Hết "đại hạ giá" vàng tiếp tục "loạn giá"

24/11/2011 09:34
Khuê Hạ
(GDVN) - Giá vàng SJC sáng nay (23/11) đã hết "đại hạ giá" song vẫn còn tồn tại sự khác biệt khá lớn giữa các thương hiệu vàng trong nước.

Có thể nói, dự thảo Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng của Ngân hàng Nhà nước đã gây ra nhiều biến động trên thị trường. Do người dân đẩy mạnh việc bán vàng đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải giảm mạnh giá vàng do mình sản xuất so với giá vàng miếng của SJC để chặn đà bán tháo trên thị trường.

Tại hai doanh nghiệp Công ty vàng Agribank Việt Nam và Bảo Tín Minh Châu trong những ngày qua, tỷ lệ bán ra - mua vào chênh nhau rất nhiều (25% - 75%). Nhiều doanh nghiệp cũng đã phản ánh không đủ vốn để mua hết lượng vàng đã sản xuất ra do các ngân hàng thương mại đang siết chặt tín dụng. Chênh lệch cung cầu lớn nên buộc các doanh nghiệp này phải hạ giá bán, thậm chí công bố ngừng mua để chặn "cơn sốt" bán vàng của người dân.

Sự biến động của thị trường còn được thể hiện ở cả việc vàng SJC có thời điểm “đại hạ giá” xuống còn 44,55 triệu đồng/lượng (bán ra), thấp hơn các thương hiệu vàng khác khoảng 500.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, đến cuối giờ chiều qua (ngày 23/11), giá vàng này lại niêm yết gần ngang bằng với các doanh nghiệp khác.

Dự thảo nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng của Ngân hàng Nhà nước đã gây ra nhiều biến động trên thị trường.
Dự thảo nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng của Ngân hàng Nhà nước đã gây ra nhiều biến động trên thị trường.

Lúc gần 9h sáng nay (ngày 24/11), SJC được mua vào với giá 44,4 triệu đồng/lượng và bán ra với 44,7 triệu đồng/lượng. So với mức đỉnh đã thiết lập ngày hôm qua (45,1 triệu đồng/lượng), giá bán ra của vàng SJC hôm nay đã rẻ đi 400.000 đồng/lượng.

Chính vì vậy, mức chênh lệch giữa vàng SJC và vàng Bảo Tín Minh Châu được thu ngắn lại, hiện còn khoảng 300.000 đồng/lượng, thay vì 700.0000 - 800.000 đồng/lượng như những ngày trước đó.

Tuy nhiên, thực tế  vẫn tồn tại là: Thị trường vàng miếng chưa tìm lại được sự đồng thuận về giá, khi mà bảng giá vàng niêm yết tại các doanh nghiệp vẫn có sự khác biệt đáng kể.

Thần Tài SBJ đầu giờ sáng nay giao dịch ở mức 44,5 và 44,7 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), trong khi vàng rồng Thăng Long cùng thời điểm đó, niêm yết giá tương ứng là 44,1 và 44,5 triệu đồng/lượng, còn SJC được mua – bán tại hầu hết các tiệm kinh doanh vàng bạc ở ngưỡng trên 44,3 - 44,6 triệu đồng/lượng.

Trên thế giới, vàng tăng – giảm đan xen nhau nhưng đà giảm giá vẫn áp đảo hơn. Sàn New York đêm qua chứng kiến sự nỗ lực của giá vàng khi cố gắng tìm đường quay trở lại mốc 1700 USD/ounce song bất thành do lực chốt lời của các nhà đầu tư. Tính tới thời điểm 9h10 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay hiện vẫn bám trụ ngưỡng 1693 USD/ounce.

Mặc dù thị trường vàng đã mất nhiệt nhưng theo đánh giá của các chuyên gia về vàng, nhu cầu đầu tư vàng chưa mất đi trước khủng hoảng của khối kinh tế châu Âu.


Vàng "loạn" giá, người thiệt nhất vẫn là dân

Ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, trong cuộc trao đổi với VnEconomy có đánh giá: Tình hình chênh lệch giá vàng giữa các thương hiệu và biến động như hiện nay chưa thấy ai được hưởng lợi mà chỉ thấy khó khăn cho cả doanh nghiệp và người dân.

Trước mắt, khi giá vàng các thương hiệu khác ngoài SJC giảm mạnh, người dân sẽ là người chịu thiệt nhiều nhất, còn khó khăn sẽ đè nặng lên các doanh nghiệp, nhất là áp lực về vốn và giải quyết việc làm cho những lao động tham gia sản xuất vàng miếng.

Điều đáng lo ngại nhất là nếu giá vàng miếng của các thương hiệu khác tiếp tục giảm mạnh, không loại trừ khả năng những kẻ buôn lậu nhân cơ hội này gom vàng miếng của các thương hiệu khác ngoài SJC để xuất khẩu lậu ra nước ngoài.

Vì thế, theo ông Bảng, để giải quyết tình trạng này, trước hết Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp đảm bảo ổn định tâm lý cho người dân.
Khuê Hạ