“Ghi nhầm” có vây cá, yến sào, bánh Vân Nam hét giá "khủng"

12/09/2011 08:37
 Các sản phẩm bánh nướng và bánh dẻo của nhà hàng Vân Nam đều ghi thành phần bao gồm có vây cá và yến sà và đương nhiên theo đó là giá bán cao ngất ngưởng.

Mặc dù không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu vây cá, yến sào (nguyên liệu cho sản xuất bánh trung thu) nhưng trên nhãn mác sản phẩm bánh trung thu của Nhà hàng Vân Nam lại ghi thành phần này. Chủ hàng giải thích đó là do… nhân viên dán nhầm!.

Sáng 10/9, Đoàn Thanh tra liên ngành số 1 về An toàn vệ sinh thực phẩm TP.Hà Nội đi kiểm tra cơ sở sản xuất bánh trung thu của Nhà hàng Vân Nam có địa chỉ tại số 27B phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã phát hiện một số vi phạm về nhãn mác.

Đó là vi phạm khi ghi nhãn mác chưa rõ ràng (chưa đúng quy cách), ngày sản xuất thì ghi trên vỏ bao bì, còn hạn sử dụng trên nhãn lại ghi: 20 ngày (với bánh dẻo) và 45 ngày (với bánh nướng). “Cách ghi này sẽ gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc đối chiếu xem sản phẩm còn hạn sử dụng hay không”, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Trưởng đoàn Thanh tra cho biết.

Bánh nướng vị dứa thơm cũng có ghi thành phần vây cá, yến sào
Bánh nướng vị dứa thơm cũng có ghi thành phần vây cá, yến sào


Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở đã trình được hóa đơn về nguồn gốc cung cấp một số nguyên liệu làm bánh nhưng đối với sản phẩm thịt gia súc, gia cầm (dùng làm nhân bánh) cơ sở sản xuất đã không xuất trình được giấy Chứng nhận kiểm dịch thú y, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu.

Đặc biệt, đối với các sản phẩm bánh nướng và bánh dẻo, trên nhãn nhiều sản phẩm có ghi thành phần bao gồm có vây cá và yến sào. Thậm chí, cả với bánh nướng nhân dứa thơm cũng có thành phần này.

Vây cá và yến sào vốn là 2 nguyên liệu quý hiếm, có giá trị dinh dưỡng cũng như giá trị kinh tế cao. Và đương nhiên, đã là bánh có chứa vây cá, yến sào quý giá như thế thì giá bán ra cao cũng là điều dễ hiểu.

Theo giá niêm yết tại tờ rơi giới thiệu sản phẩm của nhà hàng thì tùy theo từng sản phẩm, mức giá ở khoảng 430.000 - 3.150.000 đồng/hộp. Đối với sản phẩm có mức giá "khủng" nhất là 3.150.000 đồng/hộp được giới thiệu là có tới 50g yến sào.

Thế nhưng, khi không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của nguyên liệu yến sào, vây cá thì chủ nhà hàng, ông Phạm Đức Vinh lại đổ lỗi do nhân viên ghi… nhầm (!?). Mùa trung thu năm nay nhà hàng không sản xuất loại bánh có nguyên liệu này-ông chủ này cho biết.

Ông Kiều Đình Cảnh, Kiểm soát viên, Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội cho rằng, việc sản phẩm không có thành phần vây cá, yến sào nhưng lại ghi trên sản phẩm là hành vi gian lận thương mại. Đoàn thanh tra sẽ lấy mẫu kiểm tra, nếu sản phẩm không có thành phần như vậy thì sẽ xử lý căn cứ theo Nghị định 45/NĐ-CP ngày 6/4/2005 của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Mức độ xử phạt sẽ tùy theo mức độ vi phạm, số lượng bánh sản xuất ra như thế nào mà áp dụng cụ thể.

Theo biên bản kết luận của đoàn thanh tra thì ngoài việc không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc vây cá, yến sào, Nhà hàng Vân Nam có tờ rơi giới thiệu sản phẩm (quảng cáo sản phẩm) nhưng chưa xuất trình được hồ sơ quảng cáo.

Đoàn thanh tra đã lấy mẫu để phân tích các thành phần trong sản phẩm xem có đảm bảo hàm lượng, chất lượng như hồ sơ đăng ký hay không.

Từ đầu mùa bánh trung thu đến nay, không biết có bao nhiêu khách hàng đã mua, dùng sản phẩm bánh dẻo, nướng của Nhà hàng Vân Nam với mức giá không nhỏ.

Chắc hẳn, mỗi người khi bỏ ra số tiền không nhỏ cho mỗi sản phẩm có ghi thành phần yến sào, vây cá đều cảm thấy mỗi miếng bánh thêm phần giá trị; có khi ăn xong còn thấy người… khỏe hơn bởi bánh có 2 loại nguyên liệu quý. Hóa ra, sự phấn chấn ấy lại được tạo nên bởi tâm lý của người ăn. Người tiêu dùng đã phải bỏ ra số tiền với giá trên trời để thưởng thức loại bánh có nguyên liệu… ảo.

Với hành vi vi phạm này cơ quan chức năng cần làm rõ và có mức xử phạt thích đáng để người tiêu dùng được bảo vệ tốt hơn và phải trả lại tiền cho người tiêu dùng đã mua. Bởi lẽ, mỗi người khi đi mua thực phẩm, bánh kẹo chỉ có thể căn cứ vào những thông tin ghi trên nhãn mác, theo thương hiệu sản phẩm (2 yếu tố này tại nhà hàng đều đã có) chứ không có điều kiện và không thể mang thiết bị xét nghiệm đi xem có đúng, đủ thành phần hay không rồi mới mua.

Ngoài việc cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn cần tăng cường quản lý hơn nữa để doanh nghiệp, đơn vị sản xuất thực hiện đúng thì cũng cần đến cái tâm của người làm kinh doanh. Không thể để gian lận thương mại gây thiệt hại cho khách hàng.

Theo Pháp luật xã hội