Cư dân tòa nhà cao nhất Việt Nam lại “kêu cứu”

17/01/2013 11:06
Hà Nhi
(GDVN) - Chưa được chính quyền địa phương công nhận ban quản trị (BQT), cư dân Keangnam rơi vào tình trạng khó khăn khi không có đủ cơ sở pháp lý để ngồi vào bàn đàm phán với chủ đầu tư.

Mới đây, đại diện của cư dân Keangnam đã gửi đơn lên UBND TP.Hà Nội kiến nghị về việc chưa được chính quyền địa phương công nhận Ban quản trị (BQT), trong khi theo luật định, lẽ ra phải được công nhận từ cách đây 5 tháng trước.
Trước đó, ngày 12/8/2012, dưới sự chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội, UBND Huyện Từ Liêm, Hội nghị nhà chung cư Keangnam đã được tổ chức thành công, bầu ra Ban quản trị (BQT) gồm 8 cư dân, đồng thời cũng đã bầu ra Trưởng và phó BQT, cử ông Ha Jong Suk – Chủ tịch công ty TNHH Một thành viên Keangnam Vina (là người của chủ đầu tư) làm phó trưởng ban BQT.

5 tháng sau khi Hội nghị nhà chung cư được tổ chức, ban quản trị cư dân Keangnam vẫn chưa được UBND Huyện Từ Liêm công nhận.
5 tháng sau khi Hội nghị nhà chung cư được tổ chức, ban quản trị cư dân Keangnam vẫn chưa được UBND Huyện Từ Liêm công nhận.
Ông Bùi Thức Khiết – người đã được bầu làm Trưởng ban BQT (chưa có quyết định chính thức) chia sẻ với phóng viên Giáo dục Việt Nam: “Hội nghị nhà chung cư Keangnam đã được tổ chức đúng quy định hiện hành, bà con cư dân đã hăng hái tham gia và rất phấn khởi trước thành công của Hội nghị. 
Sau Hội nghị, cư dân đang chờ đợi sự hoạt động có hiệu quả của BQT để xây dựng khu chung cư thành khu vực có cuộc sống yên lành và có văn hóa mới. Nhưng đến nay, đã 5 tháng trôi qua, Keangnam vẫn chưa có quyết định công nhận chính thức, BQT không thể bắt tay vào hoạt động đầy đủ, nhiều vấn đề trong cộng đồng chưa được đưa ra bàn bạc giải quyết”. 
Trong khi đó, theo luật pháp hiện hành, quyết định 08/2008/BXD nêu rõ: 15 ngày sau khi HNNCC bầu được BQT, chính quyền địa phương sẽ ra văn bản công nhận. 
Người dân tại tòa nhà cao nhất VN này cho biết: Ngày 13/8/2012, Tổ dân phố số 5 có ra công văn số 01-DP5-MT báo cáo kết quả HNNCC với UBND Huyện Từ Liêm và đề nghị Huyện ra quyết định công nhận BQT nhưng hết 15 ngày, huyện Từ Liêm không có văn bản trả lời. “Họ chỉ giải thích miệng rằng có yếu tố nước ngoài nên chưa thể công nhận” – một cư dân Keangnam cho hay. Sau khi đệ đơn hỏi Bộ Xây dựng, Keangnam có công văn của Bộ Xây dựng trả lời rằng: Yếu tố nước ngoài không ảnh hưởng đến việc công nhận BQT.
Đến 10/11 và 02/12, Trưởng ban BQT tiếp tục gửi văn bản đến UBND Huyện Từ Liêm và UBND TP.Hà Nội để đề nghị cơ quan chính quyền giải quyết dứt điểm sự việc này. 
Tuy nhiên, đã 3 lần gửi văn bản kêu cứu và sau 5 tháng chờ đợi, đến nay, người dân vẫn không nhận được hồi âm nào từ phía chính quyền địa phương.
Bác Trần Xuân Trạch, tổ trưởng tổ dân phố Keangnam tâm sự: Trước đây, khi chưa tổ chức xong Hội nghị nhà chung cư, chủ đầu tư thường viện cớ “đại diện BQT cư dân lâm thời” mới chỉ là “lâm thời” nên không có “danh chính ngôn thuận” để làm việc với chủ đầu tư, tới nay, HNNCC đã bầu ra được BQT – là người có thể đứng ra thay mặt cư dân nói lên tiếng nói của mình với chính quyền các cấp và chủ đầu tư, nhưng chính quyền đến nay không hiểu vì lý do gì lại tắc trách, chậm trễ với dân như vậy?!
Trước mong muốn chính đáng được chính quyền địa phương công nhận BQT, báo Giáo dục Việt Nam đã trực tiếp tới UBND huyện Từ Liêm tìm hiểu nguyên nhân, lý do sự chậm trễ này. 
Phía UBND huyện xác nhận đã nhận được đơn thư của cư dân Keangnam, tuy nhiên cần có thời gian để trả lời. UBND huyện hẹn sẽ sắp xếp lịch để phóng viên làm việc với lãnh đạo. Tuy nhiên, sau 3 ngày, hiện phóng viên Giaoduc.net.vn vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ phía UBND huyện Từ Liêm.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!

Hà Nhi