Báo Tây lật tẩy đường dây bán tai nghe giả hàng hiệu cực lớn của TQ

15/10/2013 10:45
Lâm Giang
(GDVN) -  "Kinh doanh mặt hàng này rất tốt. Anh có thể mua chúng với giá rẻ từ chúng tôi và mang về bán ở nước mình với giá đắt. Tất cả chúng ta đều kiếm được nhiều tiền", một chủ công ty gia đình bán buôn tai nghe nhạc làm giả các thương hiệu nổi tiếng tại Thâm Quyến nói với phóng viên CNN.
Theo CNN, những tai nghe Beats by Dr Dre giả được sản xuất tại các nhà máy ở khắp châu thổ sông Châu, miền nam Trung Quốc, đang được bày bán trên khắp thế giới, thậm chí cả ở Mỹ và châu Âu, với giá của hàng thật.
Trong vai người tìm mối mua buôn số lượng lớn tai nghe Beats, phóng viên CNN đã tiếp cận với các chủ kinh doanh Trung Quốc làm giả mặt hàng này.

Một cửa hàng bán loạt tai nghe giả ở chợ điện tử Thâm Quyến
Một cửa hàng bán loạt tai nghe giả ở chợ điện tử Thâm Quyến

"Kinh doanh mặt hàng này rất tốt. Anh có thể mua chúng với giá rẻ từ chúng tôi và mang về bán ở nước mình với giá đắt. Tất cả chúng ta đều kiếm được nhiều tiền", một chủ công ty gia đình bán buôn tai nghe nhạc làm giả các thương hiệu nổi tiếng tại Thâm Quyến nói với phóng viên CNN.
Để chứng minh tuyên bố của mình là thật, người phụ nữ này đã cho phóng viên CNN xem một danh sách các khách hàng của cô ta đến từ khắp nơi trên thế giới như Ý, Đan Mạch, Mỹ, Canada, Dubai, Nga... được lưu trong máy tính xách tay.
Người phụ nữ này nói rằng, gần đây cô đã bán được một lượng lớn tai nghe Beats by Dr Dre giả cho một doanh nhân người Anh để chuyển tới Anh để bán như hàng thật. Theo người này, lô hàng trị giá 50.000 USD đã được vận chuyển bằng đường hàng không, dù chi phí đắt hơn vận chuyển đường tàu thủy. 
Mỗi chiếc tai nghe Beats được bán lẻ ở thị trường châu Âu với giá 400 USD. Trong khi đó, giá bán hàng nhái tại Thâm Quyến chỉ có 70 USD cho loại chất lượng gần như hàng thật, 45 USD cho loại chất lượng trung bình và kém hơn nữa chỉ có 30 USD.
"Hiện nay, rất nhiều người kiếm được nhiều tiền nhờ tai nghe Beats", cô nói thêm.
Một dãy các gian hàng chuyên bán tai nghe tại chợ điện tử Thâm Quyến.
Một dãy các gian hàng chuyên bán tai nghe tại chợ điện tử Thâm Quyến.

Loại tai nghe có giá trung bình được bán chạy nhất, nhưng mặt hàng đắt tiền cũng đang được nhiều người hỏi mua hơn với lý do "người dùng cũng muốn sở hữu những món hàng chất lượng cao".
Người phụ nữ bán hàng này cam kết có thể cung cấp 100 đôi tai nghe Beats by Dc Dre vào ngày hôm sau và 1.000 đôi trong vòng một tuần với lý do "không muốn để quá nhiều hàng trong kho".
Theo CNN, chợ  Huaqiangbe ở Thâm Quyến là nơi bán đồ điện tử giả có tiếng. Tại đây, mọi người có thể tìm thấy các sản phẩm tai nghe Beats by Dr Dre đến các sản phẩm của Apple, Samsung với đủ kiểu dáng, màu sắc, logo từ giống ít đến giống nhiều hàng thật.
Phía sau các quầy hàng trong và xung quanh khu chợ này, người ta có thể thấy cả cảnh những công nhân trẻ lắp ráp hàng giả và được đóng hộp ngay tại chỗ.
Dẫn lời một phụ nữ chuyên giúp vận chuyển hàng giả từ Thâm Quyến ra nước ngoài, CNN cho biết, hàng giả thường luôn sử dụng các công ty vận tải châu Âu hay Mỹ để vận chuyển thay vì các công ty Trung Quốc. Theo người này, "Hải quan thường tin tưởng các công ty có tiếng tăm hơn". 
Những chiếc tai nghe Beats by Dc Dre hàng thật có giá tới 400 USD.
Những chiếc tai nghe Beats by Dc Dre hàng thật có giá tới 400 USD.

Ngoài ra, để qua mắt Hải quan, hàng giả sẽ được gói trong hai lớp, trong đó lớp bên ngoài được ghi thông tin giả để che giấu hàng hóa. 
Tai nghe Beats ra mắt từ năm 2008, nhưng nó chỉ trở thành trào lưu gần đây khi giới trẻ bắt chước sử dụng chúng như những ngôi sao của họ là Lady Gaga, Justin Bieber và P. Diddy.
Ngoài ra, chất lượng âm thanh tốt hơn cũng là lý do khiến nhiều người trẻ bỏ hàng trăm đô la ra mua chúng. 
Beats Electronics, công ty mẹ của tai nghe Beats by Dr. Dre cho biết, họ sẽ phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chống hàng giả, cảnh sát và hải quan để triệt phá các tổ chức sản xuất, phân phối và buôn bán hàng giả các sản phẩm của hãng trên thị trường. Hãng cho biết, họ đã thu giữ hàng trăm ngàn sản phẩm giả từ hơn 50 quốc gia.
Gần 70% của tất cả các loại hàng giả - bao gồm cả DVD, quần áo và hàng điện tử - bị bắt giữ trên toàn thế giới trong khoảng từ năm 2008-2010 đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, theo Tổ chức Hải quan thế giới.
Lâm Giang