Thực phẩm bẩn tuần qua:

Giật mình công nghệ hô biến lẩu, nước mắm & bánh trung thu

05/09/2011 10:55
Khởi Sự (Tổng hợp)
(GDVN) - Tiêu dùng tuần qua nổi cộm lên vụ "hô biến" nước lẩu nhờ hương liệu, nước mắm nhờ muối và nước lã, bánh trung thu chế biến từ 1.900 quả trứng thối.

 Từ việc nước mắm được pha bằng muối và nước lã cho tới việc dùng trứng thối để làm nhân bánh trung thu, sử dụng các loại bột hương liệu pha chế với nước làm lẩu Tứ Xuyên khiến người tiêu dùng không khỏi ngỡ ngàng, ngạc nhiên với cách làm ăn gian dối của những nhà sản xuất.

Lẩu nổi tiếng Tứ Xuyên làm từ bột lạ

Theo giới truyền thông Trung Quốc, chuỗi nhà hàng Haidilao bị cáo buộc sử dụng các loại bột hương liệu pha chế với nước để tạo ra nước lẩu thay thế nước lẩu thông thường được làm từ xương lợn để tiết kiệm thời gian và chi phí.

Bột hương liệu được pha với nước theo một tỷ lệ nhất định tạo thành nước lẩu "không chất dinh dưỡng".
Bột hương liệu được pha với nước theo một tỷ lệ nhất định tạo thành nước lẩu "không chất dinh dưỡng".

Các loại bột pha chế nước lẩu này được đặt trong các hộp riêng biệt, có dạng nhão và có màu sắc. Khi cần lấy để sử dụng, nhân viên nhà hàng sẽ múc thức bột này pha với nước theo một tỷ lệ nhất định. Sau đó, hỗn hợp này được cho vào một pha trộn đặc biệt để xử lý.

Nước lẩu sau khi được pha chế đem cho thực khách sử dụng.
Nước lẩu sau khi được pha chế đem cho thực khách sử dụng.

Báo Giáo Dục Việt Nam dẫn lời của các chuyên gia tại Khoa Dinh dưỡng, Đại học Y khoa Nam Ninh, Trung Quốc: Việc pha chế nước lẩu theo kiểu này có thể dẫn tới việc nước lẩu sẽ thiếu chất dinh dưỡng. Còn chúng có gây hại cho con người hay không vẫn chưa có kết luận khi các xét nghiệm kiểm tra chưa được tiến hành.

Nước mắm = muối + nước lã

Trong vai một chủ hàng muốn mua buôn nước mắm bình dân về bán ra thị trường nông thôn, phóng viên Giáo Dục Việt Nam đến một cơ sở chuyên pha chế nước mắm và bán buôn tại Hoàng Mai, Hà Nội.

Khu chế xuất này rộng khoảng 30 mét vuông, đặt dưới nền đất ẩm ướt. Khu chỉ có một chiếc thùng gỗ chứa khoảng 2000 lít và một số loại thùng phi đựng nước mắm đang chưng cất. Khu hỗn hợp gồm những chiếc can lọ, những thùng lớn nhỏ, những chiếc vại đựng nước mắm đầy cáu bẩn.

Tiếp chúng tôi là một thanh niên làm công cho cơ sở này. Người thanh niên này mách mua ít nước mắm nguyên chất hoặc loại tinh dầu nước mắm về pha với nước ấm là có thể ra nước mắm. “Một lít nước mắm có giá bán chỉ 8000 nghìn đồng thì lấy đâu ra nguyên chất, thực ra chỉ có muối và nước thôi”.

“Nước mắm để lâu bị hỏng là do người bảo quản không biết dùng để cho vi khuẩn tấn công, còn loại pha chế có muối rồi nên khó mà hỏng được" – người thanh niên khẳng định.

Nước mắm được pha thêm nước lã và muối để tăng lợi nhuận cho người sản xuất.
Nước mắm được pha thêm nước lã và muối để tăng lợi nhuận cho người sản xuất.

Tại cửa hàng T.P (Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội), người bán hàng cũng thừa nhận “Nước mắm này đã qua pha chế vài lần, nếu nguyên chất từ trong thùng chượp cá ra thì có giá vài chục nghìn đồng/lít làm gì có giá 7 hay 8 nghìn đồng".

Anh Hiệu -  một lái buôn từ nhiều năm nay “bật mí’: Để kiếm thêm lời anh thường nấu nước muối để ấm khoảng 20 độ C và pha nước mắm mua từ dưới Nam Định, Thái Bình với nồng độ 25 % nước sôi, còn lại là nước mắm.

Như vậy, vì mục đích kiếm lời, các cơ sở sản xuất nước mắm hay các chủ buôn mắm đều sử dụng các “mánh khóe” khác nhau để tăng lợi nhuận trong thời buổi khó khăn, trong đó, “thủ thuật” thường xuyên và đơn giản đó là pha muối và nước lã tạo ra nước mắm giá rẻ, thu hút được nhiều người mua.

Trứng bốc mùi thối vẫn dùng làm bánh trung thu

Ban bảo vệ Người Tiêu Dùng, báo Giáo Dục Việt Nam tuần qua đã đưa tin về thu giữ 19.000 quả trứng thối sử dụng làm bánh tại kho hàng nhà ông  Nguyễn Doàn Hải.

“Khi đập trứng vịt muối ra để kiểm tra, rất nhiều quả đã chuyển sang màu đen, có mùi hôi thối rất khó chịu".
“Khi đập trứng vịt muối ra để kiểm tra, rất nhiều quả đã chuyển sang màu đen, có mùi hôi thối rất khó chịu".

Tại kho hàng nhà ông Hải (địa chỉ tại số 18 đường Lĩnh Nam, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội) lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ 8.000 quả trứng vịt muối Bắc Thảo, 11.000 quả trứng gà thường. Khi hỏi về nguồn gốc, xuất xứ của số lượng trứng trên, chủ hàng đã không trình được hóa đơn chứng từ, giấy kiểm dịch.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Đội phó Đội 3, Phòng 6 , Cục cảnh sát môi trường (Bộ công an) cho biết thêm: "Nếu không được phạt hiện kịp thời, toàn bộ số trứng muối này sẽ được chủ hàng đem nhập cho những cơ sở sản xuất bánh kẹo, để làm nhân bánh Trung thu bán ra thị trường”.

>> Xem lại toàn cảnh công nghệ chế biến bánh trung thu bẩn

Toàn bộ số trứng bị thu giữ theo ước tình trị giá khoảng 50 triệu đồng (tính theo giá thị trường). Số trứng vịt muối sẽ được nhập cho các cơ sở sản xuất bánh kẹo làm nhân bánh Trung thu, còn số trứng gà sẽ được đem rải đi các mối ở chợ để bán cho người dân.

Qua quá trình thẩm vấn, chủ hàng khai nhận toàn bộ số trứng trên đều có nguồn gốc từ Trung Quốc được vận chuyển trái phép vào Việt Nam.

Đây là vụ thứ 3 liên quan đến nhân bánh Trung thu bị lực lượng Cảnh sát Môi trường phát hiện và bắt giữ trong suốt 1 tuần qua.

Dùng bột thịt nạc độc hại để tăng trọng cho lợn

Theo nguồn tin từ báo Giáo Dục Việt Nam: Các nông dân Trung Quốc thường sử dụng Clenbuterol (bột thịt nạc), một loại chất hóa học độc hại bị cấm sử dụng làm chất phụ gia thực phẩm, để làm cho những con lợn có nhiều nạc hơn.

>> Xem lại cảnh tiêu hủy hàng trăm tấn thịt lợn bẩn tại Hồ Nam

Vừa qua, vào tháng 3/2011, các nhà chức trách Trung Quốc đã phát động chiến dịch an toàn thực phẩm tập trung lớn vào vụ bột thịt nạc. Tổng cộng có 2.000 nhân viên cảnh sát ở các tỉnh Hồ Nam, Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hà Nam và thành phố Thiên Tân đã tham gia vào vụ truy quét.

Hàng trăm tấn thịt lợn "bẩn" dùng bột thịt nạc tăng trọng độc hại bị thiêu hủy.
Hàng trăm tấn thịt lợn "bẩn" dùng bột thịt nạc tăng trọng độc hại bị thiêu hủy.

Sau hơn 6 tháng thực hiện chiến dịch, cảnh sát đã thu giữ 2,5 tấn bột thịt nạc, đóng cửa 6 phòng thí nghiệm, 12 dây chuyền sản xuất, 19 kho lưu trữ và chế biến cùng 32 nhà máy “dưới lòng đất” trong vụ này, bắt hơn 900 người liên quan đến việc sản xuất và bán clenbuterol.

>> Xem lại cảnh tiêu hủy hàng trăm tấn thịt lợn bẩn tại Hồ Nam

Có thể nói, Clenbuterol là loại chất giúp đốt cháy mỡ bất hợp pháp được các nông dân Trung Quốc sử dụng như một chất phụ gia cho lợn ăn suốt trong một thời gian dài trước khi vụ việc bị phát hiện.

Sự kiện này lan rộng và gây chấn động tới 63 thành phố trên khắp cả nước Trung Quốc, thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về thực phẩm bẩn ở đất nước láng giềng này.

Khởi Sự (Tổng hợp)