Bán nước sôi, trứng luộc tại viện phụ sản: Lãi tiền triệu/ngày

20/02/2012 13:26
Ngọc Ninh – Thanh Mai
(GDVN) - Trung bình mỗi ngày bệnh nhân cần 1 đến 2 phích nước sôi. Như vậy, một ngày chỉ tính riêng tiền bán nước, các cửa hàng ở đây đã lãi được cả triệu đồng.

Năm Nhâm thìn được nhiều người coi là năm tốt cho việc sinh nở, đặc biệt là con trai. Vì vậy, số sản phụ vào viện tăng lên đột biến. Theo đó, nhiều dịch vụ "không tên" bỗng nhiên được "ăn theo" đắt khách bất ngờ.

Bán nước sôi, lãi tiền triệu/ngày Nhận thấy nhu cầu cần nước sôi trong bệnh viện rất lớn, nhiều hàng quán đã mở ra dịch vụ này. Trời rét, tiền nước sôi ở các bệnh viện tăng vọt từ 5.000 đồng lên 10.000 đồng/phích. Trung bình mỗi ngày bệnh nhân cần 1 đến 2 phích nước sôi. Như vậy, một ngày chỉ tính riêng tiền bán nước sôi các cửa hàng ở đây đã lãi được cả triệu. Chị Nguyễn Thị Chuyên, người nhà sản phụ tại bệnh viện phụ sản Hà Nội, cho biết: “Mỗi phích nước ở đây bán tận 10 nghìn đồng. Nhưng chả nhẽ lại cứ đi đi về về chỉ để mang 1 phích nước. Thôi thì mua đắt một chút nhưng nó tiện”.
Dịch vụ bán nước sôi trong bệnh viện
Dịch vụ bán nước sôi trong bệnh viện
Các loại thức ăn phục vụ sản phụ cũng đa dạng không kém và được bán ngay trong bệnh viện. Bún, phở có giá từ 25.000 – 40.000 đồng/bát tùy chất lượng; bánh mỳ kẹp trứng 20.000 đồng/chiếc, trứng gà luộc 20.000 đồng/3 quả. Trong đó, món được nhiều khách hàng lựa chọn nhất là cháo sản phụ: cháo vừng thịt nạc, cháo đậu hà lan, cháo móng giò. Mỗi bát giá bán khoảng 40.000 đồng. Tuy giá cao nhưng hầu như mỗi buổi sáng, trưa, tối… những dịch vụ này khá đông người nhà sản phụ tìm đến. Có khi chủ hàng cháo luôn tay mà vẫn không kịp múc. Nếu tìm hiểu trước và mua 1, 2 lần quen, chủ hàng còn mang tận phòng cho sản phụ. Trời rét, dịch vụ cho thuê chăn chiếu đắt hàng Giữa những ngày mưa phùn gió rét như thời gian vừa qua, tại bệnh viện Phụ sản Trung ương, hàng trăm người phải chờ ở khu hành lang bệnh viện để tiện chăm sóc người nhà. Nắm bắt cơ hội này, dịch vụ cho thuê chiếu, bạt để ngủ nở rộ. Chiếu rộng 1,2 m có giá thuê 20.000 đồng, còn chăn bông loại thường bán 150.000 đồng/chiếc trong khi giá bên ngoài chỉ 80.000/chiếc. Bệnh nhân có thể thuê chiếu để ngủ ngay tại bệnh viện hoặc mang về những khu nhà trọ ngủ. Chị Lê Thị Hà - chủ một nhà trọ gần bệnh viện cho biết: “Nhà chị có cho thuê giường chiếu, giá 20.000-50.000 đồng/người. Người này vừa trả là có người khác đến thuê ngay”. Hoa quả cũng là thứ không thể thiếu quanh bệnh viện. Không chỉ bán bên ngoài, những người hàng rong còn mang hoa quả phục vụ tận giường cho bệnh nhân. Chỉ cần đi một vòng quanh các khoa tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bác Hòa (quê Hà Nam) đã bán được gần hết 2 làn hoa quả.
Chỉ đi 1 vòng quanh các phòng bệnh, người phụ nữ này đã bán hết được 2 làn hoa quả.
Chỉ đi 1 vòng quanh các phòng bệnh, người phụ nữ này đã bán hết được 2 làn hoa quả.
Một túi mía giá 10.000 đồng, hồng xiêm 35.000 đồng/kg. “Giá tuy cao nhưng nếu biết mặc cả thì sẽ đỡ tốn kém mà mất công đi lại hơn nhiều so với ra ngoài mua, lại còn “lạ nước, lạ cái”, nhiều người nhà bệnh nhân thừa nhận.Phục vụ đến tận... giường Có một dịch vụ âm thầm nhưng không kém phần “đắt khách” đó là bán trứng gà luộc và sữa nóng tại phòng hồi sức của bệnh viện phụ sản. Theo đó, những phụ nữ, cô gái trẻ đến đây “giải quyết” thai ngoài ý muốn hay làm thủ thuật cần phải nằm hồi sức, ngay khi được các hộ lý đưa ra giường nằm, họ sẽ nhanh chóng được những người phụ nữ mang sữa và trứng đến tận giường với lời hỏi thăm, động viên ân cần: “Ăn, uống cho lại sức”. Đội ngũ này rất “tâm lý”, họ không vội vàng thu tiền ngay nên không ít người “nhầm tưởng” đó là dịch vụ “kèm theo” của bệnh viện sau khi làm thủ thuật. Tuy nhiên, đến khi hồi sức ra về, những người phụ nữ “bán trứng và sữa” mới đến thu dọn hiện trường và nhỏ nhẹ hỏi tiền. Lúc này, dù giá 3 quả trứng luộc lên đến 20.000 đồng hay 1 cốc sữa đặc có đường pha nóng giá 15.000 đồng, nhiều người vẫn phải trả tiền với nụ cười vui vẻ. Cũng có những người đến bệnh viện phụ sản lần đầu, đều tỏ ra lúng túng không biết phải mang theo những thứ gì, căn-tin bệnh viện hay hàng quán xung quanh hẳn nhiên trở thành "cứu cánh”. Tại đây, đa số bán những đồ dùng thiết yếu phục vụ bệnh nhân và người nhà như xô, chậu, sữa, khăn mặt, tất, bàn chải đánh răng, giấy vệ sinh, bỉm.
Năm Nhâm thìn, cùng với trào lưu "săn" rồng con nở rộ, những dịch vụ quanh bệnh viện phụ sản như thế này hứa hẹn có một năm làm ăn bội thu.
Năm Nhâm thìn, cùng với trào lưu "săn" rồng con nở rộ, những dịch vụ quanh bệnh viện phụ sản như thế này hứa hẹn có một năm làm ăn bội thu.
Nắm bắt được tâm lý này, các hàng quán tha hồ “hét giá”. Khá nhiều vị khách ghé vào mua, nhưng đi ra với vẻ mặt nhăn nhó. Một hộp sữa Vinamilk ở đây giá 10.000 đồng, lon bò húc giá 16.000 đồng, nước C2 13.000 đồng trong khi ở ngoài giá chỉ 6.000 – 8.000 đồng. Các mặt hàng khác đa phần đều đắt hơn ở ngoài từ 5.000 – 15.000 đồng. Vừa mua được mấy đồ dùng cho vợ, anh Hoàn (Mễ Trì, Từ Liêm) kêu ca: “Đưa vợ đi đẻ lần đầu, chưa biết mang những gì, cần gấp quá nên tôi phải ra đây mua. Chỉ mấy có mấy thứ cốc, chậu linh tinh mà mất hơn trăm nghìn đồng”. Với số lượng trẻ được dự báo là tăng đột biến trong năm nay, dịch vụ tắm cho trẻ sơ sinh cũng đang trở nên “hot” hơn bao giờ. Các gia đình trẻ thường thuê người tắm, thường là các y tá, hộ lý làm thêm ngoài giờ, đến khi bé rụng rốn. Theo đó, giá thuê về nhà tắm cho bé sơ sinh dao động từ 60.000 – 80.000 đồng tùy vào quãng đường đi.
Dịch vụ “chui”

Một dịch vụ khác cũng “đắt khách” không kém là dịch vụ "cò mồi" nạo phá thai. Qua người trông xe tên D., chúng tôi liên lạc với một người phụ nữ tên S. Phải chờ khá lâu mới có người bắt máy: “Cô đang bận có khách”.

Sau khi hỏi han về tình hình, đề cập đến việc muốn được “giải quyết” nhanh, người phụ nữ thản nhiên nói: “Nếu thai 10 tuần tuổi thì 1,5 triệu. Còn cháu muốn cho cô bao nhiêu thì cho”.

Trong khi giá niêm yết của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nạo hút thai dưới 12 tuần tuổi là 55.000 đồng. Như vậy, sau khi trừ tiền phí và tiền bồi dưỡng bác sĩ, người phụ nữ này bỏ túi trên dưới 1 triệu đồng.
Ngọc Ninh – Thanh Mai