Năm 2013 được cho là năm đầy khó khăn của các ngân hàng trong khi tăng trưởng tín dụng gặp khó, nợ xấu tồn đọng liên tục tăng do doanh nghiệp thua lỗ. Trong tình hình chung đó các ngân hàng buộc phải tái cơ cấu nhân sự, giảm lương, khái niệm nhân viên ngân hàng “lương khủng” đã không còn. Theo báo cáo tài chính quý III và 9 tháng đầu năm 2013, đa phần các ngân hàng đều có lợi nhuận giảm 10-30% so với năm 2012 như ACB, DongA Bank, Navibank, OceanBank... dẫn đến thu nhập của nhân viên giảm rõ rệt.
Năm 2013 thêm nhiều sếp ngân hàng bị bắt (ảnh minh họa) |
Bên cạnh đó, năm 2013 cũng được xem là năm mang "vận đen" cho nhiều lãnh đạo ngân hàng khi có đến hàng chục sếp ngân hàng phải vào vòng lao lý vì những sai phạm nghiêm trọng. Riêng trong tháng 9/2013, một loạt các sếp lớn của các ngân hàng miền Tây bị bắt, khởi tố với nhiều tội danh khác nhau. Điển hình, Cơ quan điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố Giám đốc Nguyễn Thế Thắng và cấp phó Nguyễn Văn Xem thuộc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh tỉnh Sóc Trăng. Tiếp đó cơ quan điều tra cũng bắt tạm giam ông Đỗ Hùng Sở, Giám đốc Sở giao dịch tỉnh Hậu Giang của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).
Chỉ tính riêng vụ việc liên quan đến nợ nần của Công ty Phương Nam đã có 12 cán bộ ngân hàng bị bắt. Mới đây nhất, gây xôn xao dư luận là việc lãnh đạo chi nhánh một ngân hàng lớn dính nghi án ôm hàng chục tỉ đồng bỏ trốn. Sự việc vẫn đang được các cơ quan chức năng làm rõ nhưng qua đó dễ thấy việc quản lý của hệ thống ngân hàng đang bộc lộ nhiều lỗ hổng. Trước thông tin nhiều sếp ngân hàng bị bắt vì liên quan đến sai phạm trong quản lý, Ths.LS Trương Anh Tuấn - Văn phòng Luật sư Investlinkco phân tích: “Việc phát hiện ra nhiều sai phạm xuất phát từ nguyên nhân kinh tế suy thoái, làm bộc lộ những yếu kém, khuyết điểm của hệ thống kinh tế, bao gồm cả những lỗi hệ thống và những lỗi kỹ thuật và nhân sự trong ngân hàng”. Qua đó LS Tuấn cho rằng, thực trạng những yếu kém của hệ thống ngân hàng trong thời gian qua đã thể hiện rõ, bên cạnh những mặt tích cực, đóng góp cho nền kinh tế thì hệ thống ngân hàng còn phải khắc phục những lỗi hệ thống về quản lý, về vốn, về lỗi kỹ thuật và nhân sự. Theo LS Trương Anh Tuấn, các cơ quan quản lý cũng nhìn nhận rõ lại hệ thống quản lý, cán bộ quản lý của mình để từ đó có mục tiêu và chế tài phù hợp hơn đối với ngân hàng. Quản lý hệ thống ngân hàng theo quy định ổn định, minh bạch và công khai để hệ thống ngân hàng vận hành "mạch máu" của nền kinh tế thông thoáng, hiệu quả. Bên cạnh đó, trước thực tế nhiều vụ việc cán bộ ngân hàng lợi dụng chức cụ quyền hạn, uy tín của ngân hàng để huy động vốn với hình thức lãi suất cao để huy động vốn bên ngoài vào việc cá nhân, đến lúc "vỡ nợ" kéo theo những hệ lụy không nhỏ cho xã hội, LS Tuấn cho rằng: Chính người dân cũng là người phải có trách nhiệm. “Mong muốn làm giàu của người dân là đúng, nhưng cần làm giàu bằng đúng công sức lao động của mình, có thể chậm làm giàu nhưng nếu đặt niềm tin không đúng nơi, không đúng người, chỉ vì uy tín, chức danh của họ mà không căn cứ vào kết quả thực tế công việc họ đang làm thì sẽ dẫn tới hệ quả người dân mất cả gốc lẫn lãi. Trong thực tế có nhiều bài học tương tự đã xảy ra, gây kết quả buồn và đau lòng với người dân”, LS Tuấn thẳng thắn. Nhìn nhận về những sai phạm liên quan đến ngành ngân hàng trong năm 2013, chuyên gia tài chính ngân hàng Bùi Kiến Thành cho rằng, đây không phải là vấn đề trình độ năng lực mà là chuyện khác, không phải là cán bộ, nhân viên ngân hàng không có trình độ mà là việc cố ý làm trái pháp luật, cố ý làm sai. “Sau hàng loạt vụ việc sai phạm ngân hàng được vạch ra đặt ra vấn đề trình độ của một bộ phận cán bộ ngân hàng. Thứ nhất là không biết, thứ hai biết nhưng cố ý vi phạm vì có vấn đề tiêu cực. Người ta có trình độ đấy nhưng người ta cố ý làm sai vì nhận được phong bì. Để xảy ra sai phạm tại các ngân hàng thời gian qua còn do sự quản lý lỏng lẻo của ban lãnh đạo”, chuyên gia Bùi Kiến Thành phân tích.
Hồng Minh - Đoàn Lan