Hành trình "trốn" 95,2 tỷ đồng tiền thuế của Keangnam Vina

21/04/2014 10:15
Hồng Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - Keangnam Vina bị đưa vào tầm ngắm của cơ quan thuế từ cuối năm 2012 khi tòa nhà bắt đầu vận hành, với doanh thu đạt trên 5.200 tỷ đồng vẫn báo lỗ 140 tỷ đồng.

Mới đây, theo thông tin chính thức từ Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), trong năm 2013, ngành thuế đã rà soát, lập danh sách đưa vào diện quản lý kê khai thông tin giao dịch liên kết đối với 3.055 doanh nghiệp (DN). 

Riêng tại Cục Thuế TP.Hà Nội, kết quả thanh tra giá chuyển nhượng tính riêng cho Keangnam Vina, đã điều chỉnh giảm chi phí là 1.220 tỷ đồng. Công ty này cũng bị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 95,2 tỷ đồng.

Năm 2011, tòa nhà  Keangnam Hanoi Landmark bắt đầu đi vào vận hành với doanh thu lên đến 5.200 tỷ đồng nhưng công ty này vẫn báo lỗ 140 tỷ đồng. Sự bất thường này, "vị" đại gia có 100% vốn đầu tư từ Hàn Quốc bắt đầu bị đưa vào tầm ngắm của các cơ quan thuế từ cuối năm 2012. Từ đây, những nghi vấn chuyển giá của đại gia này được đặt ra.

Tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark.
Tòa nhà  Keangnam Hanoi Landmark.
Quá trình thanh kiểm tra tập đoàn này sau đó cho thấy: Tháng 10/2007, sau 3 tháng được cấp phép, Keangnam Vina đã ký hợp đồng chìa khóa trao tay với Công ty Keangnam Enterprise - một thành viên cùng công ty mẹ để làm tổng thầu EPC. Tổng giá trị hợp đồng lên tới 871 triệu USD.
Keangnam Enterprise không chỉ đảm nhiệm việc khảo sát, thiết kế dự án, cung cấp thiết bị máy móc, thi công xây dựng mà còn cung cấp cả dịch vụ tư vấn tài chính, dàn xếp vốn vay cho Keangnam Vina.
Năm 2008, riêng khoản phí tư vấn tài chính này đã được chủ đầu tư Keangnam Vina chi trả cho người anh em ruột lên tới 30 triệu USD, tương đương hơn 485 tỷ đồng. Phí dịch vụ sắp xếp nguồn vay lên tới 20 triệu USD, chi phí tư vấn quảng cáo, tư vấn cấp quyền sử dụng đất, cấp giấy phép đầu tư cũng lên tới vài triệu USD.
Trên sổ sách, trong khi chủ đầu tư Keangnam Vina thua lỗ liên tục, không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thì tổng thầu EPC Keangnam Enterpise ở Hàn Quốc lại hưởng lãi khủng. Trong đó, Keangnam Enterpise chỉ phải nộp thuế nhà thầu cho Việt Nam, thấp hơn nhiều so với việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 25% - 28%.
Qua đó, một nghi vấn về dàn xếp về giá vốn xây dựng, một khoản lợi nhuận kếch sù đã được Keangnam Vina chuyển về Hàn Quốc.
Sau thanh tra, cơ quan thuế xác minh loại trừ tất cả những khoản chi phí đầu vào bất hợp lý. Tổng giá trị hợp đồng EPC từ mức 871 triệu USD, thực chất giảm chỉ còn 699 triệu USD.
Đặc biệt, những con số lãi lỗ của Keangnam Vina đã được làm sáng tỏ. Trong 2 lĩnh vực kinh doanh thì lĩnh vực bán căn hộ cao cấp đã lãi lớn. Đoàn thanh tra xác định, chi phí giá vốn xây dựng cho khu căn hộ này chỉ chiếm 33% trong tổng gói giá trị hợp đồng EPC trên. Doanh thu bán căn hộ khoảng 3.500 tỷ đồng. Keangnam Vina bị buộc phải nộp truy thu thuế TNDN cho mảng kinh doanh bán căn hộ với tổng thuế là 95,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mảng kinh doanh thứ hai là dịch vụ khách sạn, cho thuê văn phòng của đại gia này vẫn lỗ nhưng con số lỗ thực tế thấp hơn nhiều. Tổng hợp lại, kết quả kinh doanh hợp nhất của Keangnam Vina tính đến năm 2011 vẫn lỗ.
Đặc biệt, khi kế hoạch thanh tra giá chuyển nhượng tại Keangnam Vina được duyệt, đại gia xứ Hàn này đã có những bước đi để đối phó. Mức lãi suất của khoản vay 400 triệu USD mà Keangnam Vina vay từ ngân hàng Kookmin Bank (Hàn Quốc), cũng là một người anh em trong cùng tập đoàn ban đầu được kê khai tới 12%/năm, gấp đôi cả mức lãi suất vay USD của các ngân hàng Việt Nam thời điểm đó, khiến tổng mức chi trả cho lãi vay lên tới 2.030 tỷ đồng. 

Nhưng ngay trước thời điểm đoàn thanh tra thuế đến làm việc, khoản vay này đã được chủ đầu tư tự hạ khai hạ thấp lãi suất xuống còn 5% - 7%, vì thế đã không bị phạt về hành vi chuyển giá.

Hồng Anh (Tổng hợp)