Chưa thể công bố các doanh nghiệp chuyển giá

30/10/2014 09:45
Mai Anh
(GDVN) - Đại diện Tổng Cục thuế - Vụ trưởng Nguyễn Văn Phụng cho biết, tại thời điểm này chưa thể đưa ra con số doanh nghiệp chuyển giá.

Không "chụp mũ" nghi vấn chuyển giá

Từ câu chuyện Công ty Metro Cash and Carry rời Việt Nam sau khi báo lỗ liên tục hơn chục năm mang theo nghi vấn về hành vi chậm thuế, trốn thuế và chiêu bài giải thể thành lập công ty khác, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh: Trước khi đưa ra kết luận phải đưa ra được định dạng của chuyển giá không nên "chụp mũ". 

“Chúng ta phải đưa ra các bằng chứng để xử lý theo quy định của pháp luật không thể nói chung chung”, ông Hoàng nói.

Theo Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng, câu chuyện chuyển giá là vấn đề của cả thế giới không phải của quốc gia nào. Đồng quan điểm với ông Hoàng, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ Trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp lớn cho rằng chuyển giá là vấn đề toàn cầu mà khi hội nhập Việt Nam phải đối mặt.

Chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Chống chuyển giá giải pháp linh hoạt, phù hợp”.
Chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Chống chuyển giá giải pháp linh hoạt, phù hợp”.

Theo thông báo của Tổng Cục thuế 8 tháng đầu năm 2014, kiểm tra tại 39.000 doanh nghiệp đã phát hiện gần 2.000 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá truy thu hơn 1.000 tỉ đồng, giảm lỗ trên 4.000 tỉ đồng. Về số tiền này, theo ông Nguyễn Văn Phụng đây là kết quả kiểm tra các doanh nghiệp có nghi vấn chuyển giá. Trong số hàng nghìn doanh nghiệp FDI, việc của cơ quan thuế là phải chỉ ra doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá còn doanh nghiệp nào không có dấu hiệu chuyển giá cần phải có tiếng nói công bằng. 

Cũng theo Vụ Trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp lớn - Tổng Cục thuế, doanh nghiệp bị nghi vấn chuyển giá dựa trên dấu hiệu doanh nghiệp kêu lỗ nhưng liên tục đầu tư mở rộng sản xuất. “Thông thường theo lý thuyết khi kinh doanh thua lỗ phải co cụm, thu hẹp quy mô kinh doanh, nhưng đây lỗ lại mở rộng hoạt động sản xuất, đây rõ ràng là hiện tượng nghi vấn”, Vụ trưởng Nguyễn Văn Phụng cho biết.

Trong khi đó đứng góc độ cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài, theo Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng việc doanh nghiệp thua lỗ nhưng vẫn mở rộng sản xuất là việc rất bình thường. Vì khi lỗ doanh nghiệp phải có phương án thu hút vốn để thay đổi phương thức sản xuất mở rộng kinh doanh bù lỗ. 

Về phía doanh nghiệp FDI, ông Hoàng cho rằng phần lớn doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam đều rất nghiêm túc đóng góp nhiều vào sự phát triển của đất nước vì vậy chúng ta phải nghĩ một cách lành mạnh về đầu tư nước ngoài tuy nhiên cũng có trường hợp cá biệt lợi dụng điều này đề chuyển giá.

TS Nguyễn Minh Phong (ngồi thứ hai từ trái qua phải), ông Nguyễn Văn Phụng Vụ Quản lý doanh nghiệp lớn - Tổng Cục thuế, tiếp đến là ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài.
TS Nguyễn Minh Phong (ngồi thứ hai từ trái qua phải), ông Nguyễn Văn Phụng Vụ Quản lý doanh nghiệp lớn - Tổng Cục thuế, tiếp đến là ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài.

Ở góc nhìn chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong phân tích: Về bản chất không thể nói một doanh nghiệp khai lỗ mà vẫn đầu tư mở rộng sản xuất là chuyển giá. Tuy nhiên một doanh nghiệp đầu tư hơn 20 năm tại Việt Nam nhưng không có lãi trong khi vẫn mở rộng sản xuất cùng với đó là tuyên bố lỗ thêm 20 – 30 năm nữa là không thể chấp nhận được và chúng ta có quyền nghi ngờ.

Cũng theo ông Phong, quá trình chống chuyển giá là quá trình lâu dài, để chống chuyển giá hiệu quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất là nhận thức, phải nhận thức được có vấn đề chuyển giá trốn thuế hay không, đưa ra cơ chế chính sách như thế nào, rồi điều luật đưa ra có đủ để chống chuyển giá. Thứ hai trình độ cán bộ thuế, trách nhiệm của cán bộ thuế. Thứ ba sự phối hợp của các bộ ngành liên quan…

Một nguyên nhân dẫn đến hiện tưởng chuyển giá là do thông tin doanh nghiệp FDI lâu nay không được công bố, hoặc chỉ là câu chuyện giữa doanh nghiệp FDI và ngành thuế. Thực trạng trên nhiều ý kiến cho rằng ngành thuế cần minh bạc thông tin doanh nghiệp FDI. Về vấn đề này, Vụ trưởng Nguyễn Văn Phụng cho biếtLuật doanh nghiệp, Luật quản lý thuế, Luật đầu tư… đều có quy định về minh bạch, công khai thông tin. 

“Vấn đề là công khai mức độ nào, công khai đến đâu, công khai với ai, công khai thời điểm nào… có những thông tin có thể công khai có thông tin cần phải bảo mật…”, ông Phụng lý giải.

Chưa thể công bố số doanh nghiệp chuyển giá

Một vấn đề được dư luận quan tâm lâu nay ngành thuế cho biết đã thanh tra và truy thu hàng nghìn tỉ đồng từ doanh nghiệp có nghi vấn chuyển giá trốn thuế. Tuy nhiên con số doanh nghiệp bao nhiêu và doanh nghiệp nào? Trả lời câu hỏi này đại diện Tổng Cục thuế Vụ trưởng Nguyễn Văn Phụng cho biết, tại thời điểm này chưa thể đưa ra con số doanh nghiệp chuyển giá.

Mặc dù không đưa ra số doanh nghiệp cụ thể nhưng những doanh nghiệp sau sẽ được Tổng Cục thuế đưa vào “tầm ngắm”: Thứ nhất doanh nghiệp có quan hệ với công ty mẹ nằm ở nước ngoài (quan hệ mua nguyên liệu, bán sản phẩm cho công ty mẹ). Thứ hai doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam nhưng trong cơ cấu vốn bao gồm vốn vay và vốn chủ sở hữu.

Thứ ba doanh nghiệp sở hữu giấy phép sản xuất độc quyền của công ty mẹ, trả chi phí bản quyền cho công ty mẹ. Thứ tư là doanh nghiệp giao dịch sản phẩm trí thức phi vật chất. Cuối cùng là doanh nghiệp đến từ "thiên đường thuế” nơi thuế thu nhập doanh nghiệp bằng không, để tránh chuyến hàng hóa tiêu thụ nơi có mức thuế thấp.

Đối với những khó khăn trong việc chống chuyển giá trốn thuế, ông Nguyễn Văn Phụng cho hay, hiện theo quy định việc kiểm tra, thanh tra hành vi chuyển giá trốn thuế chỉ có thời hạn 30 - 45 ngày, trong trường hợp đặc biệt xin gia hạn thời gian cũng chỉ từ 60 - 90 ngày, thời gian như vậy quá ít với công tác chống chuyển giá vốn phức tạp. Theo ông Phụng Tổng Cục thuế nhiều lần đề nghị Quốc hội cho ngành thuế thêm công cụ điều tra chống chuyển giá nhưng chưa được Quốc hội đồng ý.

Mai Anh