Hợp tác xã ở Đông Nam Bộ có doanh thu cao nhất, thấp nhất là ở Tây Bắc

17/01/2019 06:10
Nhật Minh
(GDVN) - Ngày 16/1, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã chủ trì cuộc họp của Ban..

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết tính tới hết năm 2018, cả nước có 21.787 hợp tác xã (tăng 1.711 hợp tác xã, tương đương 5,9% so với năm 2017), 72 Liên hiệp hợp tác xã (tăng 16,1%) và hơn 106.000 tổ hợp tác với tổng số thành viên là gần 1,5 triệu thành viên (tăng 2,4%).

Các thành viên Ban chỉ đạo đánh giá mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng hoạt động của các hợp tác xã ngày càng ổn định và có xu hướng phát triển.

Doanh thu bình quân năm 2018 đạt trên 4 tỷ đồng/năm, tăng 4,9%, cao hơn yêu cầu của Chính phủ tại Nghị định số 107/2017/NĐ-CP.

Trong đó, doanh thu của thành viên hợp tác xã chiếm tới 60%, lãi bình quân của một hợp tác xã là 277 triệu đồng, tăng 11,7%.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP

Thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong hợp tác xã là 40 triệu đồng, tăng 9,5%. Hợp tác xã ở Đông Nam Bộ có doanh thu cao nhất và thấp nhất là ở Tây Bắc.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung, hộ gia đình là thành viên hợp tác xã có chi phí sản xuất giảm khoảng 25%, giá thành cao hơn 10% nên thu nhập cao hơn 30% so với hộ gia đình không phải là thành viên hợp tác xã, trong khi năng suất lao động như nhau.

Do vậy, trong số gần 22.000 hợp tác xã của cả nước hiện nay thì có tới hơn một nửa số hợp tác xã hoạt động hiệu quả.

Tuy nhiên, các thành viên Ban chỉ đạo cho rằng kinh tế tập thể vẫn còn gặp nhiều khó khăn do cơ chế, chính sách chưa đi vào cuộc sống, cấp uỷ đảng, chính quyền một số nơi chưa thực sự quan tâm phát triển kinh tế tập thể, chưa hình thành được bộ dữ liệu quốc gia về vốn, lao động, thủ tục đăng ký thành lập, đăng ký thuế của hợp tác xã, và bản thân các hợp tác xã vẫn còn yếu kém về cơ sở vật chất và năng lực quản lý...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá năm 2018, Ban Chỉ đạo đã triển khai tích cực các hoạt động, nổi bật là trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tiếp tục tăng cường công tác triển khai thi hành Luật Hợp tác xã.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Bộ Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn xử lý tài sản không chia hình thành từ nhiều nguồn vốn khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giải thể, phá sản, chuyển đổi sang loại hình tổ chức khác; Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Ngoài ra, cả nước đã hình thành một số hợp tác xã và tổ hợp tác đổi mới sáng tạo, chú trọng giải thể các hợp tác xã cũ, tạo điều kiện cho hợp tác xã mới ra đời.

Qua thực tiễn, một số nơi có phong trào hợp tác xã chưa mạnh thì nay tăng khá, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long.

Trưởng Ban chỉ đạo cũng lưu ý việc đánh giá tính hiệu quả của hợp tác xã kiểu mới phải dựa trên cả yếu tố gia tăng lợi ích cho kinh tế hộ gia đình thành viên, chứ không phải chỉ tính tới hiệu quả hoạt động của riêng hợp tác xã.

Bên cạnh những thuận lợi trong hoạt động, Phó Thủ tướng cho rằng việc phân công, phân nhiệm trong Ban Chỉ đạo chưa rõ ràng, công tác triển khai Ban chỉ đạo ở các địa phương chưa đều khắp.

“Quan hệ hoạt động giữa Ban chỉ đạo cấp Trung ương và địa phương phải chặt chẽ, làm phải thực chất, hiệu quả, không phải thành lập ra cho vui”, Phó Thủ tướng nói và đề nghị các bộ, địa phương tập trung thực hiện.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương xây dựng bộ dữ liệu quốc gia về kinh tế tập thể, hợp tác xã, tình hình phát triển để báo cáo với Chính phủ, Quốc hội, Ban Bí thư và xây dựng báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Trung ương tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Nhật Minh