Công ty SJC từ chối mua vàng một chữ, dân cảm giác như bị lừa đảo

13/01/2016 10:38
Việt Hoài
(GDVN) - Người dân thực sự lo lắng khi đem vàng SJC 1 chữ đi bán không ai mua. Tại sao SJC lại phân biệt để gây tâm lý hoang mang, rối loạn trong dư luận?

Người dân mang vàng còn nguyên niêm phong, vỏ nhựa đến “chính chủ” - Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) - thì lại bị khấu trừ số tiền lớn ( từ 350.000 - 500.000 đồng/lượng), thậm chí là ngoảnh mặt với hai chữ… tạm ngưng, không một lời giải thích cho người dân rõ ngọn nguồn.

Vàng SJC thực sự lên ngôi vào thời điểm giữa tháng 5/2012, khi Nghị định 24 của Chính phủ ra đời, quy định chỉ còn một thương hiệu vàng duy nhất SJC - thương hiệu vàng quốc gia. Tâm lý người dân sẽ chọn vàng có thương hiệu để tích trữ, để dễ bề mua, bán.

Miếng vàng có seri 2 chữ bên trái và seri 1 chữ bên phải. Nguồn ảnh tuoitre.vn.
Miếng vàng có seri 2 chữ bên trái và seri 1 chữ bên phải. Nguồn ảnh tuoitre.vn.

Ai ngờ, đây là lần thứ hai Công ty SJC lại gây khó cho người dân đã từng mua vàng của công ty mình. Lần trước thì “ép giá” vàng miếng cong vênh, lần này thì thẳng thừng từ chối mua vàng miếng 1 chữ. Trong khi chính SJC thừa nhận vàng 1 chữ và vàng 2 chữ chất lượng không khác gì nhau.

Vậy, tại sao SJC lại phân biệt để gây tâm lý hoang mang, rối loạn trong dư luận ?

Lạ thay, vàng miếng 1 chữ cũng do Công ty SJC sản xuất, bán ra. Nó là “con đẻ” của mình, sao bây giờ SJC lại nỡ lòng từ chối trách nhiệm. Đã kinh doanh sao SJC lại không giữ chữ tín? Vô cớ gây khó, ép người dân. Người mua vàng miếng SJC 1 chữ đang có tâm lý là mình bị Công ty SJC lừa đảo…

Độc quyền sản xuất, độc quyền giá bán rồi độc quyền phán xét. Phải chăng đó là hậu quả của cơ chế “một mình một chợ”, cơ chế độc quyền mà Công ty SJC đã được ưu ái khi chọn là thương hiệu vàng quốc gia.

Đã có một thời người dân đang giữ vàng phải ồ ạt chuyển đổi sang vàng SJC chỉ vì bốn chữ: Thương hiệu quốc gia. Dư luận đặt câu hỏi, ai đã “đẻ” ra cái gọi là vàng 1 chữ, vàng 2 chữ để hành dân? Nếu thực sự vàng 1 chữ không chất lượng bằng vàng 2 chữ thì chính SJC phải thừa nhận trước công chúng, không thể bỗng dưng nói không với vàng 1 chữ một cách khó hiểu, mập mờ như vậy.

Đã là vàng thương hiệu quốc gia thì chính Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp để ổn định thị trường vàng, ổn định tâm lý người dân, không thể để Công ty SJC thích mua là mua, thích không là không.

Nếu Công ty SJC cứ làm ăn theo kiểu bất nhất như thế này, người tiêu dùng sẽ chối từ sản phẩm của SJC. Ai cũng biết kinh doanh vàng là lời lãi vô cùng cao, bởi giá mua và giá bán chênh lệch rất lớn. Công ty SJC có nghĩ đến tình cảnh sản phẩm của mình bị dư luận, người tiêu dùng tẩy chay như sản phẩm của Tân Hiệp Phát?

Ứng xử với khách hàng của mình một cách “cạn tàu ráo máng” như vậy, SJC đâu còn niềm tin với người dân. Nay vàng 1 chữ, mai vàng 2 chữ, liệu SJC có còn cho ra đời vàng 3 chữ, 4 chữ nữa không?... Đó là câu hỏi mà người dân đang chờ đợi SJC trả lời.

Theo luật sư Trần Hữu Nam (Hà Nội) thì, trong trường hợp này, nếu vàng SJC mà người dân đang giữ không phải là hàng giả, được mua từ chính Công ty SJC, người dân có quyền khởi kiện Công ty SJC ra tòa, bồi thường thiệt hại cho người mua.

Có sòng phẳng trước pháp luật thì chúng ta mới có một nền kinh tế thị trường thực sự.


Việt Hoài