Big C, Fivimart bán nấm không rõ nguồn gốc: Ai chịu trách nhiệm?

21/02/2014 14:40
Phạm Liễu
(GDVN) - "Nếu giấy xác nhận do Sở Y tế Lạng Sơn cấp là hợp pháp, thì hành vi của cơ sở Lưu Mai Hương là một hành vi gian dối trong hoạt động thương mại".

Như thông tin đã phản ánh, việc cơ sở sản xuất nấm Lưu Mai Hương chuyên cung cấp nấm cho các hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội đã không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của các loại nấm cao cấp mang thương hiệu của cơ sở này. 

Tuy nhiên, theo giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm do Sở Y tế Lạng Sơn cấp ngày 2/5/2013. Các sản phẩm nấm kim châm, nấm đùi gà... do cơ sở nấm Lưu Mai Hương sản xuất phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Giấy chứng nhận này còn có giá trị trong vòng ba năm, dù trên thực tế, chính cơ sở này xác nhận không sản xuất được những loại nấm cao cấp kể trên.

Phía các siêu thị Fivimart và Big C cũng xác nhận đã từng nhập và bán các loại nấm này. Tuy nhiên, ngay sau biết được thông tin, siêu thị Big C và Fivimart đã ngừng bán những loại nấm này.

Hiện nay, nấm là món ăn yêu thích của rất nhiều người.
Hiện nay, nấm là món ăn yêu thích của rất nhiều người.
Trả lời trên VTV, bà Nguyễn Thị Minh Phương - Giám đốc siêu thị Fivimart Lý Thái Tổ cho hay: "Hiện nay, chúng tôi đang liên hệ với cơ sở nấm Lưu Mai Hương để bàn về các biện pháp xử lý theo đúng quy định hợp đồng. Vì sản phẩm bày bán được đưa vào siêu thị đều có giấy tờ, cũng như bao bì nhãn mác đúng các quy định của pháp luật. Nếu để xảy ra sự cố, chúng tôi cũng sẽ có biện pháp xử lý, xem xét lại ở những hợp đồng tiếp theo với cơ sở cung cấp sản phẩm".

Trước thông tin nấm không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan ngay tại những siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội gây tâm lý bức xúc, mất niềm tin với khách hàng, độc giả Thùy Dương ngỡ ngàng: "Từ trước tới nay tôi không bao giờ dám ra chợ mua rau, đặc biệt là nấm vì nghĩ rất có thể mua phải hàng Trung Quốc. Bởi vậy, tôi chọn siêu thị vì tôi tin rằng nơi đây bán sản phẩm nào cũng có nguồn gốc xuất xứ đàng hoàng. Nhưng giờ thì té ngửa, vì những sản phẩm ấy chẳng khác nào hàng chợ. Siêu thị nhập hàng của cơ sở sản xuất mà không khảo sát, chỉ nhìn giấy tờ mà ký hợp đồng thì quá chủ quan. Đến khi lộ tẩy thì chỉ thu hồi. Cuối cùng, khách hàng chúng tôi chính là người bị thiệt hại lớn nhất".

Trong khi đó, độc giả Trung Hiếu bức xúc: "Big C năm lần bảy lượt bán hàng kém chất lượng cho khách. Một siêu thị lớn như vậy mà làm việc quá chủ quan, thiếu trách nhiệm để xảy ra quá nhiều sự cố thật đáng chán. Tôi nghĩ cơ quan chức năng không chỉ kiểm tra, xử phạt với đơn vị cung cấp sản phẩm mà phải có biện pháp cứng rắn với những siêu thị này. Đặc biệt là Big C, bởi nếu những nơi này không quản lý lỏng lẻo thì làm sao những sản phẩm kém chất lượng kia có cơ hội đến tay người tiêu dùng".

Trao đổi với VTV, luật sư Phạm Thanh Bình - Công ty luật Bảo Ngọc cho rằng: Nếu giấy xác nhận do Sở Y tế Lạng Sơn cấp là hợp pháp, thì hành vi của cơ sở Lưu Mai Hương là một hành vi gian dối trong hoạt động thương mại. 

Luật sư Bình chỉ ra: "Đối với hành vi không sản xuất, nhưng lại có giấy tờ chứng nhận có sản xuất, rồi đưa sản phẩm đó vào lưu thông thì đây là một hành vi gian dối trong hoạt động thương mại, là hành vi lừa dối khách hàng, lừa dối về xuất xứ nguồn gốc sản phẩm.

Theo quy định tại Điều 21, Nghị định 185 năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, đối với hành vi lừa dối này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền từ 20.000 đồng đến tối đa 80 triệu đồng".

Luật sư Phạm Thanh Bình giải thích thêm: "Trong trường hợp người vi phạm tái phạm, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm. Hoặc đã bị kết án về một tội này mà vẫn còn vi phạm, hoặc trong hường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng thì người này còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 163 Bộ luật hình sự về tội lừa dối khách hàng"./.

Phạm Liễu