Cấm bán hàng đa cấp theo mô hình "Kim tự pháp"

01/10/2013 07:13
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết thông tin trên tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Công thương tổ chức cuối ngày 30/9.

Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh, trước đây cả nước có 90 doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh bán hàng đa cấp nhưng nay rút xuống chỉ còn 61 DN, trong số đó có 3 DN đã bị rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn vì những sai phạm nghiêm trọng.

Trước những biến tướng phức tạp của kinh doanh đa cấp, Cục Quản lý cạnh tranh đang trình bộ Công Thương xây dựng sửa đổi Nghị định 110 theo hướng chặt chẽ hơn.

Mô hình kinh doanh đa cấp Kim tự tháp sẽ bị cấm. Ảnh minh họa, nguồn internet.
Mô hình kinh doanh đa cấp Kim tự tháp sẽ bị cấm. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Ông Nguyễn Phương Nam lý giải: "Việc sửa đổi sẽ thay đổi quy định cấp giấy phép bán hàng đa cấp, để kiểm soát chặt chẽ hơn, thay vì trước kia giao cho các địa phương trực tiếp bán hàng đa cấp, Bộ Công thương sẽ trực tiếp cấp giấy phép và coi đây là một mặt hàng kinh doanh có điều kiện".

Cũng theo ông Nam, các DN sau khi được cấp phép tại địa phương đều chuyển hướng đến các thành phố lớn dẫn đến việc quản lý chồng chéo, không hiệu quả. Quy về một mối cấp giấy phép sẽ phần nào ngăn chặn được tình trạng kinh doanh “biến tướng” này.

Ngoài ra, lãnh đạo Cục quản lý cạnh tranh cũng khẳng định: "Nội dung sửa đổi cũng sẽ có quy định cấm các DN kinh doanh theo hình thức Kim tự tháp, bởi theo hình thức thức này thì hàng hóa không được đưa vào kinh doanh và đến tay người tiêu dùng mà doanh thu của các công ty chủ yếu đến từ việc đóng phí gia nhập của người tham gia".

Ông Nam cũng cho biết, để kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động bán hàng đa cấp, mức ký quỹ của DN kinh doanh ở lĩnh vực này sẽ được nâng từ mức 1 tỷ đồng lên 5 tỷ đồng và ký quỹ bằng tiền mặt để mang tính an toàn cao hơn.

“Cần thiết phải có một mức kinh phí đủ để các DN trang trải các khoản kinh doanh. Mức ký quỹ 1 tỷ đồng như trước kia thông qua bảo lãnh ngân hàng khi thế chấp bằng tài sản đã gây khó khăn trong xử lý và người tiêu dùng thường chịu thiệt”, ông Nam nói.

Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tổ chức ngày 29/9, nhận định về những vấn đề phức tạp nảy sinh trong bán hàng đa cấp mà báo chí đã nêu, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, để cấm một hình thức kinh doanh nào hay điều kiện cho hình thức kinh doanh nào thì phải có văn bản pháp luật và hiện nay chúng ta đang làm Nghị định đó. Còn trong lúc chưa có thì Chính phủ xử lý thế nào? Những ai lợi dụng, làm trái pháp luật mà gây tổn hại đến lợi ích chính đáng của người khác thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thái độ của Chính phủ là làm rất nghiêm vấn đề này, không bao che, yêu cầu các cơ quan làm nghiêm.

"Tôi cho rằng có một việc rất quan trọng và nằm trong tay các nhà báo là phải tuyên truyền để làm sao người dân hiểu đúng. Không thể có một món kinh doanh nào mà đem lại lợi nhuận dễ dàng như các lời quảng cáo. Rất nhiều người bị những lời quảng cáo, dụ dỗ như vậy, cả tin và nghĩ rằng mình có thể kiếm tiền, giàu lên từ hình thức kinh doanh như vậy. Chúng ta phải tuyên truyền để nhân dân hiểu. Nhân dân cần phải cảnh giác còn NN sẽ ban hành các khung quy định, văn bản quy phạm pháp luật quy định, nếu phát hiện các hiện tượng lừa đảo, vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của người dân thì pháp luật sẽ nghiêm trị", Bộ trưởng Đam nói.

Ngọc Quang