Cà phê Việt rất ngon, người tiêu dùng sao lại phải uống Nestcafe?

18/08/2013 07:50
Hoàng Lực
(GDVN) - Để thương hiệu cà phê Việt có thể vươn "thì người tiêu dùng phải thổi hồn vào đó bằng cách ưu tiên lựa chọn sản phẩm cà phê trong nước. Cà phê nước mình rất ngon, tại sao người tiêu dùng lại uống cà phê ngoại? Nhất là khi những doanh nghiệp cà phê ấy đang dính vào những điều tiếng không tốt cho dân mình?”.
Thông tin doanh nghiệp đồ uống ngoại nức tiếng Nestlé với thương hiệu cà phê hòa tan Nestcafe dính nghi vấn khai lỗ né thuế khi báo lỗ lũy kế lên tới 30,8 triệu USD nhưng vẫn tiến hành đầu tư mở rộng sản xuất và mới đây vừa cho khánh thành nhà máy chế biến cà phê với với giá trị đầu tư lến tới 250 triệu USD vẫn tiếp tục là câu chuyện được bàn tán xôn xao trong giới "tín đồ" cà phê ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Trí Hòa - chủ quán café Giảng
Ông Nguyễn Trí Hòa - chủ quán café Giảng
Có dịp ngồi nhâm nhi ly cà phê tại quán cà phê Giảng, một quán cà phê cổ tọa lạc trên phố Nguyễn Hữu Huân, Hà Thành, không đề cập đến chuyện khai lỗ, hay nghi vấn né thuế của đại gia ngành thực phẩm, đồ uống như Nestlé, chỉ ở góc nhìn chất lượng cà phê, ông Nguyễn Trí Hòa - chủ quán cà phê Giảng ở  cho rằng: Các sản phẩm cà phê hòa tan trên thị trường hiện nay được sản xuất công nghiệp, có pha chế thêm phụ gia chứ không phải hương vị tự nhiên nữa. Là con út trong gia đình 8 người con, ông Hòa được cụ Nguyễn Văn Giảng - người sáng tạo nên thương hiệu cà phê Giảng truyền nghề cho từ bé. Cụ Giảng từng là nhân viên pha chế ở khách sạn Metropole thời Pháp thuộc (1930-1945). Được biết, món cà phê trứng nổi tiếng ở Giảng, được cụ biến thể từ thức uống Capuchino thời làm ở Metropole hồi đó, "đặc sản" của cà phê Giảng là cà phê trứng và hiện nay có thêm cà phê đậu xanh trứng, bia trứng, rum trứng...
Theo ông Hòa, để thương hiệu đồ uống có sức sống lâu bền cần phải có bản sắc, hương vị riêng. Cà phê Giảng có sức sống qua hơn nửa thế kỷ và ghi dấu ấn với người dân Hà Thành là nhờ vào hương vị đặc biệt tự nhiên, từ việc lựa chọn cà phê, rang, xay cà phê đều tự tay ông Hòa làm theo chỉ dậy của cụ Giảng (bố đẻ ông Hòa). “Hương vị cà phê Giảng là cà phê thật chất hương vị tự nhiên ra sao thì khi khách hàng được thưởng thức và sử dụng không pha chế thêm phụ gia, hương liệu như cà phê hòa tan của các hãng. Công thức ấy tuy lời lãi không nhiều nhưng thu nhập từ quán cà phê cũng túc tắc đủ cho sinh hoạt gia đình. Thến nên những hãng cà phê lớn, lại là của nước ngoài, thị trường tiêu thụ nhiều mà kêu lỗ thì tôi thấy lạ” – ông Hòa so sánh. Ông Hòa cũng cho biết, trước đây nhiều hãng cà phê lớn đến đặt vấn đề đưa thương hiệu và cà phê của họ bán tại cà phê Giảng nhưng ông không đồng ý vì muốn giữ thương hiệu riêng cho cà phê Giảng. Ông Hòa thành thật nhìn nhận, với những quán như cà phê Giảng, những khái niệm như chiến lược kinh doanh, bí quyết thành công... không phải là câu chuyện chính. Quan trọng là phải làm thật, cà phê thật hương vị riêng và phải giữ được thương hiệu của riêng mình. Đề cập đến vấn đề thương hiệu cà phê Việt đang lép vế so với cà phê ngoại hiện nay, theo ông Hòa là do trào lưu của người tiêu dùng. Ông Hòa cho biết: “Người uống cà phê thông thường thì nhiều nhưng để biết thưởng thức hương vị cà phê thì không nhiều, dân mình sính ngoại từ đồ dùng, quần áo đến cả thức uống nên mới thế”. Ở khía cạnh khác theo ông Hòa, doanh nghiệp cà phê trong nước khó cạnh tranh vì thương hiệu và chất lượng không được giữ vững. Nói cách khác là bản sắc riêng và lựa chọn phân khúc thị trường phù hợp. Nhiều doanh nghiệp cà phê chạy theo thị yếu thị trường đầu tư sản phẩm mới nhưng khó cạnh tranh với sản phẩm của thương hiệu cà phê lớn khác dẫn đến khó tiêu thụ sản phẩm. Con câu chuyện đạo đức trong những nghi án khai lỗ, né thuế của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, theo ông Hòa đây là câu chuyện ngoài tầm của những thương hiệu, quán cà phê gia đình như cà phê Giảng. Nhưng ông Hòa cho rằng, đã đầu tư kinh doanh, đã là doanh nghiệp lớn phải có trách nhiệm đóng góp cho xã hội đó cũng là cách giữ thương hiệu của mình. 

Ông Nhân (Chợ Đồng Xuân – Hà Nội), khách hàng quen nghiện hương vị cà phê tại quán cà phê Lâm, một thương hiệu cà phê nổi tiếng của Hà Nội xưa cho biết, sở dĩ ông đến cà phê Lâm hàng chục năm qua vì hương vị đặc biệt, vị cà phê của quán Lâm nó sắc và hơi 'khét' so với bình thường, nhưng đủ độ, 'khét' rất ngọt, rất say.  

Ở góc nhìn của người thưởng thức cà phê, trước thông tin báo chí phản ánh việc “ông lớn” ngành đồ uống cà phê hòa tan như Nestlé khai lỗ và câu chuyện thương hiệu cà phê Việt lép vế, ông Nhân cho rằng để thương hiệu cà phê Việt có thể vươn "thì người tiêu dùng phải thổi hồn vào đó bằng cách ưu tiên lựa chọn sản phẩm cà phê trong nước. Cà phê nước mình rất ngon, tại sao người tiêu dùng lại uống cà phê ngoại? Nhất là khi những doanh nghiệp cà phê ấy đang dính vào những điều tiếng không tốt cho dân mình?”.
Đặt vấn đề trách nhiệm người tiêu dùng trước những doanh nghiệp FDI khai lỗ để trốn thuế, TS Nguyễn Mộng Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng TP.Hồ Chí Minh cho rằng, nếu thực sự những thương hiệu lớn như Coca-Cola, Pepsi Co hay Metro Cash & Carry, Adidas có hành vi trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế, người tiêu dùng cũng quay mặt từ rất sớm. Người tiêu dùng có quyền lực “mềm” của mình và họ có quyền phản đối những sản phẩm đi ngược lợi ích cộng đồng.
Hoàng Lực