Bất đồng phí dịch vụ, khách hàng Vinaphone "hủy" sim, không đóng tiền

21/02/2012 12:14
Bài, ảnh: Hân Ni
(GDVN) - Chỉ gọi một số cuộc điện thoại nhưng khi thanh toán, lấy hóa đơn báo cước, anh Tặng – khách hàng của VinaPhone tá hóa vì số tiền cao gấp 4 lần thực tế.
Phản hồi đến báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, anh Nguyễn Thượng Tặng (Phạm Đình Hổ - Đà Nẵng) cho biết: Tháng 6/2011, anh đăng ký dịch vụ trả sau của VinaPhone, đầu số 0917.xxx.412. Tuy nhiên, đến ngày thanh toán cước, anh Tặng không khỏi tá hỏa vì tiền cước sử dụng trong tháng cao gấp 4 lần so với trước đây, khi anh vẫn còn đang sử dụng dịch vụ trả trước.

Anh Tặng yêu cầu phía VinaPhone cung cấp bảng báo cước chi tiết để anh nắm rõ thông tin nhưng đến 2 tháng sau, nhân viên Vinaphone mới mang bảng kê tới. Theo đó, trong bảng kê chi tiết dày đặc các thông số chỉ rõ số tiền của dịch vụ GPRS, trong khi theo anh Tặng: “Trong tháng, tôi chỉ phát sinh được một số cuộc gọi tính cước chỉ bằng 1/4 so với hóa đơn”.
Theo anh Tặng, bảng báo cước thuê bao trả sau của anh cao hơn gấp 4 lần so với mức phí điện thoại trên thực tế anh gọi hàng tháng.
Theo anh Tặng, bảng báo cước thuê bao trả sau của anh cao hơn gấp 4 lần so với mức phí điện thoại trên thực tế anh gọi hàng tháng.

Điều khiến anh Tặng bức xúc hơn đó là thái độ cũng như cách giải thích từ phía nhân viên cửa hàng VinaPhone, chi nhánh tại Nguyễn Du – Đà Nẵng. “Khi tôi trực tiếp đến cửa hàng của Vinaphone hỏi, nhân viên giải thích rằng: do điện thoại tôi dùng là loại đời mới, hiện đại nên tự thiết lập các liên kết với các dịch vụ giá trị gia tăng của mạng như GPRS, 3G”, tuy nhiên anh Tặng khẳng định: Điều này vô lý vì nhà sản xuất điện thoại không khuyến cáo về việc này. Hơn nữa, bất kỳ thiết lập nào cũng đều hỏi khách hàng trước, riêng anh Tặng không tự cài đặt thêm bất cứ dịch vụ tiện ích nào.

Chưa có câu trả lời rõ ràng, anh Tặng tiếp tục “cầu cứu” tổng đài VinaPhone nhưng phía tổng đài cũng không đưa ra được cho khách hàng những câu giải đáp thỏa đáng.

Lo lắng phải tiếp tục bị thanh toán cước phí cao "không rõ nguyên nhân", từ tháng 8/2011, anh Tặng đành bỏ sim 0917.xxx.412, mọi mối quan hệ từ trước tới nay bỗng nhiên bị gián đoạn, công việc kinh doanh cũng như các liên lạc mật thiết trong cuộc sống thông qua sim 0917.xxx.412 bị ngắt.

“Từ khi tôi bỏ sim, tháng nào nhân viên VinaPhone cũng mang báo cước đến gửi ở văn phòng cho tôi và yêu cầu tôi đóng tiền”, dù anh Tặng tắt máy, không gọi một cuộc nào nhưng bảng báo cước vẫn hiển thị cước GPRS lên tới vài trăm nghìn đồng.
Chi tiết bảng kê cước phí VinaPhone gửi tới khách hàng dày đặc thông tin cước GPRS trong khi anh Tặng cho biết: Anh không cài đặt dịch vụ này.
Chi tiết bảng kê cước phí VinaPhone gửi tới khách hàng dày đặc thông tin cước GPRS trong khi anh Tặng cho biết: Anh không cài đặt dịch vụ này.

Nhận được phản ánh của khách hàng tên Tặng, PV báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đã liên hệ với đại diện của hãng viễn thông VinaPhone để kiểm tra và giải đáp về vấn đề này.

Trao đổi với PV, VinaPhone gửi lời xin lỗi tới khách hàng vì đã không hài lòng khi sử dụng dịch vụ.

Đối với trường hợp của anh Nguyễn Thượng Tặng – chủ thuê bao 0917.xxx.412, VinaPhone đã kiểm tra lịch sử thuê bao của khách hàng trên hệ thống và nhận thấy ngày 18/3/2011 số thuê bao này chuyển từ trả trước sang trả sau. Từ 2010 đến ngày 18/3/2011: khách hàng sử dụng gói MI_M25 + Mobile TV (Basic 50); Từ tháng 5/2011, khách hàng đăng ký dịch vụ gói M50 + Mobile Tivi (S30).

Các gói đã đăng ký nếu khách hàng không soạn tin hủy dịch vụ khi hết hạn gói, hệ thống sẽ tự động gia hạn. Như vậy, thời điểm trước khi và sau khi chuyển đổi hình thức thuê bao, khách hàng đã đăng ký sử dụng các gói dịch vụ khác nhau với mức tiền khác nhau. Khách hàng có thể chủ động ra các điểm giao dịch VinaPhone và liên hệ tổng đài 9191/18001091 để được giải đáp một cách chi tiết, chu đáo.

Tuy nhiên, câu trả lời này cũng chưa làm hài lòng anh Tặng. Phản hồi ngược lại với báo Giáo Dục Việt Nam, anh Tặng cho rằng: “Nếu việc đăng ký sử dụng các gói cước như đã nêu tự động gia hạn mà không hỏi trước khách hàng thì không đúng”.

“Dù sao, tôi cũng đã phải hủy bỏ sim đó và đã lâu không dùng nữa vì sợ sữ bị thu cước vô lý. Sau khi báo điện tử Giáo Dục Việt Nam can thiệp, tôi không thấy nhân viên phía VinaPhone đến đòi tiền nữa nên quyết định bỏ qua. Chỉ mong các khách hàng khác hãy lưu tâm hơn khi sử dụng dịch vụ, tránh những rắc rối phiền phức như tôi đã gặp phải” – anh Tặng nhắn nhủ. Theo đó, với số tiền cước bị "đội" lên gấp 4 lần, anh Tặng nhất định không thanh toán vì cho rằng "không hợp lý".

Trước đó, báo Giáo Dục Việt Nam cũng đã ghi nhận một trường hợp tương tự của chị Phan Băng Phương (cư ngụ tại Nguyễn Thị Định, Hà Nội): không cài đặt dịch vụ 3G của VinaPhone nhưng sau 1 tuần đi công tác về, chị Phương bất ngờ nhận được thông báo cước truy cập GPRS lên tới 20 triệu đồng.

Chị Phương cho rằng: Mình không đăng ký dịch vụ nên nhất quyết không trả số tiền gần 20 triệu đồng đó. “Nếu cần thì tôi sẵn sàng kiện ra tòa” – chị Phương quả quyết.
Bài, ảnh: Hân Ni