Bamboo Airways lỡ hẹn cất cánh, vẫn tuyên bố có sự đồng thuận cao từ bộ ngành

10/10/2018 06:09
Ngọc Hân
(GDVN) - Lý do mà Bamboo Airways không thể cất cánh như công bố vào ngày 10/10 là chưa được cấp phép.

Trước đó, lãnh đạo Bamboo Airways cũng như Tập đoàn FLC từng nhiều lần khẳng định trước báo giới về kế hoạch thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào ngày 10/10/2018 và khởi động kế hoạch bán vé trong tháng 9, với ngày mở bán đầu tiên là 2/9.

Thông tin mới nhất được lãnh đạo Hàng không Tre Việt phát đi cho thấy, hãng này đã không thể thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 10/10 vì chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. 

Bamboo Airways lỡ hẹn cất cánh, vẫn tuyên bố có sự đồng thuận cao từ bộ ngành ảnh 1An ninh quốc phòng là vấn đề vô cùng hệ trọng khi cấp phép cho Bamboo Airways

Thông tin được lãnh đạo hãng Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), ông Đặng Tất Thắng – Tổng Giám đốc trả lời Thông tấn xã Việt Nam cho biết: “Dự kiến, chuyến bay thương mại đầu tiên của Bamboo Airways sẽ được triển khai vào cuối quý 4/2018.

Lịch trình cất cánh có sự điều chỉnh ngắn so với dự kiến ban đầu, tuy nhiên, sự điều chỉnh này không ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh và mạng lưới bay theo định hướng từ trước của Bamboo Airways”.

Cũng theo lãnh đạo hãng Hàng không Tre Việt, Bamboo Airways đang trong giai đoạn hoàn thiện giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không với sự đồng thuận cao của các bộ, ban, ngành có thẩm quyền.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cuối cùng để hãng có thể chính thức tham gia vào thị trường hàng không, sau khi nhận được quyết định của Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào ngày 9/7 vừa qua.

Trả lời trên Thông tấn xã Việt Nam, ông Thắng cũng khẳng định: “Song song với quá trình này, các công tác thuê mua máy bay, nhân sự, thương mại, khai thác bay, khai thác mặt đất... đã được tích cực triển khai sâu rộng. Về cơ bản, mọi công đoạn cuối cùng chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên của hãng dự kiến vào cuối quý 4 năm nay cũng đã hoàn tất”.  

Theo ông Thắng, việc điều chỉnh lịch cất cánh dự kiến đạt được sự đồng thuận của toàn bộ ban lãnh đạo Bamboo Airways với mục tiêu tối ưu chất lượng dịch vụ, tăng cường cá nhân hoá trong công tác chăm sóc khách hàng, mang lại những chuyến bay thoải mái, an toàn, đúng giờ, đáp ứng kỳ vọng của khách hàng một cách cao nhất.

Tối ngày 18/8, Bamboo Airways hứa hẹn thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào ngày 10/10, nhưng buộc hãng này phải lùi vì chưa được cấp phép. Ảnh: VOV.
Tối ngày 18/8, Bamboo Airways hứa hẹn thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào ngày 10/10, nhưng buộc hãng này phải lùi vì chưa được cấp phép. Ảnh: VOV. 

Liên quan đến việc Hàng không Tre Việt chưa thể cất cánh, phía Cục Hàng không xác nhận, Cục vẫn đang chờ Quyết định chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ để Bộ Giao thông Vận tải cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho hãng này.

Tuy nhiên đến nay nội dung này vẫn đang trong quá trình xem xét, chưa có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép Bộ Giao thông Vận tải cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Bamboo Airways.

Cơ quan này nhận định hồ sơ của Bamboo Airways đầy đủ, hợp lệ theo các quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời đánh giá cao định hướng khai thác các đường bay phục vụ phát triển du lịch của Bamboo Airways, bao gồm các đường bay liên vùng kết nối các điểm du lịch của Việt Nam với nhau, với các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như với các quốc gia trong khu vực.

Bamboo Airways lỡ hẹn cất cánh, vẫn tuyên bố có sự đồng thuận cao từ bộ ngành ảnh 3Tuyên bố 5 sao, nhưng Bamboo Airways thuê máy bay đã có tuổi đời trên 11 năm

Liên quan đến câu chuyện Bamboo Airways đang chờ được thẩm định cấp phép bay, Đại biểu Quốc hội - Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng – Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội đã đặt ra một loạt những vấn đề cần lưu ý về an ninh quốc phòng khi cấp phép.

Đây là vấn đề mà Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng cho rằng cần phải hết sức thận trọng, xem xét chặt chẽ và phải lấy ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương… trong đó một số vấn đề quan trọng cần lưu ý gồm: Đánh giá tác động về quốc phòng, an ninh; Tính khả thi về phương án nguồn nhân lực nhất là đội ngũ phi công; Khả năng đáp ứng của cảng hàng không, quản lý bay.

Đây cũng là những nội dung mà Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng đã gửi tới Bộ Giao thông Vận tải.

Trả lời Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam vào ngày 17/9, Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản trả lời về những nội dung mà ông đề cập, nhưng chung chung, không rõ ràng.

Do đó với tư cách là một Đại biểu Quốc hội, ông đã tiếp tục truyền tải những băn khoăn của cử tri tới Thủ tướng Chính phủ.

“Tôi đang chờ trả lời từ Chính phủ. Tôi thấy đây là vấn đề hệ trọng cần phải được xem xét đánh giá từng bước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển nhưng đồng thời cũng phải tránh những hệ lụy sau này, nhất là an ninh hàng không dân dụng”, ông Hồng nói.

Chiếc Airbus A320 (số xuất xưởng 3010) có tuổi đời là 11,7 năm tuổi. Ảnh: Chụp từ màn hình planespotters.
Chiếc Airbus A320 (số xuất xưởng 3010) có tuổi đời là 11,7 năm tuổi. Ảnh: Chụp từ màn hình planespotters. 
Chiếc Airbus A319 số xuất xưởng (MSN) 2568 có tuổi đời khoảng 13 năm. Ảnh: Chụp từ màn hình planespotters.
Chiếc Airbus A319 số xuất xưởng (MSN) 2568 có tuổi đời khoảng 13 năm. Ảnh: Chụp từ màn hình planespotters. 
Chiếc Airbus A320 (số xuất xưởng 2934) có tuổi đời 11,9 năm tuổi. Ảnh: Chụp từ màn hình planespotters.
Chiếc Airbus A320 (số xuất xưởng 2934) có tuổi đời 11,9 năm tuổi. Ảnh: Chụp từ màn hình planespotters. 

Đáng chú ý, trong tuyên bố của lãnh đạo hãng hàng không này cũng như Tập đoàn FLC là mang đến những cải tiến mới trong ngành dịch vụ hàng không, hướng tới mục tiêu xây dựng một hãng hàng không tiêu chuẩn 5 sao tại Việt Nam.

Tuy nhiên, cách đây chưa lâu, Hãng hàng không Tre Việt đề nghị Cục Hàng không Việt Nam xem xét cấp số đăng ký cho 3 tàu bay (1 chiếc A319 và 2 chiếc A320) có tuổi đời trung bình vào khoảng 12 năm, thuê từ Công ty cho thuê tàu bay WWTAI AirOpco II DAC.

Cụ thể, chiếc Airbus A319 có xuất xưởng (MSN) 2568 có chuyến bay đầu tiên vào khoảng tháng 10/2005. Như vậy, chiếc máy bay này khoảng 13 năm tuổi.

Chiếc Airbus A320 (số xuất xưởng 3010) có chuyến bay đầu tiên vào khoảng tháng 1/2007. Chiếc máy bay này có tuổi đời là 11,7 năm.

Chiếc còn lại Airbus A320 (số xuất xưởng 2934) có chuyến bay đầu tiên vào khoảng tháng 10/2006. Như vậy, chiếc này đã khai thác được 11,9 năm tuổi.

Ngọc Hân