Dồn dập thông tin thực phẩm bẩn, kinh doanh hàng nhập ế ẩm

13/06/2011 00:12
(GDVN) - Phố Hàng Buồm nổi tiếng với các loại hóa chất, phụ gia thực phẩm vốn đông đúc hàng ngày, tuy nhiên cuối tuần qua không còn cảnh chen chân mua hàng...

(GDVN ) - Phố Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - nổi tiếng với các loại hóa chất, phụ gia thực phẩm vốn đông đúc, đặc biệt là vào những ngày cuối tuần. Tuy nhiên, có mặt tại khu vực này vào chiều thứ 7 vừa qua, cảnh chen chân mua hàng hầu như không còn.

>> Người tiêu dùng Việt "xanh mặt" vì thực phẩm ngoại chứa độc chất

>> TP.HCM: Phát hiện gần 1 tấn mỡ hôi thối chuẩn bị chế thành dầu ăn

Sau hàng loạt các vụ việc phát hiện chất phụ gia độc hại trong nước giải khát, thạch rau câu, siro, kẹo xốp... đến rau quả xuất xứ từ châu Âu nhiễm khuẩn E.coli hay hàng loạt hóa chất ngâm tẩm, "phù phép" thực phẩm rúng động thị trường, người tiêu dùng Việt Nam trở nên cẩn trọng, e dè hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm từ đồ ăn, thức uống đến cả hàng hóa thiết yếu cho gia đình mình.

Cảnh giác thực phẩm không rõ nguồn gốc

Những ngày qua, mặt dù nắng nóng gay gắt nhưng các hàng trà sữa trên phố Giảng Võ (Đống Đa, Hà Nội) khá vắng vẻ. Lý giải điều này, chị M, chủ một quán trà sữa tại đây, cho biết: Một phần do vừa nghỉ hè, đa số học sinh ở nhà nhưng cái chính là khách hàng vào quán ít gọi trà sữa trân châu hơn, thay vào đó là các loại nước ép trái cây. "Sau một loạt thông tin về nguyên liệu làm trà sữa có xuất xứ từ Đài Loan, Trung Quốc có chứa các chất phụ gia độc hại, khách hàng cũng dường như quay lưng với món thức uống này. Nếu cách đây 2-3 tháng, mỗi ngày hàng của tôi bán được 40-50 cốc trà sữa thì những ngày qua, lượng bán chỉ tầm 15-20 cốc".

a
Người tiêu dùng e dè hơn với món đồ uống khoái
khẩu trà sữa trân châu do nguyên liệu phần lớn không
rõ nguồn gốc hoặc xuất xứ từ Trung Quốc.
Phố Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - nổi tiếng với các loại hóa chất, phụ gia thực phẩm vốn đông đúc, đặc biệt là vào những ngày cuối tuần. Tuy nhiên, có mặt tại khu vực này vào chiều thứ 7 vừa qua, cảnh chen chân mua hàng hầu như không còn. Theo ghi nhận của những người bán, khách hàng “trung thành” của họ bây giờ chủ yếu là các chủ quán cơm, quán giải khát, những người làm ăn kinh doanh – buôn bán về đồ ăn, thức uống, “chứ người mua trực tiếp về dùng rất hiếm”.

Cô Thu Thủy (trạc gần 50 tuổi, phố Mã Mây) cho hay: Từ lâu rồi, khi đi chợ mua thức ăn hằng ngày cho gia đình, cô không mua kèm bất cứ phụ gia thực phẩm nào. “Tôi thường mua xương để nấu cùng rau để tạo độ ngọt cho canh thay vì dùng mỳ chính, hạt nêm, thường sốt thêm cà chua tạo màu đỏ bắt mắt thay vì dùng thực phẩm màu”, cô Thủy chia sẻ.

Sau hàng loạt thông tin về các vụ việc chất phụ gia hô biến thịt lợn thành thịt bò bị phanh phui tại Trung Quốc, người tiêu dùng Việt càng có thêm nhiều lý do e ngại với các món ăn đường phố hay tại các nhà hàng, các quán cơm bình dân và nói không với thực phẩm chế biến sẵn,  các phụ gia không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt là từ Trung Quốc. Trong khi đó, nhận định thị trường Trung Quốc, tờ Nhân dân nhật báo ngày 9/5/2011 đã có bài viết phản ánh tình trạng đi đâu cũng gặp thực phẩm có chất phụ gia, từ bánh bao cho tới mì tôm. Bài viết khẳng định, thực phẩm sử dụng chất phụ gia phải lên tới hàng chục ngàn loại, chiếm 90% các mặt hàng thực phẩm ở đất nước này.
a
Sau hàng loạt vụ bê bối về phụ gia thực phẩm ở TQ, không ít
bà nội trợ đã 'nói không" với loại hóa chất tiềm ẩn nguy cơ này.
(Nguồn: Ảnh Internet).
Đại diện Trung tâm khống chế và dự phòng bệnh tật Trung Quốc cũng nhận định: sử dụng chất phụ gia trong thực phẩm phải đúng cách và dù chất phụ gia có trong danh mục cho phép nhưng nếu sử dụng quá liều lượng cũng sẽ gây hại. Ví dụ như chất phụ gia ammonium nitrite vẫn thường được sử dụng trong chế biến thịt nhưng nếu dùng quá liều, khả năng người sử dụng mắc phải ung thư là rất cao.

Nguy hiểm hơn, hiện nay một số chất phụ gia trong thực phẩm chưa được đánh giá mức độ an toàn mà chỉ là các chất hóa học được phòng thí nghiệm xác nhận “độc tính chưa xác định”. Ví dụ như chất tăng trọng clenbuterol. Tại Việt Nam, các chất phụ gia vẫn được các ông chủ, bà chủ các quán cơm, nhà hàng ưa thích và thường xuyên lựa chọn. Vì thế, thay vì mua sẵn thức ăn ngoài phố, trong bối cảnh kinh tế thị trường lạm phát, tiết kiệm chi tiêu, nhiều bà nội trợ đã chăm chỉ đi chợ hơn, lo toan hơn cho bữa ăn gia đình mình.

Ngay bản thân những người bán rau tại chợ cóc khu vực Ngã Tư Sở (Hà Nội) cũng tỏ ra bất bình trước thực trạng bẩn, độc hại, kém chất lượng của thực phẩm, trong đó có thực phẩm Trung Quốc. Chị Vân, tiểu thương buôn bán nhỏ tại chợ Hoàng Văn Thái lắc đầu cho biết: Chị đã không mua – bán rau, củ, quả của Trung Quốc từ lâu rồi. Chị luôn quán triệt tinh thần với ông xã, Việt Nam mình có hàng gì thì dùng nấy, không có thì thôi.

Không chỉ “nói không” với thực phẩm độc hại, các bậc phụ huynh cũng dần cảnh giác hơn khi chọn mua đồ chơi cho con cái của mình.

a
Các bậc phụ huynh đã cân nhắc hơn khi lựa chọn đồ chơi TQ
cho con em mình.

Phố Lương Văn Can với hoàng loạt các loại đồ chơi Trung Quốc đủ chủng loại, đa dạng, phong phú đã trở nên vắng vẻ, thưa thớt trong những ngày hè này. Hỏi chuyện bà bán hàng bên đường, phóng viên Giáo Dục Việt Nam được biết: Thị trường đồ chơi thời điểm này rất vắng, kinh doanh rất ế ẩm do nhiều lý do như: học sinh nghỉ hè; nắng nóng, bố mẹ ít cho ra ngoài đường; lạm phát của kinh tế thị trường, hàng hóa đắt đỏ mà một nguyên nhân mà gần đây càng lúc càng thể hiện rõ theo bà chính là thói quen dần thay đổi của người tiêu dùng Việt.

“Thay vì chọn đồ chơi Trung Quốc rẻ tiền, nhiều bậc phụ huynh đã sẵn sàng mua cho con những loại đồ chơi thông minh “made in Vietnam” được làm thủ công từ gỗ dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân Việt. Mặt hàng này thời gian gần đây bán khá chạy”, người bán hàng này nhận xét. 

Hàng Việt chiếm 95% trong siêu thị

Hiện nay, tại các siêu thị thực phẩm, lượng hàng xuất xứ từ Trung Quốc đã chiếm thị phần rất ít, có tới 95% hàng hóa là sản phẩm của doanh nghiệp thuần Việt. Sau một năm thực hiện “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hành vi mua sắm của người Việt đã có những biến chuyển tích cực. Theo số liệu mới nhất được đưa ra tại hội nghị sơ kết Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động cho biết: Trước đây, có đến 77% người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng thương hiệu nước ngoài nhưng hiện tại, 59% người tiêu dùng xác định sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Cùng hưởng ứng phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và nhằm cùng nhà sản xuất tìm lối ra cho sản phẩm nội, chiếm lĩnh thị trường trong nước, siêu thị BigC liên tục tổ chức các buổi hội thảo để tìm giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất địa phương. Vừa qua, sau 4 lần hội thảo, Big C đã bắt tay hợp tác với tổng cộng trên 90 nhà sản xuất vừa và nhỏ tại các tỉnh thành Huế, Vinh, Nam Định với tổng trị giá các hợp đồng ước tính khoảng 100 tỉ đồng. Tại cuộc hội thảo diễn ra vào đầu tháng 6/2011 tại Huế, đại diện trung tâm thu mua Big C đã ký hợp đồng thu mua và cam kết thu mua với 9 nhà sản xuất địa phương để cung ứng rau, củ, quả, thịt, cá, bánh, gia vị, trà…  cho siêu thị Big C với trị giá hàng hóa ước tính khoảng 9 tỉ đồng.

1
95% hàng hóa trong siêu thị là hàng Việt Nam, chỉ một số ít hàng
gia dụng được nhập về từ Trung Quốc.
Một số rất ít các nhãn mác Trung Quốc còn tồn tại trong các siêu thị Hà Nội ngày nay chủ yếu là hàng gia dụng. Trao đổi với phóng viên giaoduc.net.vn, ông Lê Quang Vũ – Tổng Giám đốc siêu thị điện máy Media Mart khẳng định: Hiện tại, ở Media Mart, hàng Trung Quốc không nhiều, chỉ tồn tại một vài nhãn hàng gia dụng.

Đại diện truyền thông của BigC Thăng Long (Trần Duy Hưng, Hà Nội) cũng thông báo: Hiện tại, lượng hàng Trung Quốc tại BigC không đáng kể. Với tư cách là nhà bán lẻ, nhiệm vụ của BigC là phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng, chọn lựa hàng hóa như thế nào, BigC hoàn toàn tôn trọng sự lựa chọn đó. 

Trong khi đó, về phía chuỗi siêu thị Fivimart, trả lời phỏng vấn báo Giáo Dục Việt Nam, bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc nhận định: Hiện tình hình kinh doanh một số mặt hàng Trung Quốc vẫn ổn định bởi lẽ, về cơ bản, đồ gia dụng ở Việt Nam khó cạnh tranh về giá cả, mẫu mã được với hàng của nước này.

Bài, ảnh:
Phương Hạ

>> Người tiêu dùng Việt "xanh mặt" vì thực phẩm ngoại chứa độc chất

>> TP.HCM: Phát hiện gần 1 tấn mỡ hôi thối chuẩn bị chế thành dầu ăn

>> Thêm cải bắp châu Âu “dính” khuẩn E.coli

>> Thu hồi hàng loạt sirô, kẹo xốp chứa độc chất DEHP

>> Người Hà Nội vẫn vô tư chén thạch rau câu độc

>> Kinh người thạch rau câu siêu rẻ "lợn ăn còn phải tiêu chảy..."