Cải thiện môi trường kinh doanh và chống tham nhũng

18/05/2017 06:51
Mai Anh
(GDVN) - Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, dịch vụ công trực tuyến cùng việc áp dụng thanh toán điện tử sẽ làm môi trường kinh doanh thông thoáng và chống được tham nhũng.

Tăng cường đối thoại để tránh trên nóng dưới lạnh

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 diễn ra sáng ngày 17/5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) với 10.000 đại biểu tham dự.

Với chủ đề "Đồng hành cùng doanh nghiệp", hội nghị thể hiện quyết tâm xây dựng chính phủ kiến tạo, hành động, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển để thực sự là động lực tiến lên của đất nước. 

Tại hội nghị, với vai trò Chủ tịch hội đồng phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh đầu mối ban hành và theo dõi việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, từ khi Nghị quyết 35 ra đời đem lại những kết quả tích cực, cộng đồng doanh nghiệp đều hy vọng những tiến bộ ấy sẽ tiếp tục và tiến độ hơn, quyết tâm hơn.

Qua từng năm thực hiện nghị quyết mỗi khi đánh giá lại đều có chuyển biến, trước hết chuyển biến về nhận thức đến hành động và mang lại kết quả, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. 

Thành viên Chính phủ điều hành Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 - ảnh: Hoàng Lực.
Thành viên Chính phủ điều hành Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 - ảnh: Hoàng Lực.

Tuy nhiên theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đan, khó khăn của doanh nghiệp vẫn còn, trong đó bao gồm đất đai, tiếp cận vốn và chi phí vốn. Đặc biệt bao trùm lên trên tất cả các lĩnh vực là thủ tục hành chính.

Những khó khăn về thủ tục hành chính không phải Chính phủ thiếu những chỉ đạo, ngay tại tại Nghị quyết 19/2017 đã chỉ rõ 200 nhiệm vụ của bộ, ngành. Mỗi nhiệm vụ đều được Chính phủ giao cho đầu mối các bộ, ngành. Tương tự ở các địa phương thì Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đều giao đầu mối cho các sở, ban, ngành.

Cái thiếu hiện nay theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chính là sự đồng bộ ở cấp trên và cấp dưới. 

“Làm sao để không còn tình trạng ở trên thì nóng cấp dưới cứ từ từ, cá biệt có những nơi còn lạnh như phản ánh của doanh nghiệp.

Qua mấy năm thực hiện nghị quyết tôi đề nghị tất cả các đồng chí ở bộ, ngành địa phương nên lưu ý những kiến nghị đặc biệt của doanh nghiệp”, ông Đam nói.

Cải thiện môi trường kinh doanh và chống tham nhũng ảnh 2

Thủ tướng mong nhận được góp ý thẳng thắn của doanh nghiệp

Để tăng tương tác giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước Phó Thủ tướng đề nghị cần cần tăng cường đối thoại, đối thoại là nói đi – nói lại.

Đối thoại sẽ làm sáng tỏ các vấn đề vướng mắc để xem vướng mắc ở đâu cuối cùng tìm cách giải quyết. 

Nhấn mạnh vai trò các hiệp hội, hội doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng không thể từng doanh nghiệp đưa kiến nghị mà phải thông qua hiệp hôi, hội nơi có đội ngũ pháp chế, am hiểu tư pháp, pháp luật có thể tổng hợp ý kiến để kiến nghị Chính phủ sửa đổi quy định của Luật, văn bản dưới luật… 

“Quan trọng nhất cơ quan nhà nước tất cả phải quyết tâm hơn và cần rất cụ thể, doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không cần chung chung mà cần những cái cụ thể, thiết thực.

Doanh nghiệp không cần bao nhiêu lời phát biểu, bao nhiêu cuộc họp mà cần thiết thực để làm sao chi phí chính thức, chi phí không chính thức của doanh nghiệp giảm”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Điện tử hóa để chống nhũng nhiễu 

Nêu ra giải pháp để giúp môi trường kinh doanh thông thoáng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị phải điện tử hóa, tất cả bộ, ngành phải thực hiện nhiệm vụ cấp bách là thực hiện các dịch vụ công qua trực tuyến vừa minh bạch, vừa tránh tiếp xúc trực tiếp tránh mảnh đất tiêu cực phát sinh tiêu cực tham nhũng.

Cùng với dịch vụ công trực tuyến cần thực hiện thanh toán điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí đi lại, tránh bị nhũng nhiễu, đây là công cụ chống tham nhũng.

“Dịch vụ công trực tuyến cùng việc thanh toán điện tử chắc chắn sẽ làm môi trường kinh doanh thông thoáng hơn”, ông Đam nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 - ảnh: H.Lực
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 - ảnh: H.Lực

Đây không phải lần đầu tiên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh vấn đề thanh toán điện tử. Tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (diễn ra cuối năm 2015) Phó Thủ tướng từng khẳng định: “Ở những quốc gia phát triển, thanh toán điện tử chiếm tới 90% tổng thanh toán, đã giúp GDP tăng khoảng 1%”.

Nêu lên tác động của việc sử dụng tiền mặt trong thanh toán, Phó Thủ tướng lưu ý: “Thói quen thanh toán tiền mặt ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh, nếu thay đổi nó sẽ giúp đất nước phát triển nhanh hơn. Đó còn là thước đo để thấy Việt Nam là quốc gia dân chủ, công bằng, văn minh”.

Theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến nay đã có 90% số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam đăng ký nộp thuế điện tử, tuy nhiên số lượng giao dịch còn chưa như kỳ vọng. 

Một khía cạnh khác, thanh toán điện tử vẫn còn rất thấp. Năm 2014, mua bán trực tuyến đạt doanh số 3 tỷ USD, nhưng thanh toán điện tử chỉ chiếm khoảng 5%. 

Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Đại Trí - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết  hiện ngành thuế đã ký thỏa thuận với 43 ngân hàng, trong đó 27 ngân hàng trong nước và 3 ngân hàng nước ngoài đã chính thức cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử. Đến cuối tháng 11 đã có 92% doanh nghiệp kê khai nộp thuế điện tử nhưng việc nộp thuế thì lại chưa cao.

Ở góc độ doanh nghiệp ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết áp dụng thu thuế trực tuyến đồng bộ sẽ góp phần vào công cuộc cải cách thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt là Việt Nam đang tham gia hai cuộc cách mạng mang tính thời đại là FTA và công nghệ thông tin. Để hội nhập sâu rộng vào thế giới, Việt Nam cần phải đẩy mạnh việc thanh toán điện tử.

"Thanh toán tiền mặt là trở ngại cho việc tham nhũng, không minh bạch. Sử dụng tiền mặt là văn hoá của người Việt từ lâu, khi vào cuộc chơi hội nhập với hàng loạt các cường quốc công nghệ thông tin, chúng ta phải đảo ngược tình thế phải thanh toán điện tử”, ông Lộc cho biết.

“Khi chúng ta tham gia quan hệ giao dịch với các đối tác nếu sử dụng nhiều tiền,  mặt, thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt, riêng việc đó đã không có niềm tin với các đối tác”, ông Lộc nhấn mạnh.

Ông Lộc cho rằng, nộp thuế điện tử cũng là động lực khiến doanh nghiệp đổi mới mô hình quản trị theo hướng minh bạch, hiện đại hơn để bắt kịp xu hướng thay đổi của quốc tế và những quy định của cơ quan quản lý Nhà nước. Ngoài ra việc không dùng tiền mặt mới là văn hoá; không dùng tiền mặt cũng là “kinh tế xanh”, vì không phải sản xuất in tiền.

Mai Anh