Doanh nhân Việt "tự xử" thế nào nếu là Đặng Lê Nguyên Vũ?

18/05/2011 01:01
(GDVN) - Các doanh nhân thành đạt tại Việt Nam thẳng thắn bày tỏ quan điểm nếu đặt họ vào tình huống như hiện nay của ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

(GDVN) – Sẽ khiêm tốn hơn trước khi đánh giá, nhìn nhận về bản thân mình; sẽ im lặng để mọi người tự phán xét hoặc sẽ lên tiếng giải thích công khai với báo chí về vấn đề đang gây tranh cãi xung quanh cuốn sách được dư luận chú ý… đó là cách các doanh nhân Việt "xù lông" khi đặt mình vào tình huống của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên, người đang trwor thành tâm điểm bình luận trong những ngày qua.

>> Doanh nhân số 1 Việt Nam, anh là ai?

>> Dư luận đang phê phán NXB, nhóm biên soạn hay ông Vũ?

>> Tác giả sách vĩ nhân "miễn bình luận" ý kiến của ông Đào Trọng Thi

Vĩ nhân luôn khiêm nhường


Với tư cách như người bạn của TGĐ Cà phê Trung Nguyên, đồng thời hoạt động trong lĩnh vực xuất bản sách, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Thái Hà Books - đưa ra 2 tình huống xử lý có thể xảy ra.

h
TGĐ Thái Hà Books: "Có thể đây chưa phải là thời điểm để Đặng Lê Nguyên Vũ tuyên bố ý kiến của mình”.
“Nếu là tôi, có thể tôi sẽ “phản pháo” ngay lập tức. Tôi lên tiếng để đính chính các thông tin, những ý kiến trái chiều gây bất lợi tới doanh nghiệp cũng như thanh danh của cá nhân mình”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, cũng còn một cách khác để “đối phó” trong trường hợp này là: Mặc kệ báo chí đưa ra các góc nhìn khác nhau và chính bạn đọc, trong đó có các doanh nhân cũng như giới trí thức, sẽ xem xét, nhìn nhận đúng – sai về con người thật của mình. Bạn đọc là người đủ trí tuệ để quyết định xem ai đúng ai sai trong việc xuất bản cuốn sách. Họ cũng là người tự kết luận về việc ông Vũ có xứng đáng hay không khi nằm trong 14 nhân vật của “Tài năng và Đắc dụng”.

Tuy nhiên, là một người khá am hiểu tính cách của Đặng Lê Nguyên Vũ - giám đốc Thái Hà Books Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra suy đoán thứ 3: “Có thể anh Vũ đang suy nghĩ và sẽ lựa chọn một tờ báo duy nhất đủ tin tưởng để phát ngôn, đưa ra tiếng nói chính thức của mình thông qua tờ báo đó. Nếu tôi là anh Vũ, tôi sẽ chỉ trả lời duy nhất một báo, bởi lẽ, nếu báo nào cũng trả lời, sự thật có thể dễ bị bóp méo hoặc thông tin bị lợi dụng theo các cách thức khác nhau. Tuy nhiên, người đứng đầu Công ty sách Thái Hà cũng không quên nhấn mạnh: “Có thể đây chưa phải là thời điểm để Đặng Lê Nguyên Vũ tuyên bố ý kiến”.

Trong khi đó, với Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ của một công ty Bất động sản lớn tại Hà Nội, đồng thời là một diễn giả rất nổi tiếng, ông Nguyễn Văn C. (xin được giấu tên) nhận định: Đây là một đề tài khá nhạy cảm, bởi nó liên quan tới “vấn đề lịch sử, văn hóa truyền thống của Việt Nam nên cần phải xem xét cẩn thận”. Theo ý kiến của ông C., Đặng Lê Nguyên Vũ nên lên tiếng vì “nhiều khi im lặng là đồng ý”. Ngoài ra, ông Vũ cũng phải có phần trách nhiệm trong việc này.

Ông C. lý giải: “Ban biên soạn cuốn sách, những người đề cử dù họ có xem xét lựa chọn ở tư cách cá nhân, thiên vị ông Vũ như thế nào nhưng đó cũng phải là ý kiến của chủ nhân ấy. Nếu cảm thấy mình còn quá nhỏ bé so với vận mệnh của đất nước, anh sẽ có thái độ ứng xử phù hợp với lòng dân”.

Từ “dân” được nhắc tới ở đây, theo ông C bao gồm cả các vị giáo sư, tiến sĩ, những nhà yêu nước có nhiều kỳ tích phấn đấu, thậm chí cả những người tù trở về làm lại cuộc đời, những người lầm lỡ nhưng biết hi sinh cho người khác, và có cả những người nghèo từ hai bàn tay trắng gây dựng cơ nghiệp và trở thành huyền thoại trong lòng công chúng, hoặc phải kể tới cả những người không ngành, không nghề, không học hành trường lớp nhưng đã chế tạo ra các máy móc phục vụ cho nhân dân. “Có rất nhiều người tài giỏi, giỏi một cách thực sự như giáo sư toán học Ngô Bảo Châu, hay các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như Đặng Thái Sơn,… họ đều rất khiêm nhường", ông C. cũng nói thêm: “Ở Việt Nam có 1.000 năm lịch sử, ở mỗi thời đại đều có những người anh hùng của dân tộc, nếu thực sự họ giỏi hoặc có công với đất nước, được lòng dân chúng thì sẽ được trân trọng lập bàn thờ hoặc phải được tạc tượng”.

Cũng đồng tình với quan điểm trên, ông Vũ Vĩnh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - nhắn nhủ: Các doanh nhân thành đạt thời hiện đại nên khiêm tốn hơn, bởi lẽ “cái tâm, cái đức phải hơn cái tài. Tâm ở trên tài nếu không sẽ dễ bị thỏa mãn và chủ quan", “danh hiệu thì ai cũng thích nhưng bao giờ cũng có mặt trái của nó”. Hơn nữa, chặng đường của các bạn trẻ còn rất nhiều gian nan, thử thách, “40 – 50 tuổi chưa thể nói lên điều gì”.

“Bác Hồ vẫn luôn dạy phải nên khiêm tốn. Bác cả đời cũng chỉ dám nhận mình là học trò nhỏ của nhân dân. Cho nên, theo tôi xếp Đặng Lê Nguyên Vũ cạnh các vĩ nhân, nhất là những nhà lỗi lạc thế giới là không ổn. Do đó, không nên đặt ngang hàng mà chúng ta phải tiếp tục theo dõi, nâng đỡ, bồi dưỡng, nghe ngóng thậm chí là kiểm tra. Vì thực tế cho thấy, có những anh hùng về sau vẫn phải đi tù, do đó, một cuốn sách lưu truyền muôn đời nên phải hết sức thận trọng”, Ông Phú không quên nhấn mạnh.

Đặt ông Vũ cạnh vĩ nhân: Sẽ làm thui chột một tài năng?

Vừa qua, xung quanh cuốn sách “Tài năng và đắc dụng”, báo chí đã ghi nhận nhiều đánh giá thẳng thắn của các chuyên gia trong ngành. GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục -Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, trước đó là Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, trả lời báo Người Lao động đã khẳng định: “Đó không phải là một công trình khoa học”.

Ngoài ra, nói về việc tự thuật của Đặng Lê Nguyên Vũ, GS Đào Trọng Thi còn nói: “Tự mình viết về mình như một nhân tài đặt cạnh những nhân vật quá nổi tiếng là một cách làm rất không nên. Nếu là tôi, tôi sẽ không bao giờ làm vậy”.

a

Ông Vũ Vĩnh Phú: "Không được đem
cái tôi chủ quan của mình ra trong
khi suy tôn.

Báo Giáo Dục Việt Nam cũng từng đặt ra giả thiết: Nếu ông Vũ chỉ là một “nạn nhân” thì việc xếp ông Vũ cạnh các vĩ nhân là chủ ý riêng của ban biên tập. “Như vậy, việc làm này rất nguy hiểm. Người ngoài nhìn vào sẽ coi ông Vũ là tự cao, tự đại, tự thỏa mãn”, ông Vũ Vĩnh Phú nhận xét.

Theo ông Phú, những người thực hiện công trình này phải có cái tâm sáng, “không được đem cái tôi chủ quan của mình ra trong khi suy tôn. Phải có tâm trong sáng mới làm cho Đặng Lê Nguyên Vũ sáng, phải đánh giá đúng mức, không tô hồng lên và cũng không bôi đen xuống. Đưa nhân vật của mình vào sách bao giờ cũng phải mở đường cho Đặng Lê Nguyên Vũ đi lên, tiếp tục phục vụ đất nước, điều đó mới là quan trọng”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (Thái Hà Books) cho biết: Nếu chúng ta quá xoáy sâu vào phê phán Đặng Lê Nguyên Vũ có thể “làm nhụt chí một người doanh nhân tài năng và trẻ tuổi, gây ảnh hưởng tâm lý không tốt tới một người đang thành đạt, đang có những hòa bão lớn”.

“Trong trường hợp của cuốn sách “Tài năng và đắc dụng”, tôi vẫn cho rằng, Ban biên soạn đã làm việc chưa tốt, chưa cẩn thận, chưa làm kỹ. Ban biên tập cũng khá vội vã và chưa tính hết mọi khía cạnh của vấn đề dẫn đến sự thiếu khách quan. Tôi cho rằng đó là ý kiến rất chủ quan của một tác giả và các tác giả khác cũng đồng ý theo. Nếu đây là công trình nghiên cứu phải tìm hiểu cặn kẽ hơn, nghiên cứu kỹ lưỡng và có cơ sở khoa học. Tôi nghĩ lại và thấy tiếc rằng lẽ ra Ban biên soạn nên dựa vào nhiều nguồn khách quan khác nhau và phải có Hội đồng đánh giá” – ông Hùng nói. 

Thêm vào đó, lỗi thứ 2 theo Giám đốc Thái Hà Books thuộc về Nhà xuất bản: Đã không kiểm tra và xét duyệt kỹ trước khi xuất bản. “Tôi có nghe nói: lãnh đạo Nhà xuất bản hứa sẽ làm việc lại với nhóm tác giả, nhưng lẽ ra việc đó phải tiến hành từ trước đó, trước khi sách in ra, chứ không phải bây giờ khi bạn đọc và báo giới đã phát hiện ra", ông Hùng phát biểu.

Chính vì vậy, cũng như nhiều độc giả khác, ông Hùng hi vọng: “Trong chuyện này, mọi người hãy nhìn một cách khách quan và công minh, nên có thái độ tích cực hơn khi nhìn nhận vấn đề”. Và “việc quan trọng hơn cả bây giờ là làm sao để cùng với Đặng Lên Nguyên Vũ, giúp anh Vũ cắm lá cờ cà phê Việt Nam lên trên 100 nước chứ không chỉ hơn 50 nước như hiện nay”, ông Hùng nhấn mạnh.

Tiểu Phương

>> Dư luận đang phê phán NXB, nhóm biên soạn hay ông Vũ?

>> Tác giả sách vĩ nhân "miễn bình luận" ý kiến của ông Đào Trọng Thi

>> Người Tây Nguyên nói về ông Đặng Lê Nguyên Vũ

>> Người đề xuất ông Vũ vào sách “Tài năng và đắc dụng” nói gì?

>> TGĐ Trung Nguyên đứng chung cùng các vĩ nhân từ năm 2008?

>> TGĐ Trung Nguyên được vinh danh "vĩ nhân" theo tiêu chí nào?

>> Đặng Lê Nguyên Vũ xếp cạnh vĩ nhân: Một công trình được đánh giá tốt

>> "Tôi không tin Đặng Lê Nguyên Vũ bỏ tiền “đánh bóng” tên tuổi"

>> "Chủ biên xếp Đặng Lê Nguyên Vũ cạnh vĩ nhân là việc làm sai trái"

Loạt bài trên Báo Giáo dục Việt Nam về việc xếp Đặng Lê Nguyên Vũ bên cạnh các vĩ nhân trong cuốn sách "Tài năng và đắc dụng" đã tạo nên một làn sóng dư luận lớn, được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau: Chê - khen; đồng tình - bất bình. Mời Quý độc giả tiếp tục đóng góp ý kiến bằng cách gửi thảo luận hoặc bài viết về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc gõ vào ô ý kiến dưới đây. Trân trọng!