Giá “mềm” + khuyến mãi, tour nước ngoài hút khách dịp 30/4

16/04/2011 14:47
Các dịp nghỉ lễ năm nay, thay vì chọn các tour nội địa thì các điểm đến trong khu vực châu Á được khách Việt lựa chọn do giá tour thấp, chất lượng dịch vụ ổn định...

Mặc dù "bão" giá, các công ty du lịch vẫn dự báo nhu cầu khách đi du lịch sẽ tăng khoảng 25- 30% trong các dịp nghỉ lễ. Tuy nhiên, thay vì chọn các tour nội địa thì các điểm đến trong khu vực châu Á năm nay được khách Việt lựa chọn do giá tour thấp, chất lượng dịch vụ ổn định, thuận lợi cho việc mua sắm, nghỉ ngơi, vui chơi, thủ tục thuận tiện...

Giá tour nước ngoài rẻ hơn trong nước?

Đến thời điểm này, khi dịp nghỉ lễ 30/4- 1/5 còn nửa tháng nữa, một số tour đi nước ngoài của các công ty lớn đã ngừng đón khách vì lượng đăng ký quá đông.

Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, đại diện của Công ty du lịch Vietravel, nhu cầu đi nước ngoài của khách du lịch Việt thể hiện khá rõ với mức tăng 30-40% so với năm trước. Giá các tour nước ngoài năm nay được các công ty giữ nguyên hoặc chỉ điều chỉnh tăng khoảng 10% (sau khi giá xăng dầu tăng hồi tháng 2/2011). Vietravel dự kiến đón 19.000 khách trong dịp 30/4- 1/5, đến nay đã có hơn 15.000 khách đăng ký.

Giá tour nước ngoài rẻ hơn trong nước? (Ảnh:nkh287 - phuot.com)

Nhiều công ty du lịch cho biết: Khi xây dựng tour đã phải rất căn cơ để điều chỉnh tăng ở mức thấp nhất, nhằm đưa ra giá hấp dẫn, thu hút du khách. Dù vậy, giá tour trong nước vẫn cao hơn nhiều giá tour nước ngoài. Riêng về giá, tour trong nước đã khó cạnh tranh với tour nước ngoài, chưa nói đến sự chuyên nghiệp trong khai thác du lịch ở các điểm đến du lịch nước ngoài. Giá tour hiện được các công ty du lịch chào bán từ TP.HCM đi Campuchia 4 ngày - 3 đêm, khách sạn từ 3 - 5 sao, giá 3,2 - 4,2 triệu đồng/người. Tour đi Thái Lan 5 ngày - 4 đêm, khách sạn 3 - 4 sao, giá 6,2 - 6,6 triệu đồng/người... Trong khi đó, TP.HCM đi Hà Nội - Ninh Bình - Hạ Long - Bắc Ninh, 4 ngày - 3 đêm, giá 8,6 - 9,3 triệu đồng/người. Tour đi Phú Quốc, 3 ngày - 2 đêm, khách sạn 3 - 4 sao, giá 7,5 triệu đồng/người....

Các tour nước ngoài như đi Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia, Singapore, Malaysia... vẫn hút khách nhất. Hầu hết các thị trường đều ổn định. Chỉ có thị trường Nhật Bản hoặc những tour nối Nhật Bản với châu Âu, Hàn Quốc là bị ảnh hưởng do động đất, sóng thần hồi tháng 3 ở nước này.

Một số thị trường trong khu vực châu Á vẫn đang tung ra các chương trình giảm giá mạnh, các chiến dịch bán hàng giảm giá, quà tặng, phần thưởng hấp dẫn để thu hút khách nước ngoài. Đặc biệt là giá dịch vụ vận chuyển, ăn nghỉ và giá cả chung ở các thị trường nước ngoài không tăng, các đối tác ổn định nên tour nước ngoài được nhiều khách lựa chọn hơn. Cơ cấu khách cũng đã thay đổi, từ 40% tổng lượng khách lựa chọn đi nước ngoài, 60% khách đi du lịch trong nước ở những năm trước nay tỉ lệ khách đi nước ngoài so với đi du lịch nội địa đã đổi thành 6/4. Các công ty du lịch cũng thích làm tour đưa khách đi nước ngoài (outbound) hơn vì ổn định, không phải tính toán nhiều mà vẫn có lãi.

Đau đầu vì giá nội địa tăng cao

Các công ty du lịch nội địa hiện nay đang phát hoảng lên vì giá cả trong nước thay đổi quá lớn. Giá tour du lịch nội địa hiện đã tăng khoảng 30-50% do giá đầu vào (vé máy bay, điện, xăng dầu, lương thực thực phẩm) tăng quá cao khiến giá các dịch vụ vận chuyển, nhà hàng, khách sạn đều tăng đến mức nhiều công ty du lịch bối rối, không biết phải làm thế nào để vừa bán được tour, vừa thu hút được khách mà lại không bị lỗ.

Một số thị trường trong khu vực châu Á vẫn đang tung ra các chương trình
giảm giá mạnh, các chiến dịch bán hàng giảm giá, quà tặng,
phần thưởng

 hấp dẫn để thu hút khách nước ngoài.

 

Thậm chí, các công ty dự báo, giá hiện nay khó duy trì được đến ngày nghỉ lễ mà sẽ tiếp tục tăng vì giá thị trường, giá đầu vào trong nước vẫn tăng. Trong khi đó, người dân vẫn chưa có thói quen đặt tour, đặt dịch vụ trước nên chắc chắn không tránh khỏi tình trạng vỡ hợp đồng (chấp nhận chịu phạt khi phá hợp đồng nếu bán được giá cao hơn), găm hàng ép giá, nâng giá vô tội vạ các dịch vụ, “cháy” dịch vụ vì khách tăng đột biến ở những điểm du lịch nổi tiếng...

“Làm khách nội địa, khách đi đoàn đông chắc chắn lỗ. Các công ty lữ hành đua nhau bán tour cho khách lẻ hoặc đưa khách đi nước ngoài thì mới mong lấy công làm lãi. Khách sạn cũng đang nhìn ngó nhau để tăng giá mà không bị mất khách. Vận chuyển thì cứ viện cớ giá xăng dầu tăng để tăng giá xe. Hiện tượng “té nước theo mưa” làm doanh nghiệp du lịch điêu đứng. Du lịch đang thiết lập mặt bằng giá tour mới. Suy cho cùng, khách du lịch là những người phải gánh chịu những cơn tăng giá này”, ông Đinh Quang Lực - Tổng giám đốc Công ty du lịch South Pacific - cho biết.

Với các tour nội địa, khách du lịch lựa chọn các chuyến đi xa, chất lượng cao. Khách miền Bắc thích đến nghỉ biển, thăm di sản thế giới tại miền Trung (Hội An - Đà Nẵng -Huế- Phong Nha - Kẻ Bàng); tới Cần Thơ nối tuyến Phú Quốc và TP.HCM. Khách miền Nam và miền Trung đặc biệt thích khám phá cung đường Đông - Tây Bắc, thăm Vịnh Hạ Long, Sa Pa, Ninh Bình, Cát Bà...

Các điểm du lịch nổi tiếng khác ở trong nước như Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết, Mũi Né, đồng bằng sông Cửu Long, Mộc Châu, Côn Đảo, Buôn Ma Thuột... cũng khó tránh cảnh đông đúc, chen lấn, tăng giá quá quy định...

Giải thích về việc tăng giá tất cả các tour nội địa, ngoài lý do giá đầu vào các dịch vụ tăng, đại diện các công ty du lịch cho biết: Năm 2009 - 2010, có tour giảm giá 20 - 35% do chiến dịch kích cầu du lịch toàn quốc “Ấn tượng Việt Nam” và “Việt Nam điểm đến của bạn”. Giá vé máy bay, dịch vụ vận chuyển, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng lưu niệm... đều giảm giá nhưng năm nay không có chiến dịch kích cầu lớn, các công ty du lịch dù cố gắng cũng không thể có mức giá tốt hơn khi giá vé máy bay không giảm mà còn tăng, khách sạn tăng, giá xe tăng, lương hướng dẫn viên tăng, giá nhà hàng tăng.


Theo báo Văn hóa