Chủ tịch VFF bị tố nhận hối lộ 100 triệu đồng: Cần khởi tố vụ án để làm rõ

16/06/2015 13:36
Mai Anh
(GDVN) - Theo các luật sư, trước tình tiết phức tạp của vụ việc, cơ quan điều tra cần vào cuộc, tránh thông tin sai lệch ảnh hưởng uy tín danh dự cá nhân và VFF.

Đồng hồ là tài sản hối lộ?

Những ngày qua thông tin ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và ông Trần Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực bị ông Nguyễn Văn Chương - nguyên quyền Giám đốc Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ VFF giai đoạn 2013-2014 gửi đơn tố cáo đã nhận phong bì hối lộ, mỗi người 100 triệu đồng thu hút sự quan tâm của dư luận.

Vụ việc tố cáo ông Lê Hùng Dũng và Trần Quốc Tuấn nhận hối lộ được đưa ra trong lúc người hâm mộ cả nước đang dõi theo kết quả thi đấu của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam tại SeaGame 28.

Từ thông tin tố cáo của ông Chương, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nói riêng và báo chí nói chung, cả ông Dũng và ông Tuấn đều khẳng định thông tin của ông Chương là vu khống, bịa đặt nhằm hạ uy tín của cá nhân và uy tín VFF.

Ông Lê Hùng Dũng (phải) và Trần Quốc Tuấn bị tố cáo nhận hối lộ 100 triệu đồng khiến dư luận sửng sốt - Ảnh: Ngô Nguyễn - Thanh Niên
Ông Lê Hùng Dũng (phải) và Trần Quốc Tuấn bị tố cáo nhận hối lộ 100 triệu đồng khiến dư luận sửng sốt - Ảnh: Ngô Nguyễn - Thanh Niên

Tuy không khẳng định không có chuyện nhận 100 triệu đồng song trả lời báo chí, ông Dũng xác nhận khi ông Chương đến chơi nhà riêng của ông (ngày 28/8/2014) có biếu một chiếc đồng hồ cổ. 

Ông Dũng xác nhận: “Trước khi ra khỏi nhà tôi, anh Chương có gửi lại một hộp quà biếu nói đó là chiếc đồng hồ cổ mua từ nước ngoài về nhưng tôi không nhận vì nhà tôi có đủ đồng hồ rồi. Tuy nhiên, anh Chương không đồng ý mà bỏ gói quà đó ra về. Khi mở ra thì tôi thấy có chiếc đồng hồ gỗ hay bán ở các phố du lịch. Tôi nói với anh Chương nếu anh không mang về thì cứ để đó, khi nào có dịp tôi sẽ gửi trả lại anh”.

Cũng từ xác nhận của ông Dũng về việc ông Chương có biếu chiếc đồng hồ, dư luận đặt ra nghi vấn chiếc đồng hồ cổ được ông Chương (có giá 30 triệu đồng - theo lời ông Chương) có phải là hối lộ?

Liên quan vấn đề này, trao đổi với phóng viên Ths.LS Trương Anh Tuấn – Ủy ban đào tạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng: “Rất khó để nói đây là của hối lộ”.


Chủ tịch VFF bị tố nhận hối lộ 100 triệu đồng: Cần khởi tố vụ án để làm rõ ảnh 2

Bị tố nhận hối lộ, ông Lê Hùng Dũng: "Bịa đặt, hạ uy tín tôi và VFF"

Ths.LS Trương Anh Tuấn phân tích, quà biếu là tài sản vật chất có giá trị nhưng quà biếu được xem là đưa hối lộ khi nó phải đảm bảo: Người đưa hối lộ và người nhận hối lộ thỏa thuận lợi ích với nhau.

Cụ thể, người đưa hối lộ sẽ được người nhận hối lộ mang lại lợi ích như bổ nhiệm, đề bạt… vào vị trí công việc mới mà việc bổ nhiệm, đề bạt đó trái quy định của pháp luật.

Thỏa thuận giữa người đưa hối lộ và nhận hối lộ có thể qua trao đổi lời nói, văn bản… hoặc qua thực tế việc bổ nhiệm đề bạt. 

Như vậy trong vụ việc ông Nguyễn Văn Chương tố cáo ông Dũng nhận 100 triệu kèm đồng hồ cổ 30 triệu đồng và giỏ hoa quả 5 triệu, LS Tuấn  cho rằng, bỏ qua số tiền 100 triệu đồng, nếu xem chiếc đồng hồ cổ là quà biếu nhằm đưa hối lộ là khiên cưỡng bởi bản thân ông Dũng từ chối nhận đồng hồ, kể cả khi chiếc đồng hồ ở nhà ông Dùng thì ông Chương vẫn không được ngồi vào các vị trí công việc mình đề xuất.

Cần khởi tố vụ án đề điều tra

Theo LS Tuấn, tạm thời chưa thể xác định chiếc đồng hồ là tài sản để đưa hối lộ tuy nhiên do vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp vì vậy cơ quan điều tra cần vào cuộc làm rõ nội dung tố cáo.

Trước hết là Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tổng Cục Thể dục thể thao và cơ quan công an cần vào cuộc làm rõ vấn đề liên quan.

Ở chiều ngược lại, nếu nội dung tố cáo của ông Nguyễn Văn Chương không có căn cứ, việc đưa nhận số tiền 100 triệu đồng thiếu bằng chứng rất có thể ông Chương sẽ bị tố cáo ngược về hành vi vu khống.

Đồng quan điểm trên, TS.LS Vũ Thái Hà - Chủ tịch  Công ty Luật TNHH YouMe cho rằng, theo quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) và các văn bản liên quan, tội đưa hối lộ là hành vi của người đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. 

Người đưa hối lộ là người có lợi ích liên quan đến việc làm hay không làm của người có chức vụ, quyền hạn. Lợi ích này có thể là lợi ích trực tiếp của người đưa hối lộ (được phân nhà, được đi học, đề bạt, bổ nhiệm…) hoặc là lợi ích của người thân quen, bạn bè hoặc cũng có thể là lợi ích của một tập thể mà người đưa hối lộ là đại diện.

Việc đưa hối lộ có thể trực tiếp hoặc qua trung gian, dưới hình thức quà biếu, cho, tặng… Của hối lộ có thể là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác. 

Theo viện dẫn trên thì việc ông Chương và ông Trần Duy Long – nguyên Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TP.HCM có đến nhà ông Dũng biếu quà là đúng sự thật.

Tuy nhiên trong khi ông Chương nói trong quà ngoài đồng hồ cổ còn có 100 triệu nhưng khi trả lời báo chí ông Long lại nói không có tiền. Như vậy vấn đề còn lại phải xem đồng hồ cổ kia có phải là tài sản được ông Chương biếu để nhằm đưa hối lộ không. 

Cũng theo LS Hà, trong trường hợp xác định chiếc đồng hồ là tài sản được biết để đưa hối lộ cần cơ quan giám định để định giá tái sản đồng hồ xem giá trị bao nhiều để xác định tính chất, hành vi phạm tội nếu có.

Hành vi đưa hối lộ chỉ cấu thành tội phạm, nếu của đưa hối lộ có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên. Nếu của đưa hối lộ có giá trị dưới 2.000.000 đồng, thì hành vi đưa hối lộ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần.

Có 4 khung hình phạt đối với người phạm tội đưa hối lộ: 1) Phạt tù từ một năm đến sáu năm nếu của hối lộ có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần;

2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị tù từ sáu năm đến mười ba năm: a) có tổ chức; b) dùng thủ đoạn xảo quyệt; c) dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ; d) phạm tội nhiều lần; đ) của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng; e) gây hậu quả nghiêm trọng khác;

3) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm: a) của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng; b) gây hậu quả rất nghiêm trọng khác;

4) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên; b) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác. Ngoài bị phạt tù, người phạm tội còn có thể bị phạt bổ sung bằng tiền từ một đến năm lần giá trị của hối lộ.

Trường hợp người bị ép buộc đưa hối lộ chủ động khai báo trước khi bị phát giác, được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ; Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ -  TS.LS Vũ Thái Hà.                                    

Mai Anh