Đề án mua lại nhà giá rẻ của CP: Không thể “cứu” được thị trường BĐS

31/03/2012 04:55
Hân Ni
(GDVN) - Theo chuyên gia BĐS, đề án mua lại căn hộ 15-17 triệu đồng/m2 của Chính phủ là tốt nhưng chỉ là giải pháp tình thế, không thể giải cứu được thị trường

Chỉ là giải pháp tình thế!

Kế hoạch mua lại một số dự án bất động sản là một trong những nội dung nằm trong Đề án 254 của Chính phủ về cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, Chính phủ giao Bộ Xây dựng xây dựng các tiêu chí bất động sản (BĐS) thuộc diện Nhà nước mua lại.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, việc mua lại một số dự án nhằm mục đích an sinh xã hội và phục vụ cơ quan Nhà nước và đảm bảo an sinh xã hội là để những người không có khả năng mua nhà thì thuê nhà, để phục vụ công tác tái định cư khi giải phóng mặt bằng...

Vì vậy, không thể mua những dự án đắt tiền, hạng sang mà Bộ chỉ xem xét mua lại những dự án nhà ở có giá rơi vào tầm 15 - 17 triệu đồng/m2.

Theo chuyên gia BĐS, đề án mua lại căn hộ 15-17 triệu đồng/m2 là tốt nhưng chỉ là giải pháp tình thế, không thể giải cứu được thị trường.
Theo chuyên gia BĐS, đề án mua lại căn hộ 15-17 triệu đồng/m2 là tốt nhưng chỉ là giải pháp tình thế, không thể giải cứu được thị trường.

Với đề án này, các chuyên gia BĐS cho rằng: Đây là một giải pháp tốt nhưng chỉ mang tính tình thế, hỗ trợ, giúp đỡ một số doanh nghiệp chứ không thể “cứu” được thị trường.

Ông Trương Chí Kiên, Phó Tổng GĐ của công ty CP Him Lam Thủ Đô đánh giá: Việc làm này của Chính phủ nhằm mục đích chính là cứu vãn thị trường BĐS, cũng như cứu vãn các doanh nghiệp tránh hệ thụy của việc liên đới tới tính thanh khoản của các Ngân hàng.

Vì hiện nay, hầu như các doanh nghiệp BĐS đều phải dùng đòn bẩy, phải vay ngân hàng một khối lượng tiền rất lớn, chiếm tới 50 – 60% vốn đầu tư, xây dựng. Trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện tại, doanh nghiệp BĐS sẽ không huy động được vốn, tăng nợ xấu làm liên đới tới tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, khiến hiện trạng kinh doanh ngày càng trở nên tồi tệ.

Trong lúc này, một số doanh nghiệp BĐS rất khó khăn và họ buộc phải có một giải pháp táo bạo là cắt khoản lỗ. Nếu Nhà nước có chủ trương mua lại để tháo gỡ vốn tồn đọng của họ thì đây là một cái lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ở góc độ Nhà nước, Chính phủ sẽ mua được nhà làm công vụ hoặc sử dụng vào mục đích nào đó với giá rất hợp lý và sở hữu một mặt bằng khá tốt. “Đó là cái lợi của 2 bên” – ông Kiên nói.

Tuy nhiên, theo ông Kiên: Đây chỉ là một giải pháp tình thế trong lúc thị trường khó khăn.

Để “giải cứu” thị trường BĐS một cách tổng thể và lâu dài phụ thuộc nhiều vào chính sách của Nhà nước, đặc biệt là chế độ, chính sách lãi suất của Ngân hàng. “Các doanh nghiệp BĐS phải tập trung vào phân khúc có nhu cầu thực, khả năng tài chính hạn chế. Trong khi đó, để tạo được cầu tốt phải có hệ thống tài chính tốt. Chừng nào lãi suất hợp lý thì cầu sẽ tốt nhưng hiện tại lãi suất vẫn đang quá cao. Chúng ta phải có hỗ trợ về lãi suất cho những người có nhu cầu thực, cần sự giúp đỡ - đó là giải pháp thiết thực mà ông Kiên đưa ra.

Không thể “cứu” được thị trường BĐS

Cũng đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam nhận xét: Chủ trương mua lại căn hộ của Chính phủ là tốt, phần nào đó tác động tới thị trường BĐS, giảm những căng thẳng trong kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, theo ông Liêm là: Nhà nước phải thực hiện thế nào cho minh bạch, đồng thời cũng không nên quá tham vọng “cứu” được cả thị trường BĐS.

Sẽ cứu ai, bỏ ai và liệu Chính phủ có bao nhiêu tiền để mua lại các căn hộ giá rẻ trong khi thị trường BĐS rộng lớn như vậy? - Đó là các câu hỏi mà giới BĐS đã đặt ra sau đề án của Chính phủ.
Sẽ cứu ai, bỏ ai và liệu Chính phủ có bao nhiêu tiền để mua lại các căn hộ giá rẻ trong khi thị trường BĐS rộng lớn như vậy? - Đó là các câu hỏi mà giới BĐS đã đặt ra sau đề án của Chính phủ.

Trao đổi với báo Giáo Dục Việt Nam, ông Phạm Thanh Hưng – Phó TGĐ CEN Group cũng cho rằng: Về nguyên tắc, việc mua lại những căn hộ giá tầm 17 triệu đồng/m2 của Chính phủ là một biện pháp đúng, ít nhất là tạo niềm tin tích cực cho thị trường BĐS vốn đã trầm lắng trong một thời gian dài, tuy nhiên, ông Hưng cũng thừa nhận: Đây chỉ là biện pháp tạm thời và trước mắt mà thôi!.

Ông Hưng băn khoăn: “Việc nhà nước hỗ trợ bằng cách này hay cách khác đều rất đáng quý nhưng tôi cũng không biết liệu Nhà nước có thể mua được bao nhiêu căn hộ để giải cứu cho thị trường trong khi thị trường BĐS vô cùng rộng lớn như vậy!?”.

Bên cạnh đó, vấn đề thứ hai mà ông Hưng quan tâm đó là: Bộ Xây dựng sẽ sử dụng ngân sách từ đâu để mua những căn hộ giá trung bình này và nhằm vào mục đích gì. “Nếu quỹ ngân sách để mua nhà công vụ theo tôi biết là không được bao nhiêu, nó tương đối hạn hẹp, hạn chế, có khả năng chỉ mua được vài trăm canh. Đó là một con số không đáng kể” – ông Hưng nhận xét. Một điều đáng nói nữa là: “Bộ Xây dựng sẽ mua dự án nào, vì thị trường có rất nhiều đơn vị đang bế tắc, cứu ai, bỏ ai” – ông Hưng đặt ra câu hỏi.

Theo ông Hưng, với phương án này, Bộ Xây dựng hoàn toàn có thể mua lại với giá thành giúp cho doanh nghiệp rút khỏi thị trường một cách an toàn. Bộ hoàn toàn không cần thiết phải tính lãi cho doanh nghiệp bởi đây là giải pháp bất khả kháng cho doanh nghiệp BĐS rồi. Vì nếu sản phẩm của doanh nghiệp đó có tính thanh khoản cao chắc cũng không cần bán cho Bộ Xây dựng. “Sòng phẳng mà nói, Bộ Xây dựng có thể mua lại với giá thành đúng bằng chi phí xây dựng” – ông Hưng nói.

Hân Ni