Hàng loạt NH cắt giảm nhân sự, sự kiện nóng nhất tuần qua

18/11/2013 07:25
Liễu Phạm (Tổng hợp)
(GDVN) - Tuần qua, hàng loạt ngân hàng ồ ạt báo cáo tài chính quý 3, đặc biệt là số lượng nhân sự nghỉ việc tại các ngân hàng cũng tăng cao. Thông tin giá vàng SJC trong nước giảm liền 3 tuần liên tiếp, hay đề xuất 13 dự án được vay gói 30.000 tỷ đồng... thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận.
Đề xuất 13 dự án được vay gói 30.000 tỷ đồng

Ngày 11/11, tờ Diễn đàn Doanh nghiệp đưa tin, Bộ Xây dựng vừa gửi Ngân hàng Nhà nước văn bản đề xuất danh mục đợt 13 dự án nhà ở xã hội được vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.

Danh sách bao gồm 9 dự án nhà xã hội và 4 nhà thương mại được chuyển đổi.

Các dự án được đề xuất gồm: Khu dân cư phía Bắc rạch Bà Bướm; Khu nhà thu nhập thấp Hòa Long, Kinh Bắc; Khu nhà ở xã hội Phúc Hưng, Phố Nối; Khu nhà ở xã hội thuộc dự án Bắc Vinh; Dự án nhà ở công nhân khu Công nghiệp Hòa Phú; Dự án nhà thu nhập thấp khu dân cư Tây Đại học…

Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước đôn đốc các nhà băng được chỉ định cho vay gói 30.000 tỷ đồng đẩy mạnh các thủ tục thẩm định, giải ngân.

Giá vàng SJC giảm liên tục 3 tuần

Tờ VnEconomy cho biết, tính đến ngày 16/11, tuy giá vàng tiếp tục tăng nhẹ, nhưng giá vàng SJC có tuần giảm thứ ba liên tục. 

Tuần này, giá vàng SJC bán ra đã có lúc giảm dưới 36,4 triệu đồng/lượng, thấp nhất kể từ đầu năm 2011. Sau đó, giá vàng trong nước dần hồi phục theo giá thế giới, nhưng vẫn chưa thoát xa được khỏi vùng giá đáy này.

Diễn biến giá vàng SJC tại DOJI - Nguồn: DOJI.
Diễn biến giá vàng SJC tại DOJI - Nguồn: DOJI.

Nếu so với cuối tuần trước, vàng SJC hiện rẻ đi 50.000-60.000 đồng/lượng tùy niêm yết của từng doanh nghiệp. Như vậy, vàng đã có 3 tuần giảm giá liên tục với tổng mức giảm hơn 900.000 đồng/lượng. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ đang chênh cao hơn khoảng 3,6 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC trong tuần này biến động chậm hơn giá vàng thế giới, dù tăng hay giảm đều không phản ánh hết mức lên và xuống của giá quốc tế. Xu hướng này đã kéo dài kể từ khi Ngân hàng Nhà nước siết chặt quản lý thị trường vàng. Dù giá giảm sâu nhưng thị trường có một tuần nhìn chung ổn định, không có sự xáo trộn đáng kể nào về cung, cầu.

Trong phiên đấu thầu vàng miếng duy nhất diễn ra trong tuần này, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 15.000 lượng vàng và bán được 14.600 lượng. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 70 phiên đấu thầu vàng miếng và bán ra hơn 64,7 tấn vàng.

Ngân hàng ồ ạt báo lãi quý 3/2013

Tuần vừa qua là tuần các ngân hàng ồ ạt công bố báo cáo tài chính quý 3/2013. Theo báo cáo tài chính, ngân hàng MB lãi sau thuế 530 tỷ đồng; ngân hàng ACB lãi sau thuế là 401 tỷ; SHB đạt 236 tỷ; Sacombank 509 tỷ; DongABank 138 tỷ; BIDV đạt 1.138 tỷ đồng; Eximbank 298 tỷ; Vietcombank đạt 1043 tỷ; Vietinbank 2.190 tỷ...

Dù kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng đã tốt hơn so với cùng kỳ, điển hình là ACB, tuy nhiên một điểm chung nổi trội của các nhà băng đó là nợ xấu tăng vọt ăn mòn lợi nhuận. Tỷ lệ nợ xấu ở các ngân hàng đều ở mức cao, điển hình như PGBank, ACB, SouthernBank, Vietcombank… Trong 3 nhóm nợ xấu thì nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh nhất, có ngân hàng tăng gấp hơn 2 lần so với thời điểm đầu năm như ngân hàng Vietinbank.

Nhân sự ngân hàng nghỉ việc tăng cao

Tờ Đầu tư đưa tin, theo khảo sát của Công ty tư vấn toàn cầu Towers Watson, mức tăng lương trong năm 2013 của ngành ngân hàng khoảng 10%, trong khi tỷ lệ nghỉ việc lên tới 15%, cao nhất trong số các ngành được khảo sát. Dù vậy, thực tế, vẫn có những ngân hàng tăng lương rất “khủng” trong năm nay.

Bà Vũ Thị Huyền Trang, Giám đốc bộ phận Dịch vụ Dữ liệu của Công ty Tư vấn toàn cầu Towers Watson cho biết, công ty này vừa triển khai cuộc khảo sát về chế độ lương và phúc lợi xã hội năm 2013 với trên 20 ngân hàng trong và ngoài nước.

Ngân hàng ACB cắt giảm hơn 700 nhân sự trong quý 3/2013.
Ngân hàng ACB cắt giảm hơn 700 nhân sự trong quý 3/2013.

“Dữ liệu mà chúng tôi thu thập được qua cuộc điều tra khảo sát này phần nào thể hiện bức tranh chế độ lương và đãi ngộ của ngành ngân hàng trong năm nay và những dự báo cho năm tới. Chúng tôi không được công khai về danh tính đơn vị tham gia khảo sát. Tuy nhiên, nhìn chung, mức tăng lương của lĩnh vực ngân hàng là thấp nhất”, bà Trần Thị Huyền Trang nói.

Cụ thể, theo Towers Watson, năm nay, mức tăng lương của lĩnh vực dịch vụ tài chính nói chung và ngành ngân hàng nói riêng tăng thấp nhất so với các lĩnh vực khác, chỉ ở khoảng 9-10%. Tuy nhiên, tỷ lệ nghỉ việc của ngành này cao nhất vào khoảng 15% trong năm nay. Điều này cũng phần nào thể hiện được những khó khăn mà ngành ngân hàng đang phải đối diện.

Thực tế, không chỉ tăng lương chậm, mà từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng buộc phải giảm lương để dự phòng rủi ro, bù đắp chi phí, giải quyết nợ xấu.

Đơn cử, tại Ngân hàng ACB, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm cho thấy, mức chi lương và phụ cấp của ngân hàng này giảm 30% so với cùng kỳ năm 2012. Ngay cả nhiều ngân hàng lớn cũng giảm lương so với năm ngoái, như Eximbank, Vietcombank, VietinBank…


Liễu Phạm (Tổng hợp)