Giá vàng tiếp tục lao dốc, về gần 45 triệu đồng/lượng

22/11/2011 09:12
Khuê Hạ
(GDVN) - Đêm qua, giá vàng thế giới giảm tới 2,5% dẫn tới đà giảm giá mạnh của giá vàng trong nước sáng nay (22/11), xuống chỉ còn gần 45 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm này sáng hôm qua, giá vàng trong nước còn đang giữ vững ở ngưỡng 45,8 triệu đồng/lượng nhưng đầu giờ sáng nay, vàng đã nhanh chóng tụt dốc không phanh, giảm 450.000 đồng/lượng, xuống còn trên 45,3 triệu đồng/lượng. Lúc gần 9h, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 45,05 và 45,35 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Trong khi đó, tại thị trường tự do, giá vàng này tương ứng là 45,1 và 45,4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới lao dốc kéo giá vàng trong nước giảm mạnh, chỉ còn xấp xỉ trên 45 triệu đồng/lượng. (Nguồn: Kitco)
Giá vàng thế giới lao dốc kéo giá vàng trong nước giảm mạnh, chỉ còn xấp xỉ trên 45 triệu đồng/lượng. (Nguồn: Kitco)
Tại Hà Nội, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng rồng Thăng Long mua vào ở mức 44,2 triệu đồng/lượng và bán ra ở 44,6 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC khoảng 750.000 đồng/lượng.  Bên cạnh đó, thần tài SBJ được giao dịch với ngưỡng 44,9 – 45,2 triệu đồng/lượng (mua – bán), thấp hơn nhiều so với mức giá chung của các loại vàng miếng khác trên thị trường. Giải thích cho hiện tượng trên, phía Bảo Tín Minh Châu cho rằng trước thông tin thay đổi của chính sách, nhà đầu tư và người tiêu dùng hoang mang và “bán tháo” vàng không phải là thương hiệu SJC, trong khi lực mua suy giảm. Trong khi đó, theo nhận định chung, vàng trong nước giảm giá sáng nay phần lớn chịu tác động của giá vàng thế giới. Cùng tình trạng bán tháo ồ ạt diễn ra trên sàn chứng khoán, giá vàng trên sàn Comex, New York đã giảm tới 2,5% sau khi Ủy ban đặc biệt Mỹ tuyên bố không đạt được thỏa thuận về cắt giảm 1.200 tỷ USD thâm hụt ngân sách như dự kiến. Vàng giao ngay trên sàn Kitco hiện giao dịch ở 1.674 USD/ounce, giảm tới 46 USD (tương đương 2,7%) so với giá mở cửa phiên giao dịch. Trong phiên, có lúc giá vàng xuống dưới 1.670 USD/ounce.
Trang VnEconomy phân tích: Sự hoang mang của các nhà đầu tư về thương hiệu vàng miếng xuất phát từ dự thảo về nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng mà Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ xem xét ban hành. Dự thảo này đưa ra điều kiện để doanh nghiệp được sản xuất vàng miếng là phải chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong ba năm gần nhất, bên cạnh quy định phải có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên. Ngoài SJC, hiện 7 doanh nghiệp sản xuất vàng miếng khác đều chưa đáp ứng được nếu những quy định đó được ban hành.

Trước khả năng còn lơ lửng đó, cũng như thực tế “đại hạ giá” từ một số doanh nghiệp nói trên, người sở hữu vàng miếng không phải là thương hiệu SJC đang lo lắng và lợi ích bị ảnh hưởng, cụ thể ở đây là vàng Rồng Thăng Long và vàng AAA. Thực tế này được chính doanh nghiệp phản ánh từ hoạt động “ồ ạt” bán ra những ngày qua. Còn theo ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc SJC, một phần là do họ nôn nóng chuyển đổi sang vàng thương hiệu SJC.
Khuê Hạ