"Gạo giả chỉ là hoang tin"

05/10/2015 10:37
TS Nguyễn Văn Khải
(GDVN) - Trước những thông tin gạo giả làm từ nhựa, bột giấy... TS Nguyễn Văn Khải đã đưa ra những phân tích khẳng định đó chỉ hoang tin.

LTS: Những ngày qua thông tin một hộ dân ở TP.HCM sau khi mua gạo về nấu cơm thì phát hiện có hiện tượng bất thường, nghi là gạo nhựa.Tiếp đó trên mạng Internet xuất hiện thông tin về công nghệ sản xuất gạo giả từ bột giấy… những thông tin trái chiều này ngay lập tức khiến nhiều người dân lo lắng, ảnh hưởng đến ngành lúa gạo nói riêng và việc buôn bán của doanh nghiệp lúa gạo và tiểu thương.

Tuy nhiên gửi bài viết đến Báo Điện tử Giáo Dục Việt Nam, TS vật lý Nguyễn Văn Khải (người được biết với tên gọi khác là “ông già Ozone”) khẳng định: Gạo giả chỉ là hoang tin. 

Ngày càng có nhiều thông tin gạo giả từ các nguồn nguyên liệu khác nhau. Ảnh minh họa.
Ngày càng có nhiều thông tin gạo giả từ các nguồn nguyên liệu khác nhau. Ảnh minh họa. 

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin giới thiệu đến độc giả bài viết của TS Nguyễn Văn Khải: 

"Mấy hôm nay tôi nhận được rất nhiều điện thoại hỏi về gạo giả. Cách đây 4 năm tôi đã trả lời phóng viên Thông tấn xã Việt Nam rằng tin đồn có gạo giả bằng nhựa ở Việt Nam chỉ là hoang tin vì giá nhựa nguyên sinh có độ trong như hạt gạo với độ sạch cao giá đắt hơn giá gạo rất nhiều và công nghệ để làm ra hạt gạo phía trong có phôi màu đục hơn, có vết nứt nhỏ ở gần đầu đòi hỏi khuân mẫu phức tạp, quy trình sản xuất rất khó thực hiện.

Hôm nay lại có phóng viên kể rằng trên mạng có giới thiệu công nghệ sản xuất gạo giả từ bột giấy, làm thế nào để phân biệt được loại này với gạo thật. Chuyện này tôi đã được nghe và xem đoạn video clip ấy trên mạng.

Cứ nhìn kĩ sản phẩm của quy trình công nghệ này thì thấy ngay rằng đấy không phải là gạo mà là chỉ là các đoạn bột giấy bị cắt ngắn. Đem bỏ chúng vào nước và đun sôi thì chúng sẽ nở bung ra chứ không thể thành hạt cơm.

TS Vật lý Nguyễn Văn Khải khẳng định: "Tin đồn có gạo giả bằng nhựa ở Việt Nam chỉ là hoang tin"
TS Vật lý Nguyễn Văn Khải khẳng định: "Tin đồn có gạo giả bằng nhựa ở Việt Nam chỉ là hoang tin" 

Cũng có người đã bảo rằng có thể làm gạo giả bằng bột sắn. Nếu ai đã từng xem người ta làm bánh trôi, bánh chay thì sẽ biết rằng hạt cơm loại này không giống với hạt cơm nấu từ gạo. Trong khi đó có tờ báo đăng tải bài viết đưa thông tin rằng cơm bị nghi là nấu từ gạo giả ăn sượng sượng tức là loại cơm bị đăng lên báo không thể làm từ bột sắn hay bột khoai. 

Chi phí làm gạo giả đắt hơn gạo thật

Trao đổi trên An ninh thủ đô, ông Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (đại diện phía Nam) khẳng định: Việc làm gạo giả tương đối phức tạp, trong khi gạo thật ở Việt Nam vừa đa dạng về chủng loại, vừa rẻ, phổ biến ở tất cả các nơi thì việc làm gạo giả để bán cho người tiêu dùng là rất khó xảy ra.

"Chúng ta xuất khẩu 6-7 triệu tấn gạo mỗi năm. Do vậy, hoàn toàn không có việc sản xuất gạo giả để bán kiếm lời, vì chi phí sản xuất gạo giả đắt hơn gạo thật”, ông Dư nói. 

Trên thực tế, việc xác định gạo giả hay thật đã được các cơ quan nghiên cứu trong nước thực hiện từ năm 1985. 

Việc xác định rất dễ. Các cơ quan nhà nước có liên quan tới vấn đề này hãy đem số gạo trên tới các viện nghiên cứu xác định thành phần hóa học của chúng  bằng phép đo huỳnh quang, Xray – tia X. Chỉ trong vòng hai mươi phút sẽ biết đó có phải là gạo hay không.

Thành phần hóa học của gạo đã được biết từ lâu. Dù các loại gạo khác nhau sẽ có thành phần khác nhau một chút ít. Chúng đều có các thành phần là Kali, Photpho, Canxi , Natri, Magie, các loại vitamin … còn nhựa chỉ có Hydro, Cacbon, Clo.

Thực hiện phép đo ở các Viện nghiên cứu, với 100g vật liệu đem xét nghiệm mà không có Kali (khoảng 110mg) Photpho, (khoảng 90mg)... thì đấy không phải là gạo.

Với rất nhiều máy móc như vậy ở các Viện khoa học, các trường đại học hiện nay dễ dàng xác định “gạo giả” có thành phần hóa học gồm những nguyên tố nào. Từ đó có thể xác định đấy là nhựa hay là vật liệu nào.

Sau khi xác nhận gạo thật gạo giả các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cần công bố thông tin để người dân không hoang mang lo lắng, tránh ảnh hưởng việc kinh doanh buôn bán của doanh nghiệp lúa gạo và tiểu thương".

Ngay sau khi xuất hiện thông tin gạo giả bằng nhựa tại TP.HCM, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiquad), Cục Trồng trọt - đại diện phía Nam (Bộ NN&PTNT) ngay sau đó đã vào cuộc, tiếp cận mẫu gạo nghi là nhựa nói trên để kiểm tra.

Chiều 4/10, ông Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (đại diện phía Nam) khẳng định, qua kiểm tra, phân tích cho thấy: “Gạo này là gạo thật, không có chuyện gạo nhựa hay gạo giả như nghi vấn trước đó”.

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản người dân có thể kiểm tra, nhận biết gạo giả dễ dàng bằng hai cách: Cách thứ nhất, chỉ cần ngâm vào nước, dựa vào sự nổi chìm của hạt gạo là phân biệt được. Cách thứ hai, đó là ngâm vào nước khoảng vài tiếng sau đó xay hoặc nghiền, nếu là hạt gạo thật thì dễ dàng trở thành bột mịn và tinh bột.

Nếu là hạt nhựa hoặc cao su thì không thể. Ngoài ra, có thể đưa vào phòng kiểm nghiệm phân tích, để biết thành phần Amyloza và Amylopectin trong gạo.

PGS. TS Nguyễn Trường Luyện, Viện Vật lý kỹ thuật (ĐH Bách khoa Hà Nội), các vật liệu như nilon, nhựa hoàn toàn có thể làm được gạo giả. Song, chi phí đầu tư máy móc, nguyên vật liệu để sản xuất rất tốn kém và cần kỹ thuật cao.

TS Nguyễn Văn Khải