GS Đặng Hùng Võ:Nhiều người bị kẹt với các dự án ven đại lộ Thăng Long

29/07/2012 09:28
Tiểu Phương
(GDVN) - Theo GS - TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT: Các dự án dọc Đại lộ Thăng Long rớt giá, nhiều chủ đầu tư bỏ chạy là do trước đây, các chủ đầu tư đã kỳ vọng vào nó quá nhiều…
BĐS phía Tây: Chờ đợi sinh lời quá lâu Vào thời điểm năm 2008 – 2011, các giao dịch mua bán bất động sản (BĐS) phía Tây dấy lên mạnh mẽ như một cơn “sốt” thực thụ. Đi đâu người ta cũng nói chuyện về giá cả lên xuống theo quy hoạch phát triển thành phố, theo đó, các dự án mọc lên như “nấm sau mưa” dọc tuyến đại lộ đẹp nhất Hà Nội, một thời là điểm sáng của BĐS Thủ đô. Từ khóa “bất động sản phía Tây Hà Nội” giăng mắc đầy trên các mặt báo. Tuy nhiên, thời gian gần đây, không khí ảm đạm lại bao trùm khắp khu vực này. Hàng loạt dự án chậm thi công, cỏ mọc rêu um tùm, không những người mua ngán ngẩm mà các chủ đầu tư cũng than trời về vấn đề thiếu vốn, chậm thanh khoản.
Đại Lộ Thăng Long nổi tiếng là đẹp nhất Hà Nội nhưng nhiều nhà đầu tư lo sợ nó sẽ trở thành ốc đảo sau khi các dự án hoàn thiện do giao thông đi lại khá bất tiện.
Đại Lộ Thăng Long nổi tiếng là đẹp nhất Hà Nội nhưng nhiều nhà đầu tư lo sợ nó sẽ trở thành ốc đảo sau khi các dự án hoàn thiện do giao thông đi lại khá bất tiện.
Khu đô thị Splendora được do Công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh - liên doanh giữa Vinaconex và Posco E&C làm chủ đầu tư đến nay đã được khởi công giai đoạn 2. Mặc dù vậy, nhiều khu vực của "siêu dự án" rộng hơn 260 ha này cũng đang trong tình trạng bỏ hoang. Còn dự án Tricon Towers do Minh Việt làm chủ đầu tư, khởi công đã lâu nhưng đến nay mới chỉ hoàn thành phần móng. Tiếp nữa phải kể đến dự án chung cư cao cấp Diamond Tower được chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Vinaconex PVC, sau nhiều lần trì hoãn khởi công, hiện dự án vẫn đang bị đứng im. Lý giải về điều này, theo GS. Đặng Hùng Võ: Các dự án dọc Đại lộ Thăng Long rớt giá, nhiều chủ đầu tư bỏ chạy là do trước đây, các chủ đầu tư đã kỳ vọng vào nó quá nhiều, nhưng trên thực tế, các dự án không triển khai được. Mặc dù, nói về địa thế, GS. Võ cũng thừa nhận: BĐS dọc Đại lộ Thăng Long đều rất đẹp, thuận lợi về giao thông, đi lại cũng như gần kề các trung tâm thương mại lớn. Tuy nhiên, “Địa thế cũng còn phụ thuộc vào quy hoạch và triển khai quy hoạch. Địa thế thì tốt rồi, người bỏ tiền ra mua dự án tại đây nóng lòng muốn đầu tư vào đó để sinh lợi. Nhưng với tình trạng như hiện nay, thực hiện quy hoạch sẽ kéo dài hơn, đồng tiền “chết kẹt” trong đó quá lâu, khả năng sinh lợi chậm, thấp nên người ta sẽ không nhiệt tình nữa” – GS. Võ giải thích. “Tôi cho rằng: BĐS phía Tây đang có những biểu hiện này khá rõ” – Ông Võ nói. Trong thời gian tới, khi nền kinh tế phục hồi, BĐS sẽ lại chuyển động “nóng” dần lên, các giao dịch mua bán sẽ ngày càng sôi động hơn, theo GS. Võ khả năng phục hồi của nhà giá thấp, giá trung bình sẽ chỉ diễn ra trong khoảng nửa năm tới 1 năm, tuy nhiên, đối với các dự án cao cấp, hạng sang nói riêng hay toàn bộ thị trường BĐS nói chung “vẫn cần một giai đoạn dài hơi hơn”.Nghịch lý: Giá giảm nhưng nhà đầu tư vẫn thờ ơ Trao đổi với báo Giáo Dục Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng, phụ trách kinh doanh của công ty bất động sản 126 Land cho biết: Thị trường BĐS bây giờ không phải đóng băng mà là mất tính thanh khoản. Ông phân biệt rạch ròi: Đóng băng có nghĩa là chỉ một thời gian thị trường nằm im, giá cả cũng không giao động nhiều, sau đó theo chu kỳ sẽ ấm dần lên. Còn hiện tại, BĐS đang mất tính thanh khoản tức là bây giờ, có nhiều sản phẩm giá được giảm xuống rất rẻ nhưng các nhà đầu tư cũng không mặn mà, quan tâm, chú ý. “Chỉ những người có nhu cầu nhà ở thật mới giao dịch thôi” – ông Hoàng nhấn mạnh.
Nhiều dự án dọc Đại Lộ Thăng Long vẫn là khu đất trống, biển hiệu đã được xóa (Ảnh: ĐTCK).
Nhiều dự án dọc Đại Lộ Thăng Long vẫn là khu đất trống, biển hiệu đã được xóa (Ảnh: ĐTCK).
Theo ông Hoàng, thị trường tại Hà Nội hiện nay đã bị mất tính thanh khoản trầm  trọng, nhất là những khu vực ngoại thành, căn hộ cao cấp, những BĐS có giá trị lớn,... Lý do là vì những dòng sản phẩm này chủ yếu là đầu tư và đầu cơ, cơ sở hạ tầng dịch vụ ở khu vực này chưa có, nên chẳng ai về ở được. Ví dụ: Trường học, bệnh xá, chợ, siêu thị, khu vui chơi, các dịch vụ công cộng,... đều chưa có. Do vậy, hầu như không còn giao dịch trên các sàn mua bán BĐS. Bên cạnh đó, cũng theo quan điểm của ông Hoàng: lượng cung bắt đầu nhiều hơn cầu (về mảng đầu tư) nên người bỏ tiền ra mua dự án có quyền dành thời gian nghiên cứu chủ đầu tư nào có năng lực thực sự, có kế hoạch mục tiêu phát triển rõ ràng, ... để đầu tư. “Bây giờ, người ta muốn đầu tư an toàn hơn, tức là những sản phẩm đã dần dần hiện hữu, quy hoạch và hình thành rõ ràng rồi chứ không mua sản phẩm dự án còn nằm trên giấy nữa” – ông Hoàng nhận xét. Ngoài lý do chủ đầu tư cạn vốn, chậm tiến độ bàn giao nhà cho khách ảnh hưởng rất nhiều tới sức mua, một lý do nữa khiến nhiều người dân cũng như nhà đầu tư thờ ơ với những căn hộ cao cấp, chung cư thương mại dọc Đại lộ Thăng Long bởi lẽ thời gian gần đây, một số dự án mới triển khai gần khu vực này nhưng giá lại rẻ, rẻ hơn rất nhiều so với các dự án dọc Đại lộ Thăng Long. Hơn nữa, theo nhiều nhà đầu tư BĐS, việc quy hoạch giao thông trên Đại lộ Thăng Long rất bất tiện. Đặc biệt, lối vào các dự án chậm triển khai khiến các dự án đô thị hiện đại có thể trở thành những ốc đảo khi hoàn thiện.
Tiểu Phương