Đổ xô mua sữa tích trữ trước tin đồn tăng giá đến... 20%

16/05/2011 06:44
(GDVN) - Mặc dù thông tin sữa ngoại tăng giá chưa chính thức được áp dụng nhưng các bà mẹ vẫn vội vã đi mua sữa về tích trữ phòng khi tăng giá nhanh.

(GDVN) - Mặc dù thông tin sữa ngoại tăng giá chưa chính thức được áp dụng và chỉ qua lời các chủ đại lý nhưng các bà mẹ vẫn vội vã đi mua sữa về tích trữ phòng khi tăng giá nhanh.

>> Sữa Enfakid A+ có bọ giá rẻ hơn bình thường?

>> Hoảng với sữa bột Hà Lan, New Zealand giá 50.000 - 60.000 đồng/kg

>> Sữa đắt có thực sự tốt?

“Cảnh báo” tăng giá sữa ngoại

Hết giờ làm, chị Thủy (Trần Hưng Đạo, Hà Đông) ghé đại lý quen trên đường Lê Lợi (Hà Đông) mua sữa Physiolac (sữa nhập nguyên lon từ Pháp) cho cậu con trai 2 tuổi. Tại đây, chị được chủ đại lý tư vấn nên mua trữ thêm vài lon nữa vì sang tuần hoặc nếu đại lý hết lô hàng cũ, nhập hàng mới giá sữa sẽ tăng đáng kể. Cụ thể, Physiolac số 3 loại 900gr mà chị Thủy đang định mua sẽ tăng lên 399.000 đồng/lon (giá hiện tại là 325.000 đồng/lon) tức là tăng đến 74.000 đồng/lon (tương đương 25%). Không khỏi giật mình, chị Thủy hỏi lại cửa hàng và được biết, nguyên nhân tăng giá là do... giá các mặt hàng tăng nên sữa cũng tăng. Mặc dù biết lý do không thuyết phục nhưng vì là chỗ khách hàng thân quen nên chị Thủy "bấm bụng" mua 1 thùng sữa này (6 lon).

"Trước sau gì cũng phải mua, mua bây giờ tiết kiệm được gần 500.000 đồng. Từ đầu năm đến giờ, tôi chỉ thấy sữa tăng giá liên tục. Nguyên nhân thế nào cũng chỉ biết mập mờ, lúc thì chênh lệch giá USD, lúc thì bảo giá nguyên liệu tăng  nên giá sữa tăng... Tăng thì cứ tăng còn người có nhu cầu thì vẫn cứ phải dùng...", chị Thủy nói.

Mặc dù thông tin sữa ngoại tăng giá chưa chính thức được áp dụng và chỉ qua lời các chủ đại lý nhưng các bà mẹ vẫn vội vã đi mua sữa về tích trữ phòng khi tăng giá nhanh.

Người dân lo sợ sữa ngoại tăng giá nên đi mua về tích trữ
Lo sợ sữa ngoại tăng giá, nhiều ngươi vội mua về tích trữ.
Chị Huỳnh Thị Mai (Thái Hà, Hà Nội) hớn hở khoe vừa mua một thùng sữa Pediasure complete giá 725 nghìn đồng/hộp (thùng 12 hộp 900 gr). Chị Mai cho biết, một tháng hai đứa con nhà chị dùng hết khoảng 3 hộp sữa này. Với giá khá đắt nhưng sản phẩm nhập khẩu từ Úc nên chị có phần yên tâm hơn. Trước tết, chị mua sữa này giá 645 nghìn đồng/hộp. Theo lời nhân viên bán hàng tại đại lý sữa trên phố Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) thì sang tháng,  Pediasure complete có thể tăng thêm 10 - 15% hộp.

Cũng tại một cửa hàng sữa trên phố Thái Thịnh, nhiều người mua hàng băn khoăn hỏi việc giá sữa ngoại có thể tăng nữa không? Đa số những câu trả lời từ phía người bán hàng là sắp tới có tăng nhưng chưa biết khi nào. Chính vì sự trả lời mập mờ như vậy càng khiến nhiều người có nhu cầu phải mua hàng về nhà tích trữ.
Chị Hà, cửa hàng sữa số 4, Lê Trọng Tấn, Hà Nội cho biết, đa số sữa ngoại tăng giá nhiều và nhanh nên khi nào sắp tăng giá, chị thường báo cho những khách hàng ruột thường hay mua sữa ngoại về dùng. Những người có điều kiện thường mua 2 hoặc 3 thùng mỗi đợt. Với sữa ngoại, khi tăng giá thường tăng từ 10 - 15 %, thậm chí có những sản phẩm tăng đến 20% nên một thùng sữa 6 hoặc 12 hộp, người mua có thể dư tiền triệu nếu đón đầu mua sớm trước khi sữa tăng giá.

Hiện tại một số sản phẩm sữa ngoại có giá bán như sau: Sữa Ensure Gold hộp 900g giá 560.000 đồng/lon, Pediasure  900g giá 490.000 đồng/lon, sữa Meiji 9 của Nhật Bản loại 850g giá 562.000 đồng/lon… các cửa hàng đều thông báo sắp có giá mới từ nhà phân phố gửi xuống. Theo đà tăng này, giá sữa ngoại luôn "rập rình" ở điểm tăng 5 - 10%.

Sữa nội thờ ơ

Trong khi đó, các sản phẩm sữa nội đều chưa có thông báo tăng giá. Đa số "tín đồ" của sữa nội cảm thấy yên tâm vì giá tăng không đáng kể. Chị Hoài (Tây Sơn, Hà Nội) thường sử dụng các sản phẩm sữa tươi của Vinamilk. Khi các sản phẩm tăng giá chị cũng không có ý mua hàng tích trữ vì sản phẩm này không nên để lâu trong nhà.
Sữa ngoại tăng giá nhanh và số tiền đội lên lớn hơn sữa nội
 Sữa ngoại tăng giá nhanh và số tiền đội lên thường cao hơn
sữa nội.
Chị Oanh, chủ cửa hàng sữa trên phố Hàm Tử Quan, Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng cho biết: các sản phẩm sữa nội luôn nằm trong danh mục bình ổn giá nên khi giá cả biến động cũng không đáng bao nhiêu. Đa số khách hàng mua hàng về tích trữ chủ yếu là sữa ngoại. Họ lo sợ sữa ngoại tăng, đắt tiền nên khi tăng số tiền sẽ rất nhiều gơn vài phần trăm sữa nội.
Nhân viên bán hàng cửa hàng sữa Vinamil tự chọn trên phố Phan ĐÌnh Phùng, Ba Đình, Hà Nội chia sẻ, khi các cửa hàng bán sữa ngoại bận rộn vì người đến mua hàng về “găm” thì các cửa hàng cung cấp sữa nội khá ổn định.

Sữa nội tăng giá không đáng kể và khi tăng giá công ty chỉ thông báo trong một thời gian ngắn (khoảng 2 ngày) xuống cửa hàng. Khi đó cửa hàng sẽ ra thông báo trực tiếp tới khách hàng nên người dùng sữa nội khó mà biết thông tin tăng giá để mua hàng nhiều về tích.

Trong cơn “bão giá” hiện nay rõ ràng việc chạy đua tiết kiệm với giá sữa cao ngất ngưởng cũng khiến nhiều người quan tâm. Trong khi đó, theo thông tin từ Bộ Công thương cho biết, trong quý I/2011, giá nhiều mặt hàng sữa liên tục tăng dù chưa được sự chấp thuận của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), nhất là sữa ngoại nhập khẩu. Để bình ổn giá sữa, Tổng cục Hải quan sẽ cung cấp cho Cục Quản lý giá về số lượng và giá của casc loại nguyên liệu sữa gồm: bột gầy, nguyên kem (sữa bột toàn phần), bột béo, bột whey, bột sữa nước để làm cơ sở tính toán giá sữa ngoại nhập khẩu.

 Phương Thúy

>> Sữa Enfakid A+ có bọ giá rẻ hơn bình thường?

>> Hoảng với sữa bột Hà Lan, New Zealand giá 50.000 - 60.000 đồng/kg

>> Sữa đắt có thực sự tốt?