Độc quyền khiến giá xăng dầu bất minh

24/09/2011 08:35
Chính thế độc quyền chi phối thị trường của một vài "ông lớn" kinh doanh xăng dầu đã khiến đòi hỏi điều hành giá theo cơ chế thị trường trở nên phi lý.
Mâu thuẫn trong phát ngôn và điều hành giữa các cơ quan quản lý càng khiến giá xăng dầu trở nên khuất tất.

Phải phá thế độc quyền khi cơ chế thị trường

Như nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển trao đổi với VnEconomy ngày 23/9, việc yêu cầu đưa giá xăng dầu theo giá thị trường là không chuẩn mực trong bối cảnh hiện nay. Giá thị trường là hình thành trên cơ sở cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và xác lập nên giá, do đó có tác dụng kìm giữ giá. Trong khi ta hiện chỉ có một tập đoàn điện lực, và ba doanh nghiệp xăng dầu đầu mối chiếm đến 80% thị phần, thế thì làm thế nào mà thị trường được?

"Chính vì đặt vấn đề không đúng, nên mới dẫn đến lủng củng, ở chỗ doanh nghiệp đòi theo giá thị trường, còn Nhà nước thì can thiệp vào việc đó," ông Tuyển nói.

Cái lý mà các doanh nghiệp này đưa ra là Nghị định 84 đã ban hành ngày 15/12/2009 với cơ chế, khi nào giá đầu vào biến động 7% thì doanh nghiệp được phép tăng giá, từ 7-12% thì doanh nghiệp được bù 40% từ quỹ bình ổn, phần còn lại sẽ tăng giá và nếu đầu vào biến động trên 12%, Nhà nước sẽ can thiệp.

Sự đòi hỏi được quyền định giá này ngay lập tức đã bị một loạt các chuyên gia kinh tế tài chính và trực tiếp Bộ trưởng Bộ Tài chính phê phán gay gắt.

TS Ngô Trí Long bày tỏ: "Khi Petrolimex chiếm 55% thì còn là vị trí độc quyền và bất nước nào cũng không để cho doanh nghiệp độc quyền tự quyết giá. Hiện nay, không nước nào lại để doanh nghiệp định giá sản phẩm độc quyền nhất là sản phẩm chiến lược.

Chỉ khi nào thị trường có cấu trúc cạnh tranh mới cho thị trường. Nhà nước kiểm soát giá bằng định giá trực tiếp như giá trần hoặc giá sàn, tạo ra khung giá chứ không phải là cho doanh nghiệp định giá".
Giá xăng dầu lỗ hay lãi cần sớm được làm sáng tỏ.
Giá xăng dầu lỗ hay lãi cần sớm được làm sáng tỏ.

Theo vị chuyên gia kinh tế lâu năm về lĩnh vực giá cả này, tự do hóa giá cả không có nghĩa là mọi thứ Nhà nước đều để thị trường quyết định. Chúng ta cần xác định còn độc quyền thì buộc nhà nước phải tham vấn chuyên gia giỏi chứ không để doanh nghiệp qua mặt được.

Theo dõi lĩnh vực thông tin xăng dầu khá chặt chẽ, TS khoa học Nguyễn Thị Hiền đã có hẳn một bản phân tích tổng quan nhìn lại toàn bộ quá trình điều hành xăng dầu trong 10 năm qua. Bà Hiền bày tỏ, Nghị định 84 ra đời về lý thuyết là hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường xăng dầu và các doanh nghiệp được tự chủ xác định giá bán lẻ.

Nhưng vấn đề lùm xùm nổi lên ở chỗ, Nghị định 84 đã chưa xem xét đến vấn đề ưu thế độc quyền trong kinh doanh. Các doanh nghiệp đều có xuất phát điểm không như nhau, có sự chênh lệch lớn nhưng lại đưa về cùng một mặt bằng để cạnh tranh với nhau, dẫn đến doanh nghiệp mạnh càng có cơ hội chiếm lĩnh và thi phối thị trường, doanh nghiệp nhỏ thì nhìn doanh nghiệp lớn để kinh doanh trong khi các yếu tố đầu vào thua kém hơn.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền nhấn mạnh, trên danh nghĩa, Nghị định 84 có hiệu lực là chuyển xăng dầu sang kinh doanh theo cơ chế thị trường nhưng thực chất, cơ chế này chưa được thực hiện. Minh chứng rõ nét nhất là sự can thiệp mạnh vào điều hành giá, không cho doanh nghiệp điều chỉnh kịp thời, dẫn tới có thời kỳ lỗ 2500-3000 đồng/lít, khiến các doanh nghiệp lỗ nặng. Có thời điểm, mua xăng dầu ở nhà máy lọc dầu Dung Quất ra khỏi cổng nhà máy là lỗ ngay 2600-2800 đồng/lít”.

Thừa nhận những đánh giá khắt khe từ phía chuyên gia kinh tế, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, giá xăng dầu hiện có dấu ấn can thiệp mạnh của Nhà nước. Ông Thỏa cho biết việc điều hành giá như thế chỉ là tình thế, làm khó khăn cho sản xuất kinh doanh xăng dầu và làm cho hệ thống giá xăng dầu không phản ánh đúng thị trường.

"Vì lạm phát cao, nếu để giá xăng dầu tăng liên tục theo thế giới thì phải có sự can thiệp của Nhà nước. Việc này không vi phạm Nghị định 84, vì đây là thời điểm kinh tế vĩ mô bất ổn", ông Thỏa nhấn mạnh.

Mê hồn trận cách tính lỗ lãi xăng dầu

Cho tới thời điểm này, có tới 3 số liệu về giá xăng dầu được công bố khiến cho dư luận càng thêm mơ hồ về việc tính giá xăng dầu vốn đã thiếu minh bạch.

Nguồn thứ nhất là con số lãi tới 780 đồng/lít xăng vào thời điểm 26/8 do trực tiếp bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ công bố tại hội thảo và sau đó, tiếp tục được Cục phó Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn khẳng định. Cũng ngay trong chiều ngày diễn ra hội thảo về xăng dầu 20/9, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu, Bộ Tài chính đã ký ngay quyết định đi kiểm tra giá nhập xăng dầu, giá vốn của 4 doanh nghiệp đang chiếm thị phần áp đảo 90% trên thị trường.

Nguồn thứ hai là trực tiếp Tổng giám đốc Tổng công ty xăng dầu Việt Nam cho hay, mức lãi dựa trên giá vốn thực sự tại đơn vị chỉ là lãi 219 đồng/lít xăng và sau khi giảm giá, đã chuyển sang lỗ 135 đồng/lít.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, các số liệu dùng để điều hành giá xăng dầu từ khi có Nghị định 84 trong 2 năm qua là dựa trên bảng giá cơ sở do Liên bộ Tài chính- Công Thương ban hành hàng ngày. Trong đó, có khoản cứng là thuế, phí, chi phí định mức kinh doanh xăng dầu, phí trích Quỹ bình ổn... cũng là do bộ Tài chính quy định.

Soi lại bảng giá cơ sở xăng dầu vào trước 21h ngày 26/8/2011 thì lại thấy, mức chênh lệch âm 178 đồng, tương ứng mức giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ 1% đối với xăng A92. Nếu trừ đi lợi nhuận định mức 300 đồng thì bảng giá này cho thấy, mỗi lít xăng chưa giảm giá còn lãi 122 đồng.

Chia sẻ với PV, một quan chức trong liên bộ này đã tiết lộ, sở dĩ bảng giá cơ sở do chính Liên Bộ ban hành lại không ra kết quả lãi lớn đến thế là bởi, số lãi 780 đồng/lít xăng dầu ấy là giá tạm tính trên cơ sở giá của Hải quan cung cấp. Tuy nhiên, khi người đưa ra thông tin này chính là vị nguyên Tổng kiểm toán Nhà nước có 10 năm làm việc trong ngành này, am hiểu tường tận những góc khuất tài chính doanh nghiệp, là Bộ trưởng bộ Tài chính cùng với khẳng định mạnh mẽ "tôi xin chịu trách nhiệm cá nhân về việc giảm giá" thì thông tin này được cho là đáng tin cậy nhất.

Điều này càng cho thấy, góc khuất của giá xăng bấy lâu vẫn chưa được sáng tỏ. Những sự phản pháo, phủ quyết ý kiến của nhau và những tuyên bố liên quan đến lỗ lãi, gian lận của nhà quản lý càng chứng minh, sự rối rắm, bất minh trong kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp, phải chăng cũng có nguyên nhân từ chính việc các nhà quản lý Nhà nước về xăng dầu còn mâu thuẫn với nhau.

Con số phải đi đôi với giải trình


Bình luận về việc này, TS Nguyễn Minh Phong, người trực tiếp dự hội thảo hôm 20/9, cho rằng như các số liệu liên quan đến quản lý Nhà nước về xăng dầu rõ ràng là chưa đầy đủ, chưa cập nhật và chưa thống nhất.

"Tôi không nói đó là con số chính xác bởi, nó chính xác tới đâu cũng phải chờ kiểm toán xác minh, kết luận. Tuy nhiên, gắn liền với các con số đó thì trách nhiệm giải trình lại chưa thực sự đầy đủ," ông Phong nói.

Chẳng hạn như việc Petrolimex thường xuyên kêu lỗ nhưng tới khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lại báo lãi. Hay việc TGĐ Petrolimex thừa nhận thời điểm giảm giá xăng gần đây nhất ngày 26/8, kinh doanh xăng dầu vẫn lãi, có mặt hàng lãi tới hơn 440 đồng/lít. Trong khi chỉ một ngày trước đó, tại cuộc hội thảo nảy lửa, đại diện Bộ Công thương lại cho rằng đang lỗ và "không hiểu Bộ Tài chính nghĩ gì khi quyết định giảm giá xăng dầu".

Vì thế, người dân vẫn chờ đợi hai bộ quản lý và các doanh nghiệp công khai cách tính lỗ, lãi và giải tỏa những khúc mắc bao trùm thị trường xăng dầu bấy lâu.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh bày tỏ, việc Bộ trưởng Tài chính mở một đợt kiểm tra đột xuất tại các doanh nghiệp đầu mối là làm theo đúng chức năng của Bộ Tài chính. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý sẽ làm rõ nguyên nhân vì sao lỗ, có phải như doanh nghiệp nói kinh doanh lỗ là bởi bị Nhà nước áp đặt giá bán, không cho tăng giá hay không.

Về nghiệp vụ, bóc tách lỗ, lãi của doanh nghiệp không khó vì đi kiểm tra đều là "dân tài chính". Việc kiểm tra dựa vào sổ sách kinh doanh của doanh nghiệp, có đối chiếu với số liệu hải quan, thuế ... đều là nghiệp vụ của ngành tài chính. Về khối lượng công việc cũng không lớn và không quá phức tạp vì đã được khoanh lại thời điểm nhất định.

Tuy nhiên, nói thêm về công thức tính giá cơ sở, một yếu tố mấu chốt để tăng hay giảm giá thời gian qua, TS Vũ Đình Ánh thẳng thắn, minh bạch giá xăng dầu nhưng tính theo công thức phức tạp như hiện nay thì những người soi giá có khi như nhìn vào bức vách. Để tính giá bán lẻ xăng dầu quá phức tạp, có nhiều thành phần mang tính chất biến động. Ngay cả việc tính giá thế giới nhập khẩu theo giá tại thị trường Singapore cũng chưa chuẩn mà phải áp dụng ngay giá hải quan.

Nếu cơ quan quản lý Nhà nước tự tính giá, trên cơ sở đó ban hành khung giá trần, giá sàn để doanh nghiệp bán theo có thể là phương án thích hợp hơn, ông Ánh nói.

Theo vef.vn