Hàng loạt doanh nghiệp bị phát hiện chuyển giá, ai chịu trách nhiệm?

29/10/2013 07:26
Hoàng Lực
(GDVN) - “Mọi việc đã sáng tỏ thì cơ quan quản lý nhà nước cần phải vào cuộc xử lý. Những nơi nào có dấu hiệu tham nhũng bỏ qua việc thanh tra kiểm tra để xảy ra việc doanh nghiệp FDI chuyển giá trốn thuế thì phải bị đưa ra xử lý”, Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành bày tỏ quan điểm.
Liên tục thời gian qua hàng loạt doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) bị Thanh tra phát hiện hành vi chuyển giá, trốn thuế gây bức xúc trong dư luận.

Ngành thuế phải chịu trách nhiệm?
Mới đây, “đại gia” FDI Keangnam Vina - chủ đầu tư tòa nhà Keangnam bị vạch trần hành vi dàn xếp giá nội bộ, nâng khống đầu vào để liên tục khai lỗ trong 5 năm và bị buộc phải nộp truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp cho mảng kinh doanh bán căn hộ với tổng thuế là 95,2 tỷ đồng.
Keangnam Vina thừa nhận chuyển giá hàng nghìn tỷ đồng
Keangnam Vina thừa nhận chuyển giá hàng nghìn tỷ đồng
Không đình đám và tai tiếng như Keangnam Vina nhưng cách chuyển giá trắng trợn của Công ty Hualon Corporation (Khu Công Nghiệp Nhơn Trạch 2, Đồng Nai) khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Thành tích gần 20 năm liên tục bao lỗ, nâng khống giá dây chuyền máy lên đến 40 lần (từ 400.000 USD thành 16 triệu USD). Trước đó một loạt doanh nghiệp kinh doanh đồ uống như Công ty chế biến trà Ô Long Jun Chow của Đài Loan, Công ty TNHH Trà Kinh Lộ, Công ty King Wan Chen, Coca-Cola, Pepsico Việt Nam cũng dính nghi án chuyển giá trốn thuế. Việc càng ngày càng nhiều doanh nghiệp FDI bị vạch trần hành vi chuyển giá trốn thuế gây bất bình trong dư luận, mất công bằng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời nhiều ý kiến cho rằng để xảy ra vấn đề chuyển giá, ngành thuế phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam - chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành phân tích: Vấn đề chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không chỉ riêng một lĩnh vực nào. Tất cả ngành nào có doanh nghiệp FDI đầu tư đều có chuyển giá cả, vấn đề chuyển giá xảy ra ngay từ khi lập nhà máy, nhập nhiên liệu”.
Công ty Hualon Corporation 20 năm báo lỗ và việc nâng khống giá dây chuyền sản xuất lên 40 lần
Công ty Hualon Corporation 20 năm báo lỗ và việc nâng khống giá dây chuyền sản xuất lên 40 lần
Nói đến trách nhiệm liên đới của các cơ quan quản lý trong việc xảy ra hiện tượng chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp FDI, chuyên gia Bùi Kiến Thành cho biết: “Mọi việc đã sáng tỏ thì cơ quan quản lý nhà nước cần phải vào cuộc xử lý. Những nơi nào có dấu hiệu tham nhũng bỏ qua việc thanh tra kiểm tra để xảy ra việc doanh nghiệp FDI chuyển giá trốn thuế thì phải bị đưa ra xử lý”.
Tuy nhiên về ý kiến cho rằng để xảy ra tình trạng chuyển giá trốn thuế của doanh nghiệp FDI, chỉ riêng ngành thuế phải chịu trách nhiệm là không thỏa đáng.

“Nếu nói riêng ngành thuế phải chịu trách nhiệm là không hẳn vì chuyển giá bắt đầu từ khi cho giấy phép đầu tư, trong giấy phép đầu tư có ghi rõ cho phép doanh nghiệp nước ngoài được phép kinh doanh như thế nào? Giá thành sản phẩm ra sao? Giá nguyên liệu đầu vào…? Có khi việc chuyển giá được thực hiện ngay từ khâu mua nguyên liệu nhập khẩu từ công ty mẹ”, chuyên gia Bùi Kiến Thành khẳng định.

Chuyển giá ngay từ khi lập dự án

Trước đến nay, chuyển giá theo quan điểm của nhiều người chỉ xảy ra ở khâu thành phẩm khi sản phẩm của doanh nghiệp FDI trong nước được chuyển về công ty mẹ ở nước ngoài. Tuy nhiên ở góc nhìn của mình, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định doanh nghiệp FDI có thể thực hiện chuyển giá ngay bằng việc nhập hệ thống máy móc, nhiên liệu phục vụ sản xuất.

Nêu ví dụ cụ thể, ông Thành cho rằng giá nguyên liệu đầu vào của Coca-Cola tại công ty mẹ chỉ đáng giá 1 đồng nhưng bán vào Việt Nam lên đến 10 đồng. Từ đó doanh nghiệp nâng chi phí sản xuất sản phẩm tăng lên “doanh nghiệp FDI chuyển giá ngay từ lúc mua nguyên liệu chứ không phải chỉ lúc làm ra sản phẩm”, ông Thành nhấn mạnh.

Một ví dụ khác như ngành dệt may, theo chuyên gia Bùi Kiến Thành các doanh nghiệp FDI với rất nhiều chuỗi cung ứng nên doanh nghiệp nếu muốn chuyển giá có thể nâng giá nhập nguyên liệu đầu vào bất cứ một điểm nào. Kéo theo giá tăng lên đến khi thành sản phẩm nếu giá thành khoảng 10USD thì doanh nghiệp FDI lại bán ra giá 10.5 - 11 USD ra nước ngoài, có khi chuyển qua Singapore, Hồng Kông rồi làm hóa đơn bán sang bên Mỹ giá 40 50 USD, đó là chuyển giá khúc ra.

“Nói tóm lại vấn đề chuyển giá có thể xảy ra suốt cả quá trình doanh nghiệp FDI hoạt động. Vì vậy để chống chuyển giá cơ quan quản lý nhà nước cần phải tiến hành nghiên cứu kỹ dự án kinh doanh đó như thế nào, doanh nghiệp FDI đưa ra mức chi phí nhập nguyên liệu như thế nào? mức giá bán sản phẩm ra sao? Để xem có phù hợp hay không. Thậm chí khi doanh nghiệp FDI khai thì mình phải thẩm định”, chuyên gia Bùi Kiến Thành nói.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

Có thể nói, tất cả các yếu tố cấu tạo nên giá thành của sản phẩm doanh nghiệp FDI đều đã bị chuyển giá. Thậm chí ngay cả chi phí lao động chi trả cho chuyên gia người Việt và chuyên gia người nước ngoài cũng được doanh nghiệp FDI tính toán kỹ. Sau đó khi hình thành sản phẩm doanh nghiệp FDI không bán chênh với giá sản xuất là bao nhiêu để không phải đóng thuế tại Việt Nam.

“Tất cả mọi bước đều có vấn đề chuyển giá ban đầu từ vấn đề nhập khẩu nhiên liệu ví dụ như Coca-Cola hay Pepssi tại Việt Nam khi nhập nước cốt từ công ty mẹ về để chế biến thành phẩm, chi phí mua nước cốt đó đã bị chuyển giá”, chuyên gia Bùi Kiến Thành khẳng định.

Để giải quyết bài toán chống chuyển giá của các doanh nghiệp FDI, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng ngay từ khi doanh nghiệp nước ngoài nộp đơn xin cấp phép đầu tư thì cơ quan quản lý nhà nước phải tiến hành rà soát kiểm tra. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải rà soát kỹ xem kế hoạch sản xuất kinh doanh trong dự án đó như thế nào, phù hợp với địa phương nơi doanh nghiệp xin cấp phép hay không?... Trong khi có dự án đưa về tỉnh thứ 6 tuần này mới xin, thứ 2 tuần sau đã cấp phép. Việc không làm đúng theo quy trình dẫn đến doanh nghiệp FDI dễ dàng thực hiện chuyển giá.

Cũng có ý kiến cho rằng, chuyển giá là vấn đề lớn mà nhiều nước gặp phải không chỉ ở Việt Nam… Nhận định quan điểm này chuyên gia Bùi Kiến Thành nhấn mạnh, cách nói đó là thiếu trách nhiệm quan trọng mình phải tìm ra cách giải quyết vấn đề. “Mình quản lý nhà nước là bênh vực cho quyền lợi cho đất nước mình, người khác làm bậy thì kệ người ta mình phải rút kinh nghiệm từ các nước để có cách làm tốt hơn”, ông Thành kết luận.
Hoàng Lực