Chuyên gia Bùi Kiến Thành: Samsung đòi ưu đãi "khủng", nền kinh tế được gì?

01/07/2015 07:35
Minh Hồng (ghi)
(GDVN) - Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đặt hàng loạt câu hỏi về những “mặc cả” ưu đãi của Samsung khi thực hiện dự án đầu tư trị giá 1,4 tỷ USD tại TP.HCM.

Cân nhắc kỹ từng ưu đãi

Báo cáo tóm tắt đánh giá tác động của các hiệp định thương mại tự do và đầu tư song phương tới các mục tiêu phát triển dài hạn của Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố sáng 29/6, có nói đến việc Công ty Samsung Electronics Việt Nam (gọi tắt là Samsung) đưa ra đòi hỏi về ưu đãi để đầu tư dự án Samsung Electronics CE Complex với tổng vốn đăng ký 1,4 tỷ USD.

Cụ thể, Samsung xin được miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu xây dựng dự án; Miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu và linh kiện dùng cho sản xuất trong vòng 5 năm kể từ ngày bắt đầu đưa dự án vào sản xuất, hoặc cho tới khi tất cả các dòng thuế của Việt Nam được cắt giảm còn 0% theo các cam kết trong ATIGA; Cơ chế ưu đãi liên quan đến thủ tục hải quan/thông quan.

Trước những đòi hỏi ưu đãi của Samsung, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng cần thận trọng, bởi nhiều đề xuất ưu đãi trong đó ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất trong nước và gây thất thu ngân sách.

Thứ nhất với đề xuất miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu và linh kiện dùng cho sản xuất trong vòng 5 năm kể từ ngày bắt đầu đưa dự án vào sản xuất, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, việc miễn thuế nhập khẩu với nguyên vật liệu và linh kiện chỉ nên áp dụng khi đây là mặt hàng tạm nhập tái xuất.

Cần thận trọng với đề xuất của Samsung (ảnh minh họa)
Cần thận trọng với đề xuất của Samsung (ảnh minh họa)

Ví dụ, nếu Samsung xin nhập linh kiện về gia công, lắp ráp tại Việt Nam, tạo nên sản phẩm hoàn thiện như điện thoại, máy tính, máy ảnh… những sản phẩm này phải được xuất khẩu sang nước thứ 3 không thể tiêu thụ tại Việt Nam.

Bởi nếu tiêu thụ tại Việt Nam, trong khi Samsung được miễn thuế thì doanh nghiệp điện tử trong nước phải nộp thuế nhập linh kiện. Điều này tạo nên lợi thế cạnh tranh về cho Samsung so với doanh nghiệp điện tử trong nước. Cùng với đó nhà nước mất nguồn thu ngân sách lớn.

Thứ hai đề xuất của Samsung xin miễn thuế nhập nguyên vật liệu xây dựng dự án, chuyên gia Bùi Kiến Thành đặt câu hỏi: Tại sao Samsung phải nhập nguyên vật liệu xây dựng? Và tại sao lại được miễn thuế?

Theo ông Thành, khi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam, bên cạnh vấn đề chuyển giao công nghệ, tạo việc làm cho lao động... những doanh nghiệp này cũng tiêu thụ nguyên vật liệu xây dựng trong nước (xi măng, sắt, thép…). Trừ trường hợp nguyên vật liệu xây dựng doanh nghiệp FDI cần nhưng trong nước không có mới cho nhập khẩu.

“Nếu đồng ý với đề xuất này, doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong nước sẽ mất thị trường, nguồn ngân sách thất thu, bên cạnh đó là lo ngại tác động môi trường với vật liệu xây dựng được nhập về”, ông Thành phân tích.

Thứ ba, đề xuất của Samsung đề nghị được ưu đãi liên quan đến thủ tục hải quan/thông quan là vô lý. Bởi thủ tục hải quan, mọi doanh nghiệp đều bình đẳng, nếu đã tạo điều kiện thì nên tạo điều kiện chung cho tất cả doanh nghiệp chứ không riêng gì Samsung.

“Samsung không thể đề xuất theo kiểu người ta xếp hàng còn mình một mình một lối đi lên trước đòi ưu tiên”, Chuyên gia Bùi Kiến Thành nói.

Mức thuế thu lại là bao nhiêu?

Bên cạnh đòi hỏi ưu đãi về chính sách kể trên, Samsung đòi hỏi một chính sách ưu đã thuế chưa từng có trong tiền lệ.

Cụ thể Samsung đề nghị được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 10% trong vòng 30 năm kể từ năm đầu tiên dự án có lợi nhuận; Miễn thuế thu nhập danh nghiệp trong vòng 4 năm kể từ năm đầu tiên SEVT2 có lợi nhuận chịu thuế;

Giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 9 năm tiếp theo; Giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm tiếp sau 9 năm đó; Chính quyền tỉnh hỗ trợ 50% chi phí thuê cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam

Bình luận về đề xuất này của Samsung, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, đóng góp vào ngân sách của Samsung sẽ không đáng là bao.

Ông Thành đặt giả thiết, nếu Samsung được cấp phép đầu tư trong 20 năm nhưng phải 30 năm sau Samsung có lãi, tức là cả 20 năm cuối Samsung chỉ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 10%.

Tuy nhiên trong khoảng thời gian 20 năm Samsung đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 10%, Samsung xin miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm đầu tiên. Tiếp tục 9 năm tiếp theo Samsung lại xin giảm 50% của 10% thuế thu nhập doanh nghiệp, rồi lại xin 3 năm tiếp theo giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp.

Làm phép tính giả định, thời gian đóng thuế của Samsung trong trường hợp Samsung được cấp phép đầu tư 50 năm, nhưng phải 30 năm từ khi vào hoạt động doanh nghiệp với có lãi sẽ là: 20 năm (thời gian Samsung đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 10%)  -  4 năm (xin miễn thuế) – 9 năm (xin miễn 50% thuế thu nhập doanh nghiệp) – 3 năm (xin miễn 50% thuế thu nhập doanh nghiệp tiếp sau 9 năm) = 4 năm. 4 năm này là khoảng thời gian Samsung đóng thuế thu nhập doanh nghiệp bình đẳng theo luật như doanh nghiệp khác.

Những giả định con số trên chỉ là ví dụ, nhưng qua đó thấy rõ đằng sau ưu đãi của Việt Nam với doanh nghiệp FDI như Samsung thì nền kinh tế chúng ta sẽ được gì.

Bên cạnh thất thu nguồn thuế cho ngân sách, theo đề xuất của Samsung các địa phương phải hỗ trợ 50% chi phí thuê cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp. Hiện chưa rõ hỗ trợ chi phí thuê cơ sở hạ tầng là gì nhưng nếu các tỉnh địa phương, cụ thể TP.HCM hỗ trợ tiền thuê đất, thuê mặt bằng, điện nước cho Samsung thì đây là đòi hỏi vô lý của doanh nghiệp.

Bên cạnh đề xuất này, Samsung đề nghị có cảng chuyên dụng cho Samsung tại Sân bay quốc tế Nội Bài. VChuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng, doanh nghiệp điện tử như Samsung rất cần cảng chuyên dụng. Tuy nhiên cần phải xem xét kỹ đến các vấn đề: Nguồn vốn đầu tư ai bỏ ra? Nhà nước quản lý giám sát như thế nào? Vấn đề an toàn an ninh hàng không kiểm soát ra sao…?

Một loạt các câu hỏi được đặt ra theo ông Thành đòi hỏi phải có câu trả lời trước khi thực hiện.

Tóm lại, việc chấp nhận ưu đãi để thu hút đầu tư của nhà nước phải hết sức thận trọng. Cần đặt lên bàn cân để xem chúng ta có nên chịu thiệt đều kêu gọi dự án mà đòi hỏi quá nhiều ưu đãi hay không.

Mỗi dự án không chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt mà phải tính toán đề những tác động về môi trường sức khỏe về con người sau này.

Minh Hồng (ghi)