Bí ẩn Nguyễn Đăng Quang: Đại gia 10 cổ phiếu

05/05/2014 07:35
Theo Vnexpress
Sự kín tiếng, thành công nhanh chóng cũng như những thương vụ M&A khủng của MSN càng khiến giới kinh doanh quan tâm về doanh nhân này.

Chỉ nắm giữ 10 cổ phiếu MSN nhưng ông Nguyễn Đăng Quang được xem là ông chủ thực sự, người trực tiếp lèo lái con thuyền MaSan. Sự kín tiếng, thành công nhanh chóng cũng như những thương vụ M&A khủng của MSN càng khiến giới kinh doanh quan tâm về doanh nhân này.

Một vấn đề được các cổ đông và giới đầu tư quan tâm là Tập đoàn Ma San (MSN) của ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch kiêm TGĐ, sẽ làm gì với cổ tức khủng từ Masan Consumer.

Câu trả lời là, sau khi nhận cổ tức từ Masan Consumer (MSF), MSN sẽ dùng để tái đầu tư vào Masan Consumer với tham vọng củng cố vị thế Ma San đứng đầu ngành hàng tiêu dùng.

2013, MSF đạt lợi nhuận ròng gần 3.100 tỷ đồng, so với vốn điều lệ hơn 5.250 tỷ đồng. Masan Consumer đã đề xuất chi 5.800 tỷ đồng để trả cổ tức 2013 và tạm ứng cổ tức 2014 với tỷ lệ 110% bằng tiền mặt. Với tỷ lệ sở hữu trên 77%, MSN sẽ thu về một khoản tiền rất lớn từ Masan Consumer.

Không chỉ Masan Consumer, MSN của ông Quang còn có rất nhiều “sao sáng” khác.

Vợ chồng ông Nguyễn Đăng Quang.
Vợ chồng ông Nguyễn Đăng Quang.

Một năm sau khi “về với” Ma San, Nước khoáng Vĩnh Hảo đã gây bất ngờ lớn khi có lãi sau thuế 2013 đạt 223 tỷ đồng, tương đương EPS đạt 27.500 đồng, cao gấp 10 lần so với các năm trước đó. Khoản lãi hơn 200 tỷ đồng của Vĩnh Hảo là do khoản đầu tư một vốn bốn lời vào một mở nước khoáng khác. Rõ ràng, việc có được những thương hiệu lớn như Vĩnh Hảo, ‘đế chế’ hàng tiêu dùng của Ma San ngày càng lớn mạnh.

Giữa tháng 4/2014, ông Quang trở thành người đại diện theo ủy quyền của cổ đông Masan tại Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hòa (VCF). Đây cũng là một DN liên kết của Ma San với EPS 2013 đạt gần 10.000 đồng/cp.

Bên cạnh trụ cột Masan Consumer, tập đoàn của ông Quang còn có các ngôi sao khác sẽ đóng góp vào doanh thu và lợi nhuận của Masan Group như: Masan Resources (với Mỏ Núi Pháo), Masan Agri, Proconco, Vinacafé Biên Hòa, Masan Food (chuyên sản xuất nước chấm, mì gói), Bia Phú Yên... và hàng loạt các DN khác đang nằm trong tầm ngắm mua bán sáp nhập (M&A) của ông Quang.

Dù có quyền lực rất lớn tại “đế chế” Ma San nhưng rất khó thống kê tài sản của doanh nhân kín tiếng Nguyễn Đăng Quang. Lý do có lẽ là bởi vì ông đầu tư vào nhiều DN, nắm giữ theo cả kiểu cha-con, liên kết, cho tới mạng lưới đan xen và nắm giữ thông qua những người liên quan như vợ con nhưng ở những DN niêm yết trên sàn thì ông gần như không nằm giữ cổ phiếu nào.

Năm 2013, ông Quang tiếp tục không nằm trong tốp 200 người giàu nhất trên TTCK, thay vào đó vẫn là vợ ông là bà Nguyễn Hoàng Yến (xếp vị trí thứ 6) và mẹ ông là bà Nguyễn Quý Định. Nếu thống kê theo gia đình, gia đình ông Quang đứng thứ 5 trên TTCK với hơn 2.200 tỷ đồng giá trị cổ phiếu niêm yết. Tuy nhiên, đó là chưa tính đến các DN chưa niêm yết và những sở hữu khác.

Thâu tóm cho giấc mơ “nhà vô địch”

Một điểm dễ nhận thấy ở doanh nhân này là khát khao trở thành một thế lực hàng đầu, cũng như khẳng định vị thế ‘nhà vô địch’ ngành hàng tiêu dùng trong tầm nhìn 2020.

Trả lời cổ đông mới đây, ông Quang cho biết, M&A như là động cơ giúp cho sự tăng tốc, thay vì làm 10 năm thì có thể làm trong 3 năm để hướng tới ngôi vị nhà vô địch trong cuộc chơi. Vì thế, khi nói về lợi nhuận từ các “DN sao” của Ma San như Masan Consumer và Núi Pháo, ông Quang cho biết, MSN cố gắng tối đa hóa tái đầu tư đảm bảo cho sự tăng trưởng nên việc trả hay không trả cổ tức thì cổ đông sẽ là người quyết định.

Tham vọng tăng trưởng nhanh qua M&A của MSN có nhiều dấu ấn của ông Quang.
Tham vọng tăng trưởng nhanh qua M&A của MSN có nhiều dấu ấn của ông Quang.


Để thực hiện mong muốn này, ông Quang bày tỏ mong muốn tìm kiếm một lãnh đạo tài năng, trẻ và tâm huyết thay thế ông ở vị trí CEO nhằm hướng đến mốc tăng trưởng 30% năm trong 6 năm liên tục.

Thực tế, dưới bàn tay của ông Quang, Masan Group đã lớn mạnh đến không ngờ, từ mức vốn chủ sở hữu chưa tới 500 tỷ đồng hồi 2008 đã tăng lên đến hơn 14,4 nghìn tỷ đồng vào cuối 2013.

Con đường giúp MSN tăng quy mô một cách chóng mặt chính là M&A dưới tài năng huy động vốn khó tưởng tượng.

MSN cho biết, đã huy động hơn 1,5 tỷ USD vốn dài hạn xuyên suốt chu kỳ từ những đối tác danh tiếng nhất như IFC, KKR, JPMorgan, TPG… Sự thành công của MSN không chỉ nằm ở việc huy động vốn mà chính là cách thức phân bổ vốn. Cụ thể, MSN đã dành 964 triệu USD vào đầu tư kinh doanh, 174 triệu USD cho M&A và khoảng 350 triệu USD cân đối tiền mặt hiện tại.

Gần đây, giới đầu tư xôn xao với thông tin Masan Consumer mua Bia Phú Yên, một công ty chuyên sản xuất bia cho Sabeco. Trước đó, hàng loạt các thương vụ thành công của MSN bao gồm: Vinacafe, Proconco, Vĩnh Hảo. Ngoài ra, thương vụ mua lại Núi Pháo, mà dự báo sẽ cho lợi nhuận ngay trong năm 2014 này.

Đại hội 2014 của MSN cũng đã thông qua 3.000- 3.500 tỷ đầu tư vào tài sản cố định, không bao gồm các thương vụ M&A tiềm năng.

Là một người theo lĩnh vực toán học và vật lý với học vị tiến sĩ, ông Quang (1963) đang là một doanh nhân thành công trên thương trường quốc tế (Đông Âu) và càng thành công hơn khi trở về Việt Nam.

Năm 2014, MSN đạt kế hoạch doanh thu thấp nhất là 1 tỷ USD, đánh dấu một dấu mốc quan trọng mà rất nhiều DN kỳ cựu khác phải mất gấp đôi khoảng thời gian mới có được. MSN đang hiện diện trong từng bữa ăn của người Việt, từ nước chấm, mì ăn liền cho tới nước uống và lấn sang cả nông nghiệp, khoáng sản và tài chính.

Tuy nhiên, nhiều NĐT cũng nghi ngại khi cổ phiếu MSN có thị giá rất cao, 90.000-100.000 đồng/cp trong khi DN này liên tục không chia cổ tức trong nhiều năm liền. Năm 2013, MSN có lợi nhuận chưa phân phối lên tới gần 6.400 tỷ đồng nhưng cũng đã quyết định không chia cổ tức. MSN có lẽ phù hợp với các NĐT tổ chức, các NĐT dài hạn.

MSN dự kiến phát hành 4,5 triệu cổ phần tăng vốn trong năm 2014 để tất toán các nghĩa vụ của công ty với IFC, MRG. 

Theo Vnexpress