Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tái cấu trúc DNNN, nhiệm vụ cấp bách năm 2013

23/01/2013 13:21
Ngọc Quang
(GDVN) - Người đứng đầu ngành tài chính rất thẳng thắn nhìn nhận: Vấn đề tài cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) nhà nước là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong quá trình tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế nước ta.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho hay, dự báo năm 2013 nền kinh tế vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp năm 2013


Theo đề xuất của Bộ Tài chính, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu. Nghị quyết 02/NQ-CP bao gồm nhiều nội dung quan trọng nhằm giải quyết hàng tồn kho, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; các giải pháp gỡ khó thị trường bất động sản.

Riêng đối với giải pháp hỗ trợ về thuế, nhằm giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho DN hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm. Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đáng chú ý trong Nghị quyết 02/NQ-CP: Gia hạn 3-6 tháng thời hạn nộp thuế TNDN đối với các doanh nghiệp trong diện được gia hạn. Gia hạn 06 tháng thời hạn nộp thuế Giá trị gia tăng đối với số thuế phải nộp của tháng 1, tháng 2, tháng 3 năm 2013 đối với các DN đang thực hiện nộp thuế Giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ...

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ.


Chính phủ cũng quyết định: Hoàn lại tiền thuế Bảo vệ môi trường đã nộp từ ngày 1/1/2012 đến hết ngày 14/11/2012 đối với túi nylon làm bao bì đóng gói sẵn sản phẩm; Giảm 50% tiền thuê đất năm 2013, năm 2014 đối với các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước cho thuê đất mà số tiền thuê đất phải nộp theo quy định tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ tăng quá 2 lần so với mức nộp năm 2010…

Áp dụng thuế TNDN 20% từ 1/7/2013 (sớm hơn 6 tháng so với lộ trình dự kiến thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN) đối với thu nhập từ đầu tư- kinh doanh nhà ở xã hội.

Bộ trưởng Huệ nhấn mạnh: "Nghị quyết Chính phủ cũng nêu rõ, không ban hành chính sách thực hiện việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ theo đầu phương tiện. Giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi theo hướng: Đối với ô tô đăng ký lần đầu: Mức thu chung là 10%, các địa phương được điều chỉnh tăng không quá 50% mức quy định chung; Đối với ô tô đăng ký lần 2 trở đi: Mức thu chung là 2% và thực hiện thống nhất trên toàn quốc".

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Nhiệm vụ cấp bách năm 2013

Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành tài chính cũng rất thẳng thắn khi đề cập tới vấn đề tài cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) nhà nước là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong quá trình tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế nước ta.

"Đây là yêu cầu tất yếu, phù hợp với tiến trình chuyển đổi từ phát triển kinh tế theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu để DNNN thực sự khẳng định vai trò then chốt của khu vực kinh tế nhà nước, là quá trình tiếp tục của đối mới, sắp xếp DNNN đồng bộ, gắn với chiến lược phát triển KT-XH 2011-2020 và kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015", Bộ trưởng Huệ nói.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, các doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành đúng theo lộ trình.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, các doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành đúng theo lộ trình.

Thông tin từ người đứng đầu ngành tài chính cũng cho hay, tính đến thời điểm 30/11/2012, tình hình triển khai Đề án tái cấu trúc DN của các TĐ, TCT nhà nước  như sau:

- Đối với các DN Trung ương: Có 52 TĐ, TCT nhà nước xây dựng đề án trình bộ chủ quản, Thủ tướng Chính phủ để xem xét, phê duyệt (trong đó có 16 Đề án đã trình Thủ tướng); Có 24/52 Tập đoàn, Tổng công ty được phê duyệt Đề án tái cấu trúc, trong đó: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 02 đơn vị là Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ  Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Bộ chủ quản phê duyệt 22 đơn vị.

- Đối với các DN địa phương: Có 23 đơn vị đã xây dựng đề án trình cơ quan chủ quản, trong đó: có 21 Tổng công ty, Công ty được phê duyệt Đề án tái cấu trúc; Có 2 Tổng Công ty, Công ty chưa được phê duyệt đề án tái cấu trúc.

Trong đó, giải pháp cơ bản, quan trọng là phải đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN với trọng tâm là tái cơ cấu các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012.

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Ngọc Quang