Chở thuê nước tinh khiết, kiếm hơn 10 triệu đồng/tháng

14/12/2011 16:14
Nếu trừ đi tiền xăng xe + ăn trưa + uống nước, thu nhập của mỗi người chở nước hàng tháng cũng thấp nhất từ 7,8 triệu cho đến cao nhất khoảng 13 triệu...
Bắt đầu xuất hiện và sử dụng trên thị trường khoảng 10 năm nay, nước tinh khiết đang ngày một thị trường ưa chuộng. Nguyên nhân chủ yếu cũng bởi sự tiện dụng của nó. Đi trên đường phố Hà Nội hiện nay, đặc biệt vào mùa hè, có thể thấy tấp nập người chở nước, chủ yếu bình 20 lít đi giao cho các công ty, gia đình.

Kết quả khảo sát cho thấy trên thị trường đang tồn tại rất nhiều thương hiệu nước tinh khiết khác nhau, tuy nhiên được ưa chuộng nhất phải kể đến La Vie, Miru, Waterman, Water Daily, Kim Bôi… Nhóm thương hiệu nước kinh doanh này, theo đánh giá của các bên kinh doanh cũng như đại lý, được sản xuất theo dây chuyền và chất lượng sản phẩm cũng như tiến độ giao hàng đảm bảo.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngoài ra, còn rất nhiều thương hiệu khác nhưng không được phổ biến và ưa chuộng bằng. Hoạt động sản xuất nước cung cấp cho các đại lý bán nước trở nên rất phổ biến bởi nó không quá phức tạp. Giới kinh doanh trong nghề cho biết việc mua hệ thống lọc và đăng ký để sản xuất nước không phải quá khó khăn.

Vậy những ai đang đứng ra làm đại lý kinh doanh, phân phối cho sản phẩm nước tinh khiết?

Hiện nay có 2 loại hình, hoặc người phân phối sẽ mở công ty phân phối hoặc đơn giản đăng ký để làm đại lý cấp 1 cho bên cung cấp nước. Một đại lý hoặc công ty sẽ nhận phân phối nước cho rất nhiều thương hiệu khác nhau, vừa để phục vụ nhu cầu khách hàng cùng vừa để lấy chiết khấu hãng nọ bù hãng kia. Ví như, thương hiệu nước tinh khiết được coi như cao cấp nhất hiện nay dù giá bán ra rất cao nhưng mức chiết khấu thuộc hàng thấp nhất nhưng vì nhu cầu khách hàng có nên các đại lý vẫn phải nhập để giữ chân khách hàng.

Đối tượng đi theo nghề phân phối nước có khá đông người từng làm việc chính tại các công ty trong nghề nước như Kim Bôi hay Vạn Xuân bởi họ rành rẽ về các nguồn cung cấp cũng như cách phân phối, bán hàng và đã nắm trong tay một lượng khách nhất định của công ty họ từng làm trước đó. Ngoài ra, cũng có thể kể đến rất nhiều hộ kinh doanh tạp hóa cũng đang chuyển sang phân phối nước, thuê con em người nhà chở nước. Cũng có nhà vừa phân phối bình gas, vừa thuê thêm cả người phân phối nước tinh khiết kiếm lời.

Khảo sát của nhóm phóng viên cho thấy giá nước tinh khiết tận gốc cũng rất nhiều mức khác nhau, nói chung, “thượng vàng hạ cám” đủ loại. Tất nhiên, không bao giờ có hàng tốt giá rẻ. Giá của một bình nước tinh khiết loại thấp nhất khoảng 7 – 8 nghìn, khi đến tay người tiêu dùng nó được bán khoảng 25 nghìn. Loại cao cấp hơn một chút, khi xuất xưởng ở giá 15 nghìn, đến tay người tiêu dùng sẽ được bán ở giá 35 nghìn. Cao cấp nhất, giá gốc của loại này khoảng 35 nghìn và đến tay người tiêu dùng ở giá 50 nghìn.

Để duy trì một đại lý kinh doanh nước tinh khiết, người chủ không cần đến mặt bằng quá rộng, chi phí lớn và quá nhiều nhân sự. Cụ thể, với một đại lý cấp 1, chỉ cần 5 người để duy trì đại lý bao gồm: 1 chủ đại lý; 1 trực điện thoại kiêm thư ký và quản lý chung và khoảng 3 người chở nước; mặt bằng rộng khoảng từ 50 đến 70 mét.

Một tháng mùa hè, mỗi đại lý trung bình bán được khoảng 7,8 nghìn bình; đại lý nào bán được nhiều nhất ở Hà Nội có thể lên tới khoảng 20 nghìn bình, tuy nhiên con số này rất ít. Đối với tháng mùa đông, lượng nước bán chậm lại, ở mức khoảng 6,7 nghìn bình.

Theo tiết lộ của một số chủ kinh doanh đại lý nước tinh khiết, sau khi trừ tất cả các chi phí, mỗi bình nước họ lãi khoảng 5 nghìn đồng. Như vậy với một đại lý bán được khoảng 8 nghìn bình/tháng, một tháng thu về khoảng 40 triệu đồng tiền lãi.
 
Công đưa nước 4-5 nghìn đồng/bình

Tuy nhiên ấn tượng hơn phải nói đến mức thu nhập thực tế của những người làm công việc chở và giao nước. Mỗi người chở nước được trả công phổ biến khoảng 4 – 5 nghìn cho một bình nước họ giao đến chủ nhà (không kể đến khoảng cách xa hay gần).

Một ngày, thấp nhất mỗi người chở được khoảng từ 70 đến 80 bình. Một số người chở tốt và làm việc hiệu quả hơn mỗi ngày có thể chở được cao nhất 100 đến 120 bình. Nếu trừ đi tối đa khoảng 120 nghìn xăng xe + ăn trưa + uống nước, thu nhập của mỗi người chở nước hàng tháng cũng thấp nhất từ 7,8 triệu cho đến cao nhất khoảng 13 triệu, một mức thu nhập quá ấn tượng.

Đối với các chủ đại lý kinh doanh nước tinh khiết, dù tiền lãi hàng tháng không quá cao nhưng họ cũng phải đối đầu với rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, việc tuyển được người thạo đường và nhanh nhẹn giao nước đúng hạn cho khách hàng không phải dễ. Thứ hai, đối với nhiều khách hàng quen, muốn giữ khách, chủ sẽ không bắt nhân viên yêu cầu khách đặt cược vỏ bình, như vậy nếu khi khách chuyển nhà đi nơi khác, chủ sẽ phải chịu trách nhiệm đền vỏ bình cho hãng.

Thứ ba, vì nhân viên giao tiếp trực tiếp và độc lập với khách hàng, nên sau một thời gian họ quen việc, quen khách và nắm được nguồn cung hàng, dễ xảy ra rủi ro họ cướp khách hàng từ chính chủ để ăn lãi nhiều hơn.

Thứ tư, do nguyên tắc quản lý hiện nay là nhân viên đi giao hàng cả ngày rồi cuối ngày mới nộp lại tiền, rất nhiều trường hợp nhân viên đã quỵt tiền của chủ thuê và chủ thuê không tìm được. Thứ năm, một số nhân viên sau khi đã thực sự nắm được mối khách và mối cung hàng sau vài năm làm việc, sẽ đứng ra lập mô hình cung cấp tương tự với nền tảng khách hàng lấy được từ chủ trước.

Với người nhân viên chở nước, dù thu nhập không hề thấp so với mặt bằng chung của xã hội nhưng công việc yêu cầu rất nhiều sức lực và luôn phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt vì phải di chuyển liên tục ngoài đường; và không ít khi gặp phải khách hàng khó tính, săm soi rất kỹ bình nước và bắt phải quay về đổi dù thực tế không có vấn đề gì xảy ra với chất lượng nước.


Theo Khánh Ly/TTVN