Con số bất ngờ: 69% doanh nghiệp là nạn nhân của tham nhũng?

05/04/2012 07:34
Yến Dương
(GDVN) - 69% doanh nghiệp cho rằng họ là nạn nhân của tham nhũng, và có đến 80% cho rằng, tham nhũng tác động tiêu cực đến sự phát triển của doanh nghiệp.

Đây là kết quả được công bố trong báo cáo nghiên cứu thực trạng tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp tại Việt Nam, được phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Thanh tra Chính phủ công bố sáng 4/4.

Để có bức tranh tổng thể về hiện trạng tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp, trung tâm Nghiên cứu Chính sách và phát triển đã tiến hành khảo sát tại 6 tỉnh, TP lớn: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Đồng Nai và Cần Thơ. Từ ý kiến của 270 doanh nghiệp, 7 cuộc thảo luận nhóm và 12 cuộc phỏng vấn sâu các hiệp hội, cán bộ Nhà nước cho thấy, tham nhũng đang xảy ra ở nhiều ngành, lĩnh vực có liên quan đến thủ tục đăng ký kinh doanh, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất đến thuế, hải quan, quản lý thị trường, xây dựng, bảo hiểm xã hội…

Doanh nghiệp luôn mang sẵn tâm lý phong bì
Doanh nghiệp luôn mang sẵn tâm lý phong bì

Có tới 63% doanh nghiệp được khảo sát nhận định, hệ thống giấy phép chuyên ngành phức tạp, không minh bạch, là một trong những nguyên nhân gây ra nạn tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.

Trên 75% doanh nghiệp được hỏi cho rằng, việc thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước chưa tốt và vấn nạn phong bì được xem như là một cứu cánh để mọi chuyện được “đầu xuôi đuôi lọt”.

Dù ít nhiều bức xúc với nạn này nhưng lý do chính mà 50% doanh nghiệp không tố cáo, 69% doanh nghiệp tự nhận là nạn nhân của tham nhũng vì cho rằng "đó không phải là việc của tôi", "có tố cáo cũng chẳng giải quyết được gì", hay đây là thông lệ chung, gần như mặc định trong quan hệ giao dịch. Các khoản không chính thức này có thể lên đến 1- 5% chi phí của doanh nghiệp. Tình trạng đưa phong bì cảm ơn, mời cơm... giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý hiện nay vẫn đang là tình trạng đáng báo động.

Thành viên nhóm nghiên cứu – ông Nguyễn Ngọc Anh cho rằng, tình trạng tham nhũng giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý dù chưa phải là bức tranh toàn cảnh về thực tế này, song với những kết quả thu được, nguy hiểm nhất chính là là đánh mất lòng tin của các thành viên trong xã hội vào bộ máy công quyền.

“Hiện doanh nghiệp luôn mang sẵn tâm lý phong bì, cứ gặp khó khăn khi làm việc với cơ quan công quyền là đã sẵn sàng cho việc này, thậm chí có khi họ đưa tiền mà không biết mình đưa vì lý do gì. Tình trạng này tồn tại một phần là do năng lực của chính doanh nghiệp còn hạn chế.

Họ không nắm vững các quy định về các văn bản pháp quy, không nhận biết được các hành vi tiếp tay cho tham nhũng Trong khi việc lẽ ra phải nên làm là cần nắm chắc các quy định, văn bản pháp quy, các yêu cầu về thủ tục cần có mà mình phải tuân thủ khi xin cấp phép hay thực hiện một thủ tục nào đó. Nếu chủ động trong việc này thì cơ quan công quyền sẽ phải làm theo đúng quy trình và doanh nghiệp không phải mất thêm chi phí” – ông Ngô Mạnh Hùng, Cục phó Cục Chống tham nhũng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm:
Thú chơi khuyển của các đại gia Choáng với thú chơi của đại gia Việt
Những dịch vụ "Đệ nhất Hà thành" Bảo vệ Người tiêu dùng
Clip - Ảnh ấn tượng Kinh hoàng "công nghệ" thực phẩm bẩn
Lình xình ở nhà N05 Vinaconex Gía vàng - ngoại tệ theo ngày
Yến Dương