6 dự án BĐS có khả năng bị thu hồi ở Hà Nội

26/03/2014 09:59
Phạm Liễu
(GDVN) - Bắt đầu từ ngày 1/4, tùy theo từng dự án trong khoảng thời gian từ 3 - 6 tháng nếu các chủ đầu tư không khắc phục sai phạm thì dự án có thể bị thu hồi.

Theo kết quả thanh tra mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, từ đầu năm 2013 đến nay, thành phố đã xử lý sai phạm gần 200 dự án bất động sản (BĐS), thu hồi 9 triệu m2 đất.

Những sai phạm nhiều nhất liên quan đến việc chậm triển khai dự án, sử dụng đất sai mục đích, hay chậm nộp tiền sử dụng đất. Danh sách các dự án mới nhất có khả năng nằm trong diện bị thu hồi trong thời gian tới vẫn còn tiếp tục kéo dài.

UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản dướng dẫn xử lý sau thanh tra đối với một số sự án bất động sản đối với vi phạm về quản lý sử dụng và nợ tiền sử dụng đất.

Bắt đầu từ ngày 1/4, tùy theo từng dự án trong khoảng thời gian từ 3 - 6 tháng nếu các chủ đầu tư không khắc phục sai phạm thì dự án có thể bị thu hồi. 

Dự án B5 Cầu Diễn đã bán hết mà chưa triển khai đã bị cơ quan chức năng điều tra.
Dự án B5 Cầu Diễn đã bán hết mà chưa triển khai đã bị cơ quan chức năng điều tra.
6 dự án nằm trong diện này bao gồm: Dự án khu đô thị Mỹ Đình 2, Từ Liêm của Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD, dự án khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy của Tổng công ty CP Diên Hồng, dự án nhà xưởng chế biến và giới thiệu các sản phẩm cốm vòng của HTX Dịch Vọng (lô A1D, cụm thiểu thủ công nghiệp vừa và nhỏ phường Dịch Vọng), dự án nhà máy sản xuất thẻ thông minh của công ty điện tử tin học hóa chất (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy), dự án của Tổng công ty CP thương mại xây dựng (huyện Sóc Sơn), dự án Trung tâm tài chính thương mại và các công trình phụ trợ của Tổng công ty Việt Nam (Mỗ Lao, quận Hà Đông).
Liên quan đến việc thu hồi đất tại các dự án có sai phạm, ông Trần Anh Dũng - Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: "Trong quy hoạch phân khu thì những quy hoạch vẫn chưa được hoàn thiện hết. Có những đơn vị có dự án nhưng phải chờ quy hoạch phân khu. Trong quá trình điều chỉnh dự án thì chúng tôi coi như chưa phải đơn vị này không đưa đất vào sử dụng mà để đó do nguyên nhân khách quan".
Nói về chủ đầu tư có dấu hiệu sai phạm lớn trong thời gian qua, ông Trần Anh Dũng nói: "Tập đoàn Nam Cường là một trong những tập đoàn lớn. Năm 2012, sau khi chúng tôi thanh tra thì đơn vị này cũng đồng ý trả lại 800ha, năm 2013 đơn vị này cũng phải trả lại gần 900ha. Nguyên nhân là do khi quy hoạch lại không nằm trong khu đô thị. Vì thế, đơn vị này cũng nhất trí để chúng tôi đề nghị với UB thành phố thu lại khu đất đó".
Về mức độ khả thi khi thu hồi các sự án ngoài việc có những tài sản trên đất, thậm chí các chủ đầu tư còn đem đất đó đi thế chấp ngân hàng hoặc đem bán cho người mua theo hình thức hợp đồng góp vốn, ông Trần Anh Dũng cho rằng: "Những trường hợp mà chủ đầu tư chưa xây dựng nhà bán cho hộ dân, chúng tôi sẽ đề nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét xem số tiền này hiện giờ ở đâu. 
Đặc biệt, nếu có dấu hiệu lừa đảo, không giải quyết được ảnh hưởng đến người dân chúng tôi sẽ chuyển đến cơ quan điều tra. Với những đơn vị chuyển sang thế chấp tại ngân hàng sẽ có quy định riêng. Trong trường hợp  không đủ điểu kiện thế chấp mà ngân hàng cho thế chấp thì ngân hàng đó phải chịu trách nhiệm. Trong thời gian vừa qua, có một số dự án như dự án B5 Cầu Diễn đã bán hết mà chưa triển khai đã bị cơ quan cảnh sát điều tra"./.

Nguồn VTV

Phạm Liễu