Để lọt ngân hàng vượt trần lãi suất, Thống đốc thừa nhận lỗi

25/11/2011 11:56
Khuê Hạ
(GDVN) - Trong 8 tháng đầu năm, hàng nghìn cuộc thanh tra lãi suất ngân hàng, không phát hiện ra vi phạm, trách nhiệm thuộc về Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước.
Sau hàng loạt các vụ phanh phui  về việc vượt trần lãi suất của các ngân hàng, trong phiên chất vấn sáng nay (25/11), Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình thừa nhận: “Chúng tôi xin nhận khuyết điểm với quốc hội. Các chế tài của NHNN về thanh tra, giám sát chưa sát sao, có tới hàng nghìn thanh tra nhưng không phát hiện được ngân hàng nào”.

Thống đốc cho biết, nội bộ lãnh đạo NHNN đã kiểm điểm sâu sắc về vấn đề nay. Bằng chứng là: Từ tháng 8 trở lại đây, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã chấp hành nghiêm túc quy định trần lãi suất và các vi phạm cũng đã được liên tiếp phát hiện.

Còn vấn đề thanh tra giám sát, NHNN sẽ chấn chỉnh lại hoạt động này trong thời gian tới để lấy được niềm tin của nhân dân.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận:“Chúng tôi xin nhận khuyết điểm với quốc hội. Các chế tài của NHNN về thanh tra, giám sát chưa sát sao, có tới hàng nghìn thanh tra nhưng không phát hiện được ngân hàng nào”
Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận:“Chúng tôi xin nhận khuyết điểm với quốc hội. Các chế tài của NHNN về thanh tra, giám sát chưa sát sao, có tới hàng nghìn thanh tra nhưng không phát hiện được ngân hàng nào”
Cũng trong phiên chất vấn, có đại biểu đặt vấn đề: Áp trần lãi suất huy động 14% là có lợi cho ngân hàng lớn nhưng không có lợi cho ngân hàng nhỏ. Thống đốc Bình ngay lập tức đặt lại vấn đề, nếu chính sách chỉ có lợi cho ngân hàng nhỏ mà lại có hại cho ngân hàng lớn thì có nên hay chăng?
 
“Trong bối cảnh kinh tế, tài chính hiện nay, áp trần lãi suất huy động chung cho cả hệ thống là hợp lý nhất” - Thống đốc khẳng định. Ông cũng lưu ý: “Những ngân hàng có quy mô lớn đương nhiên là lợi thế, những ngân hàng nhỏ hơn chưa chắc đã gặp khó khăn trong tình hình này, nếu tình hình tài chính lành mạnh”.

Khó khăn đối với trần lãi suất huy động 14% chỉ xảy ra với những ngân hàng có tình hình tài chính yếu kém, do không đảm bảo được lòng tin với khách hàng, với người gửi tiền. Khi không giữ được lòng tin thì khách hàng rút vốn - tuy nhiên, theo Thống đốc, tình trạng này không phổ biến.
 
Trước câu hỏi của đại biểu đặt về việc: “có nên áp trần lãi suất cho vay thay vì trần lãi suất huy động?”, Thống đốc phân tích, nếu áp trần lãi suất cho vay thì khó khăn gặp phải sẽ còn nhiều hơn. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ bị cào bằng về lãi cho vay và không phân loại được đối tượng nào cần khuyến khích, đối tượng nào không khuyến khích.

Chính vì vậy, sau khi NHNN và các cơ quan hữu quan đã thảo luận nhiều và cân nhắc dưới nhiều góc độ đã đi đến thống nhất: trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam nếu phải áp dụng trần lãi suất nào đó thì chỉ có thể áp trần lãi suất huy động.
 
Do chính sách kiềm chế tốc độ tăng trưởng tín dụng xuống dưới 20% từ mức trung bình trong vòng 5 năm trở lại đây là 33%, nên có một bộ phận doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng. Ông nói, NHNN chia sẻ với nhưng khó khăn đó của doanh nghiệp và sẽ tìm cách tháo gỡ nhưng doanh nghiệp cũng cần thông cảm với các chính sách của Chính phủ vì mục tiêu chung.
Khuê Hạ