Doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa 10 năm vẫn chưa lên sàn là do nhóm lợi ích

02/11/2016 07:29
PGS.TS Phạm Quý Thọ
(GDVN) - Đó là nhận định PGS.TS Phạm Quý Thọ trước việc nhiều doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa gần 10 năm nhưng vẫn né lên sàn.

Tín hiệu tích cực của thị trường trước việc cổ phiếu BHN của Tổng Công ty CP Bia –Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) chính thức giao dịch trên sàn UPCoM đã minh chứng: Niêm yết sàn chứng khoán để thị trường quyết định giá trị cổ phần doanh nghiệp là đúng.

Ngay khi mở cửa phiên giao dịch, đã có tổng cộng 2,4 triệu cổ phiếu BHN được đặt mua tại mức giá trần 54.600 đồng/cổ phiếu. Với mức tăng như trên, quá trình thoái vốn nhà nước sau khi lên sàn của Habeco sẽ mang lại hiệu quả cao, thu về cho nhà nước hàng tỷ đồng.

Thành công hiệu quả việc niêm yết sàn chứng khoán không phải bây giờ mới nói, vậy tại sao có doanh nghiệp cổ phần hóa gần 10 năm vẫn không lên sàn?

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Phạm Quý Thọ - Chuyên gia chính sách công đã có bài viết phân tích gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Thành công niêm yết sàn của Habeco sẽ thúc đẩy doanh nghiệp khác lên sàn - ảnh nguồn Habeco
Thành công niêm yết sàn của Habeco sẽ thúc đẩy doanh nghiệp khác lên sàn - ảnh nguồn Habeco

Bình phong "lo mất vốn" để né lên sàn

Danh sách doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa nhưng chưa chịu lên sàn trước khi có chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ có thể kể đến những cái tên như Sabeco, Habeco, Cienco 1, Cienco 4, Vinatex, Vietnam Airlines, Seaprodex, Tổng công ty Phong Phú...

Phải khẳng định, việc doanh nghiệp cổ phần hóa chậm lên sàn không phải Chính phủ thiếu những văn bản quy phạm pháp luật, thiếu sự chỉ đạo.

Trước đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 51/2014/QĐ-TTg (về một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước).

Mục 3 của quyết định này quy định rõ, kể cả với doanh nghiệp đã chính thức trở thành công ty cổ phần trước ngày quyết định này có hiệu lực thi hành (1/11/2014), đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo người đại diện phối hợp, đôn đốc doanh nghiệp hoàn tất việc thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết theo quy định trong thời hạn tối đa một năm kể từ ngày quyết định này có hiệu lực.

PGS.TS Phạm Quý Thọ - Chuyên gia chính sách công (nguyên Trưởng Khoa Chính sách công - Học viện Chính sách và Phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - Ảnh H.Lực.
PGS.TS Phạm Quý Thọ - Chuyên gia chính sách công (nguyên Trưởng Khoa Chính sách công - Học viện Chính sách và Phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - Ảnh H.Lực.

Như vậy, nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng không thực hiện niêm yết theo Quyết định 51, dù quyết định này đã có hiệu lực gần hai năm. Hơn nữa, vi phạm quy định về việc phải niêm yết không chỉ diễn ra ở cấp doanh nghiệp và người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà còn cả ở cấp đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, tức các bộ quản lý ngành, gồm cả Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp và UBND các tỉnh, thành.

Cụ thể, các bộ, ban và UBND đã không theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc triển khai niêm yết nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa trong thời hạn một năm kể từ ngày Quyết định 51 có hiệu lực.

Doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa 10 năm vẫn chưa lên sàn là do nhóm lợi ích ảnh 3

Nếu lên sàn 8 năm trước, tài sản Habeco đã tăng gấp 2 – 3 lần hiện nay

Doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa 10 năm vẫn chưa lên sàn là do nhóm lợi ích ảnh 4

Habeco lên sàn chứng khoán với mã HBN

Mỗi khi nói câu chuyện niêm yết lên sàn, đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, người được cử đại diện vốn nhà nước, cùng với lãnh đạo doanh nghiệp thường lấy lý do: “Lo mất vốn nhà nước”. Mà khi nói đến "mất vốn nhà nước" tức là tài sản nhà nước mất đi, tài sản chung rơi vào tay tư nhân… Với bức bình phong đó, việc niêm yết chậm trễ kéo dài.

Cần phải nhấn mạnh, khi niêm yết lên sàn chứng khoán, tài sản nhà nước vẫn ở đó, không mất đi mà đơn giản là mọi vấn đề được minh bạch.

Giá cổ phần doanh nghiệp được thị trường quyết định, khi đó doanh nghiệp quản trị tốt, sản phẩm tốt, giá sẽ đẩy lên. Ngược lại quản trị kém, sản phẩm kém tự khắc sẽ phải giảm.

Để thị trường quyết định thể hiện nền kinh tế thị trường. Khi thị trường quyết định, giá cổ phần mới tránh được lợi ích nhóm trong định giá cổ phần doanh nghiệp, tránh việc định giá thấp để thâu tóm doanh nghiệp. Nói cách khác, niêm yết không những không làm mất vốn mà còn đảm bảo an toàn vốn nhà nước. Giúp đẩy nhanh cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

Mở ra kênh đầu tư

Thành công bước đầu của cổ phiếu BHN trên sàn UPCoM là câu trả lời rõ nhất của thị trường. Có thể nói, giới đầu tư chờ đợi cổ phiếu của Habeco, Sabeco lên sàn từ rất lâu, việc BHN tăng kịch trần lên đến 40% chứng minh điều đó.

Nguyên nhân thị trường đón nhận cổ phiếu BHN đến từ việc sản phẩm, thương hiệu cũng như thị phần của Habeco trên thị trường.

Có thể nói, ở miền Bắc Habeco độc tôn về thị phần bia. Ngoài việc sở hữu chi nhánh bia, Habeco còn sở hữu tài sản khác như bất động sản. Vì thế sức hấp dẫn cổ phiếu BHN là điều dễ hiểu.

Habeco niêm yết lúc này hội đủ điều kiện “Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa”. "Thiên thời" ở chỗ, Habeco niêm yết do chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, vì thế nhóm lợi ích trước đây ngăn cản lên sàn sẽ không còn tác động đến quá trình này nữa.

“Địa lợi” bởi hiện dòng tiền trên thị trường đang khá lớn trong khi các kênh đầu tư như bất động sản thậm chí tín dụng không khả quan. Người dân cần kênh đầu tư mới, đảm bảo an toàn vốn và lợi nhuận. Habeco hội tụ đủ yếu tố, cổ phiếu mới lên sàn dễ dàng tiếp cận, thương hiệu sản phẩm Habeco đảm bảo lợi nhuận.

“Nhân hòa” là khi Habeco lên sàn, mọi vấn đề sẽ được minh bạch, lợi nhuận sẽ được trả đầy đủ cho nhà đầu tư. Vấn đề quản trị doanh nghiệp cũng minh bạch, doanh nghiệp không còn chỗ để đưa quan hệ, con cháu vào làm việc. Điều đó sẽ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Với các yếu tố trên có thể nói, dù là “tân binh” trên sàn chứng khoán nhưng Habeco sẽ không gặp rủi ro, do đó không lo mất vốn. Khi những doanh nghiệp như Habeco lên sàn chỉ có những nhóm lợi ích là tiếc nuối.

PGS.TS Phạm Quý Thọ