Giáo sư Nguyễn Mại: Giấy phép con chặn chỗ này, mọc chỗ khác

08/07/2017 06:09
Mai Anh
(GDVN) - Theo Giáo sư Nguyễn Mại, mặc dù Chính phủ nỗ lực, nhưng với cung cách làm việc ở dưới thì không bao giờ hết được giấy phép con gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Báo cáo rà soát điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, quy định về điều kiện kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện nay đang khiến cho quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp bị hạn chế.

Để đủ điều kiện kinh doanh doanh nghiệp phải đi lại hoàn thiện hàng loạt thủ tục, giấy phép con. Điều này làm mất thời gian, tăng chi phí và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Câu chuyện cắt giảm giấy phép con, giảm chi phí tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh quan trọng hơn lúc nào hết.

Giấy phép con gây khó khăn cho doanh nghiệp - ảnh minh họa/ nguồn VTCnew.
Giấy phép con gây khó khăn cho doanh nghiệp - ảnh minh họa/ nguồn VTCnew.

Chính phủ nỗ lực nhưng ở dưới ì ạch

Quyền tự do kinh doanh được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013 thể hiện sự cởi mở của Nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. 

Trên cơ sở này, hệ thống pháp luật kinh doanh trong vài năm gần đây đã có những biến chuyển theo hướng tích cực, thể hiện cụ thể ở Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 cùng hàng loạt chính sách khác đã góp phần “cởi trói” cho doanh nghiệp.

Cùng với việc Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực, các Bộ, ngành đã trình Chính phủ ban hành 50 Nghị định, quy định điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó xóa bỏ 3.000 giấy phép con. 

Dư luận xã hội đánh giá cao nỗ lực này của các Bộ ngành, còn cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng đây là một đột phá trong cải cách thể chế để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Tuy nhiên theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từ năm 2014 khi Luật đầu tư ra đời đến năm 2016 số lượng ngành nghề có điều kiện kinh doanh đã giảm từ 267 ngành nghề xuống còn 243 ngành. 

Song con số các điều kiện kinh doanh của 243 ngành này lên đến 5.719 (điều kiện) là rất lớn. Đáng nói, vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh được đặt ra mà không tuân thủ đúng nguyên tắc bảo vệ lợi ích công cộng, an ninh an toàn xã hội.

Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Mại – nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ảnh Báo Đầu tư
Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Mại – nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ảnh Báo Đầu tư

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Mại – nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: “Với cách làm hiện nay không bao giờ hết được giấy phép con, mặc dù Chính phủ đang rất nỗ lực, cố gắng”.

Theo Giáo sư Nguyễn Mại, ngay sau khi được bầu giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ tháng 4/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần khẳng định Chính phủ cam kết cùng “đồng hành”, “đồng cam, cộng khổ”, “sẻ chia và hợp tác lâu dài” với doanh nghiệp.

Chính những cam kết này của Chính phủ đã tạo điều kiện tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp lan tỏa mạnh mẽ trong đông đảo người dân hiện nay.

Giáo sư Nguyễn Mại cho biết, giấy phép con nhiều do chính các bộ, ngành. Cụ thể, khi luật mới ra đời, bộ, ngành tham mưu xây dựng nghị định hướng dẫn, trong nghị định đó lại vô tình tạo ra giấy phép con.

Giáo sư Nguyễn Mại: Giấy phép con chặn chỗ này, mọc chỗ khác ảnh 3

Đã “gãi đúng chỗ” và sẽ tiếp tục xử lý cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp

“Điều kiện kinh doanh càng nhiều, doanh nghiệp càng phải xin nhiều giấy chứng nhận, các giấy phép con này tăng chi phí, giảm cạnh tranh của doanh nghiệp, ông Mại cho biết. 

Chung quan điểm, tại hội thảo về sửa đổi Nghị định 38/2012 do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản tổ chức ngày 30/6, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, giảm chi phí cho doanh nghiệp là điều mà Chính phủ mong muốn và chỉ đạo. 

“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính phải là phục vụ và đồng hành cùng doanh nghiệp. Thủ tướng đã nhiều lần thể hiện những điều đó qua lần tiếp xúc với doanh nghiệp”, ông Cung cho biết.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lựa chọn năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Đây là sự kiện cực lớn bởi giảm chi phí doanh nghiệp hiệu quả kinh doanh sẽ được nâng lên như vậy sẽ góp phần vào tăng trưởng GDP.

Trọng tâm của giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp chính là cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh và cải cách toàn diện kiểm tra chuyên ngành.

Cải cách toàn diện được hiểu từ quy định của pháp luật đến cách thực thi luật pháp, công vụ và kỹ năng tổ chức sản xuất.

Giấy phép con không làm tăng chất lượng sản phẩm

Giáo sư Nguyễn Mại khẳng định: “Cuộc đấu tranh chống giấy phép con ngăn chặn đầu này mọc đầu khác. Thủ tướng kêu gọi làm thế nào để doanh nghiệp dễ thở hơn nhưng bên dưới không làm. Không có giấy phép con làm sao doanh nghiệp đến bộ, ngành xin xỏ được”.

Để giảm chi phí doanh nghiệp và minh bạch các giấy phép con, Giáo sư Mại đề xuất: “Chính phủ cần luật hóa giấy phép con bằng một luật riêng, đồng thời ban hành nghị định hướng dẫn thủ tục thực hiện giấy phép và cơ quan cấp phép”.

Khi nói đến quy định về điều kiện kinh doanh, giấy phép con Giáo sư Nguyễn Mại cho rằng cơ quan quản lý nhà nước luôn vin vào lý do để bảo vệ quyền lợi người dân, quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên thực tế không phải như vậy.

Nêu dẫn chứng Giáo sư Nguyễn Mại cho biết, ngay trong lĩnh vực nông nghiệp, dù có rất nhiều giấy phép con nhưng rất nhiều lô hàng sản phẩm nông - lâm - thủy sản xuất khẩu của chúng ta bị trả về.

"Để đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu tốt hay không tốt không phụ thuộc vào giấy phép con mà căn bản phải cải cách một cách cơ bản một nền nông nghiệp. 

Xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại và một hệ thống quy chuẩn để người chăn nuôi không dùng các chất phụ gia, chất tăng trọng.

Cần tổ chức lại sản xuất, xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quốc tế và thực hiện chứ không phải giấy phép con”, ông Mại nhấn mạnh.

Ngoài giấy phép con, Giáo sư Nguyễn Mại cho rằng, hiện nay doanh nghiệp đang bị thanh tra, kiểm tra quá nhiều.

Dù Thủ tướng mới đây yêu cầu một năm không được thanh tra quá 1 lần với 1 doanh nghiệp nhưng thực tế quá trình thanh tra như thế nào, nếu thanh tra mà gây thiệt hại cho doanh nghiệp phải bị xử lý nghiêm, đồng thời phải đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp.

“Cần có chế tài không chỉ cho quá trình thanh tra mà cần cả chế tài xử lý việc thanh tra sai, lạm dụng thanh tra để gây khó cho doanh nghiệp”, ông Mại nói.

Mai Anh