"Đám cưới siêu sang": GS Đặng Hùng Võ buồn vì lớp nhà giàu mới nổi

20/03/2012 14:37
Bình An (ghi)
(GDVN) - "Trong khi người nghèo cần cơm ăn, đến trường thay vì được nghe ca sĩ hát thì những đại gia này lại thể hiện ban ơn cho người nghèo bằng nghe nhạc"?.
Đó là những chia sẻ của GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường với PV báo điện tử GDVN xung quanh những đám cưới siêu "khủng" được tổ chức trong thời gian vừa qua.

Dư âm của những đám cưới siêu sang vẫn chưa nguội lạnh trong dư luận cả nước. Nhiều người vẫn tò mò dõi theo diễn biến của những hậu đám cưới này sẽ ra sao. Hiện tại cho đến thời điểm này gia chủ của những đám cưới siêu sang đã không còn lên tiếng trần tình về việc mình đã làm tuy nhiên sau khi bị dư luận bàn tán có lẽ họ đã phần nào hiểu được những việc "chơi trội" mình đã làm trở thành thiếu văn hóa, kệch cỡm trong mắt người đời.

"Những đám cưới lãng phí, thiếu văn hóa"
Xung quanh những đám cưới này, trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Đặng Hùng Võ (nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) vẫn chưa hết búc xúc khi nhấn mạnh: "đó là những đám cưới lãng phí, thiếu văn hóa".

>>Choáng với cách tiêu xài của nữ đại gia thủy sản Diệu Hiền

>>Thông tin về vụ "đại gia thủy sản" Diệu Hiền

GS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ TN-MT.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ TN-MT.


GS Đặng Hùng Võ cho biết: Qua những đám cưới siêu sang vừa qua tôi chỉ thấy buồn hơn vì lớp người mới nổi trong xã hội. Họ có nhiều tiền nhưng thể hiện mình một cách thiếu lịch sự. Ngày xưa các cụ vẫn nói phú quý sinh lễ nghĩa, nhưng điều chúng ta dễ thấy ở những đám cưới "trọc phú" này một điều còn tệ hơn việc phú quý.

Tức là người ta muốn nổi, muốn khác người nhưng đó là một các khác thiếu văn hóa. Tức là muốn làm cái đó để chứng tỏ mình khác với người khác.

Nhưng việc làm đó là thiếu văn hóa vì nó đã tỏ ra một siêu lãng phí. Tiền làm đám cưới dù là của mình nhưng đó vẫn là lãng phí của cải cho xã hội. Trong khi rất nhiều người đang đói, nhiều người còn chưa đủ áo ấm để mặc, nhiều đứa trẻ còn không có tiền để được đến trường.
Khi nghe những đại gia đó trần tình vì thương con, thương người nghèo muốn cho người nghèo có cơ hội được nghe ca sĩ nổi tiếng hát hay gì đó, tôi thấy sự kệch cỡm, thiếu văn hóa càng thể hiện rõ hơn.

"Theo tôi thương người nghèo mà lại làm như vậy. Phải chẳng họ không biết người nghèo đang cần cơm chứ người nghèo không cần nghe ca sĩ nổi tiếng hát, người nghèo cần áo ấm, cần đến trường hơn là nghe ca nhạc để quên đói, quên lạnh.
Nghe đến những khoản tiền lên đến vài chục tỷ cho một đám cưới thật hoang phí. Nếu không tiêu nó sẽ để lại khoản tiền đó làm được rất nhiều việc khác, cần thiết để cho người nghèo"._GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Ông Võ đánh giá thêm: Khi người nghèo đang còn rất nhiều vậy thì lãng phí đó mang tính thiếu văn hóa. Còn việc tiết kiệm được thì cho người nghèo là việc cần thiết làm. Có thể cho cụ thể một người hoặc cho cả cộng đồng người nghèo đang cần sự hảo tâm của những người có điều kiện. Ngoài ra, số tiền đó cũng không nhất thiết  phải để nó cho người nghèo vì đó là tiền của cá nhân gia chủ, họ có thể làm gì thì làm. Nhưng đầu tư vào cách khác phù hợp hơn.
Đối với trường hợp bà Diệu Hiền, những chiêu đó là không đúng cách thể hiện mình không nợ nần. Làm như vậy càng thể hiện thiếu văn hóa của một doanh nhân, trong khi còn nợ nông dân mà vẫn đổ hàng tỉ đồng cho đám cưới xa hoa. Tôi chỉ nhấn mạnh những siêu đám cưới kia là những việc làm thiếu văn hóa.
"Thật đáng chê trách"

Cũng chia sẻ về những đám cưới "siêu khủng" được tổ chức trong thời gian qua với PV báo GDVN, một nhà báo lão thành (xin được dấu tên) cho rằng.
Trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế của đất nước cũng như của thế giới ngày nay, khi biết bao người lao động đang phải chật vật vì giá cả sinh hoạt không ngừng tăng, đời sống khó khăn, mà có những kẻ ăn chơi xa hoa lãng phí quá đáng thật đáng chê trách. Trường hợp, hai bậc nữ đại gia Phạm Thị Diệu Hiền và Nguyễn Thị Liễu tổ chức đám cưới siêu sang thì người đời tha hồ đàm tiếu. Báo chí đã thông tin kịp thời.

Đoàn siêu xe trong đám rước dâu của con trai nữ đại gia thủy sản Bình An.
Đoàn siêu xe trong đám rước dâu của con trai nữ đại gia thủy sản Bình An.

Tuy nhiên theo ý riêng tôi, từ góc nhìn báo chí, như vậy là đủ. Báo chí không im lặng, không bưng bít thông tin được xã hội quan tâm, nhưng cái gì cũng có mức độ và hạn chế của nó. Dù sao việc cưới xin cũng là việc riêng tư của gia đình người ta, nếu tài sản họ dùng vào việc riêng là chính đáng. Cái đáng chê trách là những ai nhân chuyện riêng mà khoe giàu, khoe của, thậm chí không loại trừ có trường hợp tạo thêm thanh, thêm thế để còn làm ăn tiếp sau này.

Trường hợp phô trương, lãng phí trong khi còn nợ tiền của nông dân như trường hợp bà đại gia Diệu Hiền ở Cần Thơ càng đáng trách. Nhưng quan hệ nợ nần của các đương sự là quan hệ dân sự. Vấn đề này đã được Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, nhà chức trách địa phương đang tiến hành xử lý, mục đích chủ yếu vì đời sống người dân, vì sản xuất xã hội, vì sự công bằng, minh bạch và tinh thần thượng tôn pháp luật, theo thông tin tôi nắm được hình như vụ việc chưa trượt sang lĩnh vực hình sự.
Ngày nay cả thế giới cũng như nước ta đang đứng trước lắm vấn đề kinh tế xã hôi to tát hơn nhiều. Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách những tỉ phú giàu nhất thế giới năm 2011. So với năm 2010, số đại đại gia tăng lên hơn 150 vị, tổng tài sản của họ cao hơn năm trước 10 000 tỉ đô la...

Tức là đối với nước ta những con số người giàu có cũng đang tăng. Đó là niềm vui vì sản xuất xã hội phát triển. Điều mà chúng tôi quan tâm là những người làm ăn bất chính, giàu lên nhanh chóng và không làm tròn nghĩa vụ với nhà nước, với người lao động thì giàu cũng chẳng để làm gì.

Bình An (ghi)