Giá xăng giảm thấp kỷ lục nhưng vẫn còn nặng thuế, phí

19/02/2016 08:58
Mai Anh
(GDVN) - Đó là nhận định của PGS.TS Ngô Trí Long trước diễn biến giá xăng liên tục giảm thời gian qua.

Giá xăng xuống thấp nhất trong 6 năm qua

Từ 15h ngày 18/2, giá xăng RON 92 giảm 960 đồng/lít, đưa giá bán lẻ ở mức hiện hành từ 14.710 đồng/lít về 13.750 đồng/lít. Mức giá này được xem là thấp kỷ lục trong vòng hơn 6 năm qua, kể từ mức khoảng 15.000 đồng/lít xăng RON 92 vào năm 2009.

Các mặt hàng dầu giữ nguyên giá và chi quỹ bình ổn.

Đây là lần điều chỉnh giá xăng giảm lần thứ 4 trong năm 2016. Lần điều chỉnh thứ nhất vào ngày 4/1 đã giúp giá xăng RON 92 giảm xuống 370 đồng/lít. Lần thứ 2 vào ngày 19/1, giá xăng giảm được 590 đồng/lít. Lần thứ 3, ngày 3/2, giá xăng RON 92 giảm 730 đồng/lít. 

Giá xăng dầu giảm sâu nhất trong 6 năm qua (ảnh minh họa )
Giá xăng dầu giảm sâu nhất trong 6 năm qua (ảnh minh họa )

Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá xăng đã giảm được tất cả 2.650 đồng/lít.

Trước đó, trong năm 2015, giá xăng đã có 18 lần điều chỉnh với 6 lần tăng và 12 lần giảm. Sau 12 lần giảm giá trong năm 2015, mặt hàng xăng RON 92 đã giảm được trên 7.000 đồng/lít.

Mặc dù giá xăng giảm sâu nhưng theo đánh giá của PGS.TS Ngô Trí Long -nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá (Bộ Tài chính), mức giảm vẫn chưa bám sát mức giảm của giá xăng dầu của thế giới.

PGS.TS Ngô Trí Lon cho biết, giá xăng phụ thuộc vào chính sách tài chính của mỗi một quốc gia, cụ thể là chính sách thuế, phí.Thời điểm này tại Mỹ, giá xăng vẫn thấp hơn chúng ta, chỉ khoảng dưới 10.000 đồng/lít.

Nhưng để so sánh giá xăng trong nước đã giảm tương ứng với mức giảm của thế giới hay không cần phải xem xét lợi ích giữa doanh nghiệp, nhà nước và người tiêu dùng như thế nào cho hợp lý. 

PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) - ảnh nguồn Báo Hải Quan.
PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) - ảnh nguồn Báo Hải Quan.

“Cụ thể, trong phần nhà nước thu thuế, phí đã tương xứng với phần giá chưa, tương xứng với dân được hưởng chưa. Cái đó cần phải đưa ra so sánh vì mỗi một nước có cách tính giá khác nhau nhưng trước hết phải theo giá xăng thế giới. Nhưng tùy thuộc vào cách tính thuế và phí từng nước mà đưa ra giá khác nhau. Ví dụ nước mình tiền thuế và phí quá cao, giá thành 1 lít xăng chiếm 50% phí và thuế”, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết.

Theo ông Long, giá bán xăng dầu gồm 10 yếu tố trong đó có phí thuế, chi phí kinh doanh, lãi, lợi nhuận, định mức, quỹ bình ổn… cộng vào. Trong đó phí và thuế trên xăng dầu hiện nay quá nhiều tác động đến giá bán. Một lít xăng phải chịu thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường rồi phải trích là quỹ bình ổn giá. 

Vần đề thứ hai, định mức chi phí kinh doanh của doanh nghiệp hiện là 1.000 đồng/lít, cần phải xem xét lại định mức tính chi phí kinh doanh như vậy có hợp lý hay không?

Mặt khác, ông Long cũng cho rằng hiện thị trường xăng dầu trong nước đang bị một nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường. Vì thế nhà nước phải định giá, đã định giá không thể đảm bảo tính thị trường. 

Giá xăng giảm, kinh tế có lợi

PGS.TS Ngô Trí Long đánh giá Việt Nam là quốc gia vừa xuất và nhập khẩu xăng dầu (xuất dầu thô và nhập xăng) vì thế giá xăng giảm sẽ có tác động cả tích cực và tiêu cực đến nền kinh tế. 

Ông Long phân tích, xét về mặt lợi ích, mỗi năm chúng ta nhập hơn 2 triệu tấn xăng với mức giảm giá xăng chúng ta có thể giảm 2-3 tỷ USD. Như vậy sẽ tiết kiệm được nguồn chi phí lớn.

Thứ hai, giảm chi phí đầu vào làm giá thành giảm, giá bán giảm giá bán giảm thì mặt bằng giá lạm phát kiểm soát được. Trong hai năm 2014 - 2015 lạm phát kiểm soát được do giá xăng dầu giảm khiến giá bán giảm. 

Ngoài ra việc đưa ra chính sách tài chính hợp lý, trong điều kiện giá xăng giảm như hiện nay sẽ nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. 

Trong khi đó việc giá xăng giảm, theo ông Long, là nước xuất khẩu dầu mỏ khi giá bán xăng dầu thành phẩm giảm khiến giá bán dầu thô sẽ giảm. Giá bán dầu thô giảm nhưng chi phí khai thác dầu tăng ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp khai thác dầu bỏ.

Bất lợi thứ hai, ảnh hưởng thu ngân sách. Trước đó đầu những năm 2000 có thời kỳ bàn dầu hỏa chiếm 25% tổng thu ngân sách nhưng những năm trở lại đây con số này giảm xuống khoảng 6%-7%. Giảm thu ngân sách ở cả hai khía cạnh giá bán giảm nguồn thu giảm, nguồn thuế thu từ nhập xăng dầu giảm theo giá bán cũng ảnh hưởng ngân sách. 

“Tuy nhiên nhìn chung với nền kinh tế Việt Nam giá xăng giảm hiện nay có lợi cho nền kinh tế hơn là bất lợi”, PGS.TS Ngô Trí Long kết luận.

Mai Anh