Bàn về đám cưới "khủng": “Tiền làm đám cưới lớn thà để tặng dân nghèo"

15/03/2012 00:41
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - “Thực tế, cái giàu của nhiều đại gia ở Việt Nam là giàu giả, nhìn thì hoành tráng, nhưng đùng một cái bị siết nợ, thế là thành tay trắng”.

Những đám cưới siêu sang do các “đại gia” ở Cần Thơ và Hà Tĩnh tổ chức cho con với chi phí lên tới hàng chục tỉ đồng trong thời gian vừa qua vẫn đang là tâm điểm gây xôn xao dư luận. Khi đọc lại những bài viết về đám cưới này nhiều người không khỏi giật mình và đặt câu hỏi, vì sao ở Việt Nam lại có những người giàu "khủng" đến như vậy.

Để có góc nhìn toàn diện hơn về những đám cưới siêu sang này, Phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã tiếp tục có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Tài – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Housing.

Doanh nhân Nguyễn Thế Tài: Tiền làm đám cưới lớn như vậy mà để cho dân nghèo thì tốt hơn
Doanh nhân Nguyễn Thế Tài: Tiền làm đám cưới lớn như vậy mà để cho dân nghèo thì tốt hơn

PV: Thưa ông, những ngày vừa qua, dư luận đang rất quan tâm tới chuyện hai “đại gia” tại Cần Thơ và Hà Tĩnh tổ chức đám cười linh đình cho con, số tiền được đồn đoán lên tới cả chục tỷ đồng. Đại đa số đều cho rằng, làm như vậy là không phù hợp với văn hóa, hoặc là khuếch trương quá mức… Là một doanh nhân, quan điểm của ông thế nào?

"Tôi nghĩ rằng chỉ cần 1/10 số tiền tổ chức đám cưới ấy sẽ giúp cho rất nhiều gia đình nghèo khó, nhiều cảnh đời bất hạnh…", Doanh nhân Nguyễn Thế Tài nêu quan điểm.

Doanh nhân Nguyễn Thế Tài: Tôi có đọc được những thông tin này trên các báo những ngày vừa qua. Có lẽ, từ trước tới nay, Việt Nam chưa từng có những đám cưới tổ chức lớn đến vậy. Tôi không đề cập ở góc độ văn hóa, mà nhìn ở góc độ của người làm kinh doanh, lăn lộn trên thương trường thì thấy rằng với số tiềng hàng chục tỷ đồng họ bỏ ra để tổ chức một đám cưới như vậy là một sự lãng phí lớn. Nếu là tôi làm đám cưới cho con sẽ không bao giờ có chuyện xa hoa như vậy, số tiền lớn vài tỷ đồng ấy thà để cho dân nghèo còn hơn.

Tôi nghĩ rằng, chỉ cần 1/10 số tiền ấy thôi cũng sẽ giúp ích cho nhiều gia đình nghèo khó, nhiều số phận không may mắn? Vậy thì tại sao lại tiêu tiền một cách quá đà vào những việc không cần thiết, mà không sử dụng số tiền ấy giúp cho cộng đồng, nhất là những miền quê có hai đám cưới này, vẫn còn nhiều người dân khó khăn lắm, có những gia đình quanh năm cày thuê cuốc mướn mà vẫn chẳng đủ ăn. Niềm vui quá lớn của một gia đình này có thể trở thành nỗi buồn vô hạn với một gia đình khác, đó là những gì ta có thể thấy, có thể cảm nhận được.

Vừa rồi, tôi có đi Hà Giang một chuyến. Và chuyến đi ấy đã để lại trong lòng tôi nhiều suy nghĩ ngổn ngang, bởi vì giữa mùa Đông lạnh giá mà rất nhiều đứa trẻ chỉ có độc bộ một quần áo trên người. Thật không tin nổi! Ấy vậy mà điều đó lại là sự thật. Một sự thật phũ phàng. Tôi trở về Hà Nội và vận động anh chị em trong công ty quyên góp đồ dùng, quần áo; kêu gọi anh em bạn bè ở nhiều công ty khác nữa cùng quyên góp. Rồi, chúng tôi đóng gói tất cả, gửi một chuyến xe lên trên ấy cho các cháu nhỏ. Đấy, những cảnh đời khốn khó như vậy ở nước mình còn nhiều lắm, cho nên tôi nghĩ đừng nên phung phí tiền tỷ vào những việc không đáng, để rồi dư luận chê bai, còn những người nghèo khó cần giúp đỡ thì lại chẳng được gì. Vì đồng tiền đã trôi tuột vào những nơi vô nghĩa rồi còn đâu.

PV: Có một sự cố hy hữu mà báo chí đã nhắc đến, đó là trong lúc tổ chức đám cưới hoành tráng cho con thì đại gia ở Cần Thơ lại đang nợ nần cả trăm tỷ đồng, thậm chí trên một số tờ báo còn xuất hiện hình ảnh có đôi vợ chồng căng băng rôn đòi nợ…

Doanh nhân Nguyễn Thế Tài: Một doanh nghiệp kinh doanh tốt là một doanh nghiệp phải đi vay nợ. Khi bạn không vay ai cả cũng có nghĩa là mấy trò kinh doanh của bạn chỉ là buôn lặt vặt. Và nếu doanh nghiệp mà không phải đi vay thì sẽ chẳng bao giờ có sự tồn tại của các ngân hàng. Vấn đề ở đây là sử dụng vốn nợ đó như thế nào? Đặt nó vào đâu để sinh lời, đảm bảo trả được vốn nợ mà công ty vẫn phát triển.

Thực tế, cái giàu của nhiều đại gia ở Việt Nam là giàu giả, nhìn thì hoành tráng, nhưng đùng một cái bị siết nợ, thế là thành tay trắng. Chuyện nợ nần của bà chủ doanh nghiệp ở Cần Thơ này thì tôi không biết thực hư thế nào, nhưng nếu hình ảnh đôi vợ chồng kia đòi tiền là thật, mà lại đúng vào dịp cưới con của bà ấy thì quả đúng là một sự việc không đẹp.

Vì thế, có thể thấy rằng, văn hóa ứng xử trong đời sống của người Việt đòi sự tinh thế, mà cái đó thì chẳng bao giờ là thừa. Sau đám cưới hoành tráng, báo chí đăng rất nhiều tin bài là đại gia này đang nợ hàng trăm tỷ, rồi thì xuất ngoại để lại cả khối nợ khổng lồ. Vậy là câu chuyện đã lao theo chiều hướng xấu, mà nếu không có chuyện đám cưới làm “trướng tai gai mắt” người đời thì đâu nên nỗi. Dư luận sẽ cho rằng, gia đình này khoe khoang một cách quá đà, trong khi thực tế là đang nợ nần đầm đìa. Thật bi hài!

PV: Nhưng thưa ông, người ta cũng có thể lý giải rằng, tiền đó do họ “đổ mồ hôi, nước mắt” kiếm được thì có quyền tiêu vào đâu mà họ thích?

Doanh nhân Nguyễn Thế Tài: Đúng là đồng tiền do họ làm ra thì họ có quyền sử dụng, nhưng nếu vin vào cái quyền ấy mà tiêu bừa phứa, tiêu không đúng lúc, đúng chỗ thì cũng chẳng hay ho gì đâu. Thí dụ nhé, bạn có tiền nhiều, bạn đem đi cá độ, hay chơi lô đề, hay đánh bạc… tất cả những trò chơi ấy thì không ai ủng hộ bạn cả, cho dù đó là tiền của cá nhân bạn. Nhìn sang chuyện tổ chức một đám cưới ngốn hết cả chục tỷ đồng, tất nhiên nó không bị cấm như chơi bạc hay cá độ, nhưng nhìn ở góc độ nào thì cũng không phù hợp với đời sống của dân ta. Cũng có người bảo, làm thế là “ném tiền qua cửa sổ”. Ngẫm kỹ thì thấy người ta nói vậy cũng có lý.

Nếu bạn tìm hiểu về tháp nhu cầu của Masler thì sẽ thấy, người đứng đầu của các doanh nghiệp lớn đã vượt qua những nhu cầu bình thường của cuộc sống. Và tất cả sự cố gắng của họ trong cả một quá trình dài sau đó đều là mong muốn làm được nhiều việc có ích cho cộng đồng. Suy cho cùng, thành quả mà bạn để lại cho cộng đồng, cho xã hội mới chính là điều người ta sẽ nhớ tới bạn, chứ không phải là bạn giàu và thể hiện bằng cách ở trong căn nhà thật lớn, sắm siêu xe, hay tổ chức đám cưới cho thật hoành tráng… vì những hành động như vậy là bạn chỉ đang muốn thể hiện, và làm vì chính bản thân mình, thậm chí nếu so sánh với cuộc sống của vô số những người dân nghèo thì hành động ấy còn có phần ích kỷ.

PV: Giả sử các nữ “đại gia” kia “cãi lý” rằng họ vẫn làm từ thiện, còn chuyện tiêu xài cho bản thân, cho gia đình là chuyện riêng của họ thì sao?

Doanh nhân Nguyễn Thế Tài: Tôi quan niệm thế này, đã là một doanh nhân chân chính thì phải có đóng góp cho xã hội, mà điều đó thì chẳng ai có thể khẳng định rằng đóng góp từng này, từng kia là đủ rồi.

Chúng ta hãy nhìn ra thế giới để thấy, Warren Buffet giàu thứ ba thế giới với khối tài sản vài chục tỷ đô la, nhưng ông ấy vẫn sống rất giản dị trong một căn hộ đã cũ, và hàng ngày tự lái xe đi làm. Điều thú vị là chiếc xe của ông ấy cũng phải trên chục tuổi rồi. Còn Billgates cũng vậy, ông ấy quyên góp, vận động và dùng tiền của chính mình để giúp cho các nước nghèo. Ông ấy đi khắp thế giới để làm những công việc yêu thích, và cuối cùng lại chia sẻ thành quả ấy với người nghèo.

Ở Việt Nam ta, có nhiều doanh nhân vẫn đang âm thầm làm từ thiện, rất nhiều gia đình nghèo khó đã và đang được hưởng sự quan tâm ấy. Nhưng cũng phải nói thật rằng, còn vô khối người tiêu tiền một cách phung phí. Ta có thể thấy, thế giới có siêu xe thì Việt Nam cũng có. Xe hạng sang nhiều tới độ bây giờ nhìn thấy thường thường như một cái xe máy vậy thôi.

Chúng tôi là dân xây dựng, đi nhiều và thấy nhiều, dân mình còn nghèo lắm chứ đã sung sướng gì. Nước mình vẫn còn đang lóp ngóp ở cái lằn ranh “thoát nghèo” đấy thôi. Vậy nên tôi vẫn mong các doanh nhân thành đạt hãy nghĩ tới dân nghèo nhiều hơn, đừng ném đi hàng chục tỷ đồng chỉ để thỏa mãn những trò vô bổ.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Ngọc Quang (Thực hiện)