Bát Tràng, Vạn Phúc cần "phản ứng nhanh" như làng Vòng

07/11/2011 06:43
Phương Hạ
(GDVN) - Trước nguy cơ “tinh hoa quà Việt” bị tẩy chay, làng Vòng đã có động thái tích cực nhằm cứu thương hiệu của một nghề truyền thống...
Kết quả kiểm nghiệm mới đây của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã có câu trả lời chính xác cho những nghi vấn dấy lên bấy lâu nay về chất lượng của cốm làng Vòng.

Sự thật về một số mẫu cốm làng Vòng đã chứa hóa chất độc hại có thể gây ung thư và bị cấm sử dụng trong thực phẩm khiến nhiều người thở dài, tiếc cho một thương hiệu truyền thống. Nhưng không ít ít người cũng thở phào, bởi lẽ “may mà biết sớm” để rồi nỗ lực tìm ra lối đi cứu cốm làng Vòng trước khi quá muộn.

Việc cốm nhuộm phẩm màu tình cờ được phát hiện trong một lần phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam dẫn người thân từ miền Nam ra thủ đô, về làng Vòng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) để mua cốm, thứ quà đặc trưng của thu Hà Nội, làm quà tặng.

Trong chuyến đi đó, phóng viên không khỏi “đỏ mặt” với người thân về công nghệ làm cốm thời hiện đại: Món ăn thanh cảnh, mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam ấy không sạch như mọi người vẫn nghĩ khi người những người làm cốm công khai công đoạn tạo màu cho sản phẩm truyền thống này bằng “chất lạ” một cách không giấu giếm.
Nhiều bạn đọc tỏ ra ngạc nhiên, thậm chí bày tỏ sự phẫn nộ, đau đớn khi cốm làng Vòng bị nhuộm màu một cách công khai.
Nhiều bạn đọc tỏ ra ngạc nhiên, thậm chí bày tỏ sự phẫn nộ, đau đớn khi cốm làng Vòng bị nhuộm màu một cách công khai.
Tại nhiều xưởng sản xuất quy mô, công đoạn nhuộm cốm được thực hiện bằng máy phun sơn để cốm được đều màu. Còn ở những cơ sở nhỏ hơn, người làm dùng…. chổi để vẩy nước phẩm màu lên cốm.

Ngay sau đó, những bức ảnh đầu tiên về công đoạn “biến hóa” màu cốm được đăng tải trên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đã khiến nhiều bạn đọc phẫn nộ, đau đớn. Nhiều cơ quan truyền thông cũng bắt đầu vào cuộc lên án hiện tượng này, bởi cũng lần đầu tiên, họ được tận mắt chứng kiến một mảnh hồn Hà Nội đang bị thương mại hóa không thương tiếc...

Phản hồi đến báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bạn đọc Hoangtu@xx từng tức giận: “Thật vô lương tâm, chỉ vì lợi nhuận người ta có thể bất chấp thủ đoạn. Cách làm này có thể giết chết một làng nghề!”.

Trước lo lắng, hoài nghi của người dân về vấn đề VSATTP đối với món ăn được xem là tinh hoa quà Việt của đất Hà Thành, Đoàn thanh tra liên ngành TP.Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở làm cốm tại làng Vòng, Dịch Vọng Hâu, Cầu Giấy, Hà Nội.

Các hộ làm cốm đều chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ nên việc tìm địa chỉ cũng khiến đoàn kiểm tra gặp nhiều khó khăn vì ngay cả cán bộ địa phương cũng "bó tay", không biết nhà nào còn làm cốm. Những hộ mà đoàn kiểm tra đi qua đều lấy lý do "nghỉ chủ nhật", khóa cổng.

Trong khi đó, người dân làng Vòng vẫn khăng khăng: Nếu những hộ sản xuất cốm có dùng phẩm màu thì những phẩm màu đó đều an toàn, được Bộ Y tế cho phép sử dụng. Lý giải cho nhận định này là bởi: Người dân làng Vòng hàng trăm năm nay vẫn ăn cốm mà không ai bị ngộ độc cả (!). Thậm chí lúc ấy, người dân nơi đây đã tỏ ra tức giận cho rằng, những thông tin đăng tải trên báo có thể "giết chết" một làng nghề, những người còn tâm huyết với nghề...
Đoàn kiểm tra làm test nhanh một số mẫu cốm lấy ngẫu nhiên từ người bán cốm trên phố Xuân Thủy (Cầu Giấy). Kết quả ban đầu là âm tính.
Đoàn kiểm tra làm test nhanh một số mẫu cốm lấy ngẫu nhiên từ người bán cốm trên phố Xuân Thủy (Cầu Giấy). Kết quả ban đầu là âm tính.
Tuy nhiên, kết quả của kiểm nghiệm tại Viện kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm với những mẫu cốm lấy tại làng Vòng 1 tuần sau đó cho thấy: mẫu cốm lấy tại hai cơ sở sản xuất của ông Đỗ Văn Luyến và Nguyễn Văn Sáng (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) có chứa chất nhuộm màu bị cấm: malachite green với hàm lượng 5,9 mg/kg và 1,5 mg/kg.

“Hàm lượng như trên có trong sản phẩm cốm làng Vòng là quá cao. Người sử dụng ăn phải sẽ gây tổn hại khó lường cho cơ thể nếu hấp thụ trong thời gian dài với liều lượng tương đối” – Trao đối với báo Giáo Dục Việt Nam, PGS TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện công nghệ thực phẩm Đại học Bách Khoa, Hà Nội cho biết.

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng khuyến cáo: malachite green là hóa chất có chứa đồng trong thành phần, được sử dụng để nhuộm màu vi khuẩn trong phòng thí nghiệm, xử lý nước diệt nấm trong nuôi trồng thủy sản. Từ năm 2005, chất này đã bị đưa vào danh mục hóa chất, kháng sinh bị cấm trong sản xuất kinh doanh thủy sản, do có nhiều nguy cơ với sức khỏe người sử dụng như có thể gây rối loạn chuyển hóa, gây tổn thương chức năng gan, thận...

Sự thật này một lần nữa khiến nhiều người từng yêu thích hương vị cốm Vòng đau xót. “Thế là người dân làng Vòng vì ham lợi nhuận đã làm mất đi món nghề truyền thống. Hà Nội mất một món quà đã làm nên nét văn hóa riêng của mình. Thương hiệu truyền thống của làng Vòm chẳng lẽ sẽ bị mất đi sau sự thật này”, bạn đọc ký tên Thanh Trà chia sẻ tới tòa soạn giaoduc.net.vn.
Chung tay cứu và giữ một làng nghề, một thương hiệu hay một nét riêng của Hà Nội đó là mong muốn của hầu hết các hộ sản xuất cốm tại làng Vòng.
Chung tay cứu và giữ một làng nghề, một thương hiệu hay một nét riêng của Hà Nội đó là mong muốn của hầu hết các hộ sản xuất cốm tại làng Vòng.
Tuy nhiên sau những thất vọng, lo lắng... người tiêu dùng Việ lại được củng cố niềm tin khi hầu hết các hộ sản xuất cốm tại làng Vòng đã kí vào đơn xác nhận: Nói không với phẩm màu. Đây là điều đáng được ghi nhận, đáng được hoan nghênh bởi trước nguy cơ “tinh hoa quà Việt” bị tẩy chay, người dân cũng như chính quyền làng Vòng đã có động thái tích cực  cứu lấy thương hiệu của mình.

Thiết nghĩ, những động thái tích cực như thế cần có ở những làng nghề truyền thống khác như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc…, những làng nghề đang có nguy cơ mai một khi bị sản phẩm ngoại xâm lấn, để những nghề truyền thống này vẫn sống mãi, trở thành nét đẹp không thể thiếu trong dòng chảy cuồn cuộn của cuộc sống ngày nay.
Phương Hạ