giá: “Nếu làm xe để chở đồ lậu thì xài phụ tùng Trung Quốc, giá cả rẻ hơn đồ Nhật. Cây dên Tàu giá 3 “xị”, còn đồ Nhật mắc gấp 4 lần. Tương tự, cốt cam Tàu loại 8.5 ly, 1 “xị”, cặp xupắp chế, giá 1 “xị”, piston cũng phải mua loại lớn thêm 1 “xị”, bình xăng bông mai loại dành cho xe 150cc, 1 “xị” rưỡi… Tính luôn công cán, anh bỏ ra chưa tới 1 “chai” thì chiếc xe Tàu cũng thành “thần mã”.

Ông chủ tiệm vừa dứt lời, bỗng tiếng động cơ xe gắn máy gầm rú lên từ phía xa. Hướng từ Lộc Giang, 5 – 6 chiếc xe chất đầy thuốc lá phóng như bay về hướng Hậu Nghĩa, làm hàng chục học sinh và người dân hoảng vía, tấp xe nép sát vào hai bên để nhường đường cho những chiếc xe "điên" đang rồ ga phóng bạt mạng, khói bụi mịt mù.

“Mấy chiếc xe đã độ rồi đó. Lát nữa ra tới đường nhựa chạy 120km/giờ là chuyện nhỏ” – chủ tiệm tỏ vẻ sành sỏi. Hỏi ghe thuyền có “độ” được không, ông chủ tiệm chỉ về phía Tây Ninh: “Bên kia sông Vàm Cỏ là huyện Trảng Bàng, các lò độ ở đó mà ra tay thì tốc độ vỏ lãi chạy như ca nô”.

Theo một chủ xưởng chuyên đóng vỏ lãi gỗ, trước đây dân đi hàng lậu chuộng máy ô tô cũ nhập từ Campuchia với giá khoảng 3 – 4 triệu đồng/máy. Nay thì các máy này vừa nặng nề, lại hao xăng nên các trùm hàng lậu không ngại đầu tư toàn máy công suất lớn như PS20, Honda130, Honda180, giá khoảng chục triệu đồng để đẩy tốc độ vỏ lãi lên 50 - 60km/giờ.

Chạy thêm 3km, chúng tôi tới bến đò Ba Đức ở xã Lộc Giang để qua địa bàn xã Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng). Tại đây, các xưởng đóng ghe cũng đang chạy nước rút “độ” các vỏ lãi đóng bằng gỗ.

Tay thoăn thoắt đóng đinh để cố định lớp nhôm sáng loáng vào thân gỗ của chiếc vỏ lãi trọng tải chừng 1,5 tấn, anh Hùng – một người thợ ở xưởng Tư T cho biết: “Lớp nhôm dày khoảng 3 - 4mm vừa giúp vỏ lướt nhanh hơn, lại bảo vệ lớp gỗ bên trong. Tùy vỏ lớn hay nhỏ, dày hay mỏng mà giá dao động từ 3 – 5 triệu đồng”.

Thấy tôi hỏi giá ốp nhôm cho chiếc ghe chở lúa, anh Hùng cười lớn: “Hồi đó tới giờ, tui chỉ thấy dân buôn lậu mới độ lớp nhôm, ghe anh chở lúa thì cần gì tốc độ mà độ cho tốn tiền?”.

(còn nữa)

Hữu Danh/Dân việt