5 doanh nhân Việt gây ấn tượng mạnh mẽ năm 2014

21/02/2015 09:02
Mai Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - Năm Giáp Ngọ 2014, Tập đoàn Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức tiếp tục gây ấn tượng mạnh mẽ...

Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup

Tiếp tục vững vàng ở ngôi đầu trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt nhưng tài sản của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup đã tăng thêm 212 tỷ đồng vào tài khoản chứng khoán trong năm 2014. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm Giáp Ngọ (ngày 13/2), giá trị cổ phiếu VIC mà ông Vượng nắm giữ đạt 21.373 tỷ đồng.

Số tài sản gia tăng “khiêm tốn” là do cổ phiếu VIC của tập đoàn Vingroup chỉ tăng 500 đồng/CP lên 50.500 đồng/CP.

2014 cũng là năm tập đoàn Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng để lại nhiều điểm nhấn đáng nhớ trên thị trường. Đầu tiên phải kể đến việc Vingroup khởi công hàng loạt các dự án đẳng cấp nhất tại Việt Nam như: Khởi công tòa nhà cao nhất Việt Nam - The Landmark81vào giữa 12/2014; Khởi công khu đô thị Vinhomes Tân Cảng diễn ra hồi tháng 7/2014. Cả hai dự án này đều được khởi công xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh. 

Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng và Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức tiếp tục gây ấn tượng mạnh trong năm 2014 vừa qua.
Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng và Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức tiếp tục gây ấn tượng mạnh trong năm 2014 vừa qua.

Điểm nhấn của Vingroup năm qua khiến nhiều người phải nhắc đến khi Vingroup tiếp tục là doanh nghiệp tư nhân nộp thuế lớn nhất Việt Nam. Tại Bảng xếp hạng V1000 - Bảng xếp hạng 1.000 DN nộp thuế Thu nhập DN lớn nhất Việt Nam năm 2014, Tập đoàn Vingroup vinh dự xếp thứ 7 và là DN tư nhân nộp thuế lớn nhất cả nước. Đây là năm đầu tiên Vingroup lọt vào Top 10 DN nộp thuế lớn nhất Việt Nam, sau 5 năm liên tiếp có tên trong Bảng xếp hạng V1000. 

Năm 2013, Tập đoàn Vingroup đạt kết quả kinh doanh vượt trội, cao nhất từ trước tới nay với tổng doanh thu 18.379 tỷ đồng, tăng 132% và lợi nhuận sau thuế đạt 7.149 tỷ đồng, tăng trưởng 378% so với năm 2012. Cùng với sự tăng trưởng này, mức đóng góp cho ngân sách nhà nước cũng tăng mạnh với chi phí thuế thu nhập DN đạt gần 2.600 tỷ đồng, tăng trưởng 308% so với năm 2012. Ngân sách đóng góp lớn, đúng thời hạn và đầy đủ với Nhà nước đã đưa Vingoup lên vị trí DN tư nhân nộp thuế lớn nhất Việt Nam năm 2014, sau các Tập đoàn, Tổng công ty trọng điểm của Nhà nước.

Bên cạnh đó, năm 2014 Vingroup còn được nhắc đến với hàng loạt sự kiện như khai trương quần thể du lịch nghỉ dưỡng lớn nhất, Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Resort Nha Trang lọt Top 10 khách sạn 5 sao hàng đầu Việt Nam; Mua lại và khai trương nhiều siêu thị, cửa hàng nhất; Lọt vào Top 100 công ty hàng đầu ASEAN…

Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai

Đứng ngay sau ông Vượng trên thị trường chứng khoán là ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Trong năm 2014, cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai chỉ tăng 2.400 đồng/CP lên 22.300 đồng/CP. HAG giúp bầu Đức giàu thêm 823 tỷ đồng, nâng tài sản của bầu Đức lên 7.644 tỷ đồng.

Sau cao su và mía, Bầu Đức đang kỳ vọng với lĩnh vực ngô và nuôi bò. Ông Đức đã công bố kế hoạch nuôi 230.000 con bò trong giai đoạn 1 với số vốn lên tới 6.000 tỷ đồng. Thực tế, đây không phải lần đầu tiên những dự án của ông chủ Hoàng Anh Gia Lai vướng phải nghi ngờ của dư luận, nhất là khi ông thực hiện kế hoạch tái cơ cấu tập đoàn theo hướng giảm dần các dự án bất động sản, thủy điện mà xoay sang làm nông nghiệp. Tuy nhiên, đối mặt với dư luận, bầu Đức vẫn luôn giữ niềm tin rất lớn. Năm 2014, hình ảnh ông Đức còn  gắn liền với những thành công của đội bóng đá U19 Việt Nam.

Năm 2014 Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức tiếp tục được bình chọn là 1 trong 10 doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR tốt nhất 2014. Đây là giải thưởng dành cho doanh nghiệp có hoạt động công bố thông tin bắt buộc và thanh khoản của cổ phiếu thông qua chỉ tiêu khối lượng giao dịch khớp lệnh bình quân phiên. Hoàng Anh Gia Lai nằm trong Top 50 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam. Về cá nhân năm 2014 ông Nguyễn Văn S - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai được tôn vinh là một trong 10 nhà lãnh đạo sáng tạo nhất năm 2014. 

Ông Trần Đình Long -Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát

Trong khi đó ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát có sự bứt phá mạnh về cổ phiếu trong năm 2014 khi cổ phiếu HPG tăng 10.600 đồng/CP lên 49.200 đồng/CP. 

Ông Trần Đình Long.
Ông Trần Đình Long.

Nhờ đó mà tài sản của ông Long tăng thêm 1.232 tỷ đồng lên 5.718 tỷ đồng. Bầu Long còn giàu hơn nữa nếu tính cả lượng cổ phiếu do bà Vũ Thị Hiền, vợ bầu Long nắm giữ. 

Cũng được lợi từ giá cổ phiếu Hòa Phát tăng là bà Vũ Thị Hiền - vợ ông Trần Đình Long khi tài sản cá nhân được cộng thêm gần 490 tỷ đồng năm qua. Những cộng sự tại doanh nghiệp của ông chủ ngành thép này như Tổng giám đốc Trần Tuấn Dương, các thành viên Hội đồng quản trị - Nguyễn Mạnh Tuấn, Doãn Gia Cường cũng có thêm tổng cộng hơn 480 tỷ đồng.

Ba quý đầu năm 2014, Hòa Phát đã có kết quả kinh doanh ấn tượng khi lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2.750 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước và vượt mục tiêu cả năm (2.200 tỷ đồng). Theo ông Trần Tuấn Dương, lợi nhuận tăng mạnh chủ yếu do giai đoạn 2 khu liên hợp gang thép tại Hải Dương đã đi vào hoạt động và tập đoàn tiếp tục ghi nhận doanh thu từ dự án chung cư cao cấp Mandarin Garden.

Bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vinamilk

Tuy không phải là những đại gia đứng đầu sàn chứng khoán nhưng năm 2014 là năm thành công của thương hiệu Vinamilk đứng đầu là bà Mai Kiều Liên. Năm 2014 có 63 doanh nghiệp được công nhận là Thương hiệu Quốc gia, Trong đó Vinamilk là một trong số ít doanh nghiệp tiếp tục được vinh dự tôn vin thương hiệu quốc gia. 

Để được danh hiệu trên, ban tổ chức đã chọn lọc từ 1.500 hồ sơ, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) là 1 trong 63 thương hiệu góp mặt tại lễ vinh danh và là đại diện duy nhất của ngành sữa Việt Nam có tên trong danh sách được Chính phủ vinh danh. 

CEO Vinamilk bà Mai Kiều Liên
CEO Vinamilk bà Mai Kiều Liên

Vinamilk là một trong những nhà sản xuất sữa hàng đầu tại Việt Nam, là doanh nghiệp sữa duy nhất của Việt Nam và khu vực đoạt được giải thưởng công nghiệp thực phẩm toàn cầu năm 2014 tại Canada. Trong những năm qua, Vinamilk luôn phát triển nhanh và bền vững với doanh thu năm 2013 là 31.586 tỉ đồng. Ước thực hiện doanh thu năm 2014 là 36.000 tỉ đồng, tăng khoảng 14% so với 2013 và nộp ngân sách nhà nước khoảng 3.500 tỉ đồng. 

Hệ thống phân phối nội địa của Vinamilk gồm 2 kênh chính là bán hàng trực tiếp tại 600 siêu thị và thông qua hơn 230.000 điểm bán lẻ. Các sản phẩm của Vinamilk còn được xuất khẩu tới 31 nước trên thế giới. Trong chiến lược của mình, Vinamilk đang đặt ra mục tiêu sẽ đạt doanh số 3 tỉ USD, đứng vào Top 50 công ty sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017.

Ngoài ra nữ doanh nhân Mai Kiều Liên -  Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) trở thành người phụ nữ Việt Nam duy nhất 3 lần được tạp chí Forbes (tạp chí hàng đầu thế giới của Mỹ chuyên bình chọn các nhân vật nổi tiếng và có thế lực trên thế giới ) vinh danh là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á với lời ca ngợi: “Vị giám đốc điều hành năng động này đã biến Vinamilk trở thành một trong những doanh nghiệp chủ lực của nền kinh tế Việt Nam. Xây dựng Vinamilk không những trở thành một trong những thương hiệu của Việt Nam có lợi nhuận nhất mà còn được kính trọng trên khắp châu Á”.

Bà Mai Kiều Liên từng bày tỏ mong muốn đưa Vinamilk trở thành tập đoàn đa quốc gia và lọt vào top 50 DN sản xuất sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017 với doanh thu 3 tỷ USD/năm.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT 

Năm 2014, một trong những dấu ấn mạnh mẽ của Tập đoàn FPT chính là việc doanh nghiệp này ký thỏa thuận mua Công ty RWE IT Slovakia (Công ty thành viên của Tập đoàn RWE). Theo đó, RWE IT Slovakia sẽ trở thành Công ty 100% vốn của FPT Software tại châu Âu và được đổi tên thành FPT Slovakia. Đây là thương vụ mua bán - sáp nhập đầu tiên tại thị trường nước ngoài của FPT nói riêng và lĩnh vực công nghệ thông tin Việt Nam nói chung. 

Ông Trương Gia Bình.
Ông Trương Gia Bình.

Nói về quyết định hợp tác này, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT cho biết: Thỏa thuận hợp tác với RWE là bước ngoặt, làm thay đổi vị thế của FPT tại thị trường châu Âu và trên sân chơi toàn cầu. Từ bây giờ, FPT đã có đủ những điều kiện cần thiết để cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin tổng thể và dài hạn cho các Cty hàng đầu trong lĩnh vực hạ tầng (điện, gas, nước…) tại khu vực châu Âu cũng như tại các thị trường phát triển khác như Mỹ, Nhật”. Trong một phát biểu gần đây, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT bày tỏ mong muốn Đại học FPT sẽ đào tạo được 100.000 kỹ sư công nghệ thông tin.

Mai Anh (Tổng hợp)