Ai kiểm soát được nguồn thực phẩm bẩn từ chợ?

27/01/2016 15:12
Mai Anh
(GDVN) - Ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đặt vấn đề trước mối lo an toàn thực phẩm dịp tết sau hàng loạt vụ thực phẩm bẩn bị phanh phui.

Hoang mang thực phẩm bẩn

Cục An toàn thực phẩm cho biết, trong đợt cao điểm kiểm tra thực phẩm Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều địa phương đã phát hiện các vi phạm như buôn bán thịt chưa qua kiểm dịch, buôn nội tạng đã hôi thối…

Cụ thể, ngày 14/12/2015 lực lượng chức năng phát hiện 1 tấn chân gà, tim lợn thối tại chợ Minh Khai (Hà Nội). Sau đó 3 ngày, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện 1 tấn da, nội tạng trâu bò ướp muối không rõ nguồn gốc tại Thường Tín.

Hơn một tấn gồm cá thể chó mèo và nội tạng thối được lực lượng liên ngành Thanh Hóa bắt giữ (ảnh nguồn Người Lao Động)
Hơn một tấn gồm cá thể chó mèo và nội tạng thối được lực lượng liên ngành Thanh Hóa bắt giữ (ảnh nguồn Người Lao Động)

Tương tự cuối tháng 12/2015, phát hiện 90 tấn mỡ bò bẩn tại Phú Xuyên. Đến giữa tháng 1/2016, lực lượng chức năng lại phát hiện hàng trăm kg rau, củ, thịt không rõ nguồn gốc bán cho 7 trường mầm non, tiểu học trên địa bàn quận Tây Hồ.

Ngoài Hà Nội, các địa phương như Đắc Lăk, Lào Cai, Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Vũng Tàu liên tục phát hiện nội tạng thối, heo thịt tồn dư chất cấm vượt mức cho phép…

Nếu lượng thực phẩm bẩn kia không được phát hiện kịp thời, ai dám chắc sẽ không lọt vào siêu thị, nhà hàng và đến bàn ăn của người dân.

Ai kiểm soát được nguồn thực phẩm bẩn từ chợ? ảnh 2

Phó thủ tướng chỉ đạo xử lý thực phẩm bẩn từ gốc

(GDVN) - Phó Thủ tướng yêu cầu, trong năm 2016 cần có giải pháp cho vấn đề an toàn thực phẩm một cách căn cơ, tập trung giải quyết từ gốc...

Trong khi đó, trước câu hỏi làm thế nào để phát hiện thực phẩm không đảm bảo an toàn? Mua thực phẩm an toàn ở đâu?... Phía cơ quan quản lý nhà nước vẫn chỉ có có những khuyến cáo chung chung như: Mua hàng rõ cần xem rõ nguồn gốc xuất xứ, mua hàng còn hạn sử dụng, sản phẩm không bị mốc, bốc mùi…

Song cũng dễ nhận thấy, những chỉ dẫn của cơ quan chức năng vẫn chỉ ở mức độ chung chung, chủ yếu đối với thực phẩm được sản xuất đóng gói tại nhà máy.

Với thực phẩm tươi sống như rau, thịt, cá... lấy gì làm cơ sở để người dân tin tưởng sản phẩm an toàn nhất là khi ngay tại những địa chỉ tưởng chừng bán thực phẩm an toàn cũng có sự trà trộn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ?

Trước vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú – Chuyên gia thương mại, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng: Vấn đề chính là đi từ gốc của thực phẩm, kiểm soát từ khâu nuôi trồng, nguyên liệu sản xuất chứ không phải kiểm tra từ “ngọn” là lúc thực phẩm đã bày bán như cách làm hiện nay.

Riêng vấn đề rau sạch, rau an toàn... ông Phú cho rằng trách nhiệm quản lý của ngành nông nghiệp rất lớn.

Thực tế các hợp tác xã được chứng nhận rau an toàn nhưng sau đó việc kiểm tra quy trình chăm sóc, cung cấp rau an toàn không nghiêm dẫn đến việc hợp tác xã làm ẩu, mua rau chợ đầu mối về đóng gói rau an toàn, chuyến đến các điểm bày bán.

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội.

Về nội tạng thối, gà thối được vận chuyển ông Phú cho rằng trách nhiệm thuộc quản lý thị trường, thú y.

“Nội tháng thối, lợn gà thối đó trước khi vận chuyển đi tiêu thụ được sơ chế ở lò mổ nào? Ngoài lò mổ được cấp giấy phép liệu có lò mổ chui hay không, quản lý phải ngay từ lò mổ”, ông Phú nói.

Quản lý thực phẩm không chỉ ở siêu thị

Để lựa chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, có niêm yết ngày sản xuất, ngày đóng gói và hạn sử dụng người tiêu dùng thường chọn mua hàng tại trung tâm thương mại, siêu thị.

Tuy nhiên thực tế qua vụ việc như rau mang thương hiệu Ba Chữ được thu mua tại các chợ đầu mối sau đó đóng gói rau an toàn đưa vào siêu thị Metro, BigC, Lottemart... hay tương tự là vụ việc Hợp tác xã rau Đạo Đức mua rau ngoài chợ về đóng gói đưa vào hệ thống siêu thị như Intimex, Fivimart, Lottemart… niềm tin của người tiêu dùng đã phần nàp lung lay. 

Đặt câu hỏi, mua hàng siêu thị có an toàn? Ông Vũ Vinh Phú khẳng định: “Siêu thị là địa chỉ an toàn lựa chọn thực phẩm”. Về vấn đề rau chợ trà trộn được đưa vào siêu thị, ông Phú cho rằng nguyên tắc thương mại ở đây là trách nhiệm nhà cung ứng.

Bởi theo hợp đồng, đơn vị cung ứng phải cung cấp rau an toàn, còn trong quá trình bảo quản để thực phẩm bẩn, làm hư hỏng thực phẩm thì trách nhiệm thuộc siêu thị.

“Rau không an toàn vào siêu thị tất nhiên trách nhiệm siêu thị có một phần nhưng đầu tiên phải là đơn vị cung ứng bởi họ mua rau không rõ nguồn gốc về đóng gói thì rất khó phát hiện” ông Phú nêu thực tế.

Mặt khác, theo ông Phú hiện siêu thị, trung tâm thương mại tại Hà Nội chỉ cung cấp nhu cầu thực phẩm chiếm 13% nhu cầu của Hà Nội còn lại là thực phẩm ngoài chợ, thực phẩm bán rong…

“Anh kiểm soát siêu thị nhưng còn chợ ai kiểm soát, vấn đề phải kiểm soát an toàn thực phẩm từ gốc, kiểm soát an toàn thực phẩm nơi người dân có thói quen mua nhiều, phục vụ lớn là chợ, là hàng rong, hộ kinh doanh nhỏ lẻ”, ông Phú cho biết thêm.

Mai Anh