Cổ phần hóa "nhỏ giọt" vì tâm lý lo mất ghế

01/07/2017 06:09
Mai Anh
(GDVN) - Tâm lý lo mất ghế, lo ảnh hưởng vị trí làm việc của con, cháu người nhà dẫn đến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm, chưa đi vào thực chất.

Chưa đi vào thực chất

Tại Hội thảo "Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thực chất và hiệu quả", do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương tổ chức các chuyên gia đều khẳng định cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước là 1 trong 3 trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế.

Tuy nhiên nhìn vào việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thời gian qua chưa đạt yêu cầu và chưa đi vào thực chất.

Theo ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương), trong giai đoạn tái 2011-2015, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đạt 93% so với kế hoạch nhưng chất lượng thấp.

Giai đoạn này đã có 508 doanh nghiệp được cổ phần hóa, tuy nhiên, tỷ lệ vốn do Nhà nước nắm giữ vẫn ở mức 81%, điều này cho thấy tỷ lệ chuyển đổi sở hữu vẫn thấp, chưa đạt yêu cầu và chưa có dấu hiệu cải thiện. 

Cổ phần hóa nhưng chỉ bán vài phần trăm sẽ không thu hút được nhà đầu tư - ảnh minh họa/H.Lực
Cổ phần hóa nhưng chỉ bán vài phần trăm sẽ không thu hút được nhà đầu tư - ảnh minh họa/H.Lực

Trong 128 doanh nghiệp được cổ phần hóa năm 2015 chỉ bán được 36% số cổ phần chào bán. Sau khi cổ phần nhà nước vẫn nắm giữ 81% vốn điều lệ.

Trong năm 2016, Việt Nam cổ phần hóa được 52 doanh nghiệp nhà nước và trong 5 tháng đầu năm 2017 cổ phần hóa được 15 doanh nghiệp nhà nước và 2 đơn vị sự nghiệp.

Trước đánh giá của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Văn Chiến - Nghiên cứu sinh ngành Kinh tế học tại Colombo University (Sri Lanka) cho rằng, tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chậm trong khi tăng trưởng kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, nếu nguồn lực từ khu vực doanh nghiệp nhà nước được giải phóng sẽ có đóng góp lớn cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Chiến thời gian qua các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hầu hết là doanh nghiệp nhỏ hoặc doanh nghiệp nhà nước ở các địa phương.

Còn số tổng công ty doanh nghiệp nhà nước ở trung ương cổ phần hóa rất ít, không đáng kể hoặc cổ phần hóa nhưng rất ít chỉ vài phần trăm như Tổng công ty cổ phần Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).

Cổ phần hóa "nhỏ giọt" vì tâm lý lo mất ghế ảnh 2

Ai cản trở, ai thao túng chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước?

“Vietnam Airlines hoàn toàn có thể cổ phần hóa nhiều hơn, cổ phần hóa vài phần trăm khiến nhà đầu tư không hào hứng.

Cổ phần hóa mà chỉ bán vài phần trăm vốn Nhà nước thì chỉ mất thời gian, không hiệu quả.

Với nhiều doanh nghiệp nên bán trên 51%, thậm chí cả 100% với những đơn vị không cần nắm cổ phần nào hết của Nhà nước”, Thạc sĩ Chiến cho biết.

Ngoài việc bán cổ phần “nhỏ giọt” số lượng ít theo ông Chiến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp thời gian vừa qua chủ yếu diễn ra doanh nghiệp ở cấp thấp, cổ phần hóa những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả không hấp dẫn.

“Tâm lý của chúng ta là cổ phần hóa doanh nghiệp kém hiệu quả, thua lỗ nhưng lại bán với giá cao như vậy khó thu hút nhà đầu tư.

Nên cổ phần hóa cả doanh nghiệp nhà nước làm ăn hiệu quả nhà đầu tư đang muốn mua”, ông Chiến nêu quan điểm.

Chậm bởi quan hệ thân hữu

Thạc sĩ Nguyễn Văn Chiến khẳng định, vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện nay tắc do bản thân chính doanh nghiệp không muốn cổ phần hóa muốn mình mãi là doanh nghiệp nhà nước. 

Theo Thạc sĩ Chiến quan hệ đang thân hữu trong doanh nghiệp nhà nước làm trì hoãn việc đổi mới, trì hoãn cổ phần hóa.

Thạc sĩ Chiến chỉ rõ, khi cổ phần hóa tức phải cho bên ngoài tham gia quản trị, lãnh đạo điều này sẽ ảnh hưởng đến ghế của các vị lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước hiện nay.

“Vì thế, lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước không có động cơ để cổ phần hóa vì cổ phần hóa sẽ ảnh hưởng đến ghế của các vị”, Thạc sĩ Chiến nhấn mạnh.

“Mặt khác, trong doanh nghiệp nhà nước có tình trạng tuyển dụng con, cháu, người nhà, tuyển dụng qua hình thức quen biết. Vì thế cổ phần hóa không chỉ ảnh hưởng ghế của lãnh đạo còn ảnh hưởng đến vị trí làm việc của người nhà các vị càng không có động cơ, đó là biểu hiện của thân hữu”, ông Chiến chỉ rõ quan hệ thân hữu.

Muốn giải quyết được vấn đề này theo ông Chiến Chính phủ phải vào cuộc bằng cách đưa ra cơ chế, chế tài xử lý. Quan trọng hơn đó là các bộ, ngành trực tiếp quản lý doanh nghiệp nhà nước phải đẩy mạnh cổ phần hóa.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Chiến - Nghiên cứu sinh ngành Kinh tế học tại Colombo University (Sri Lanka) - ảnh nhân vật cung cấp.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Chiến - Nghiên cứu sinh ngành Kinh tế học tại Colombo University (Sri Lanka) - ảnh nhân vật cung cấp.

Để cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiệu quả theo ông Chiến trước hết mỗi doanh nghiệp phải cơ cấu lại ngành kinh doanh.

Trong khoảng 200 doanh nghiệp nhà nước là tập đoàn, tổng công ty lớn, thì mỗi đơn vị lại có hàng loạt doanh nghiệp “con”, doanh nghiệp “cháu”.

Các doanh nghiệp “con”, “cháu” này mở ra để đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau, đầu tư ngoài ngành. Điều đó lý giải tại sao doanh nghiệp như Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp cao su nhưng lại đầu tư vào cả chứng khoán, bất động sản, đầu tư tài chính…

Trước khi cổ phần hóa tập đoàn, tổng công ty cần cơ cấu lại doanh nghiệp nhỏ nằm trong tập đoàn, cơ cấu lại mục tiêu kinh doanh.

Cơ cấu gọn nhẹ sẽ tăng hiệu quả kinh doanh mang lại lợi nhuận, từ đó quá trình cổ phần hóa sẽ dễ dàng hơn, bán vốn sẽ thu được lợi nhuận cao hơn.

Mai Anh